Gió lồng lộng thổi từ phía Vu Gia. Chúng tôi đi dưới hàng tre già ở làng cũ, lòng cứ dềnh dang theo những ưu tư của những người còn ở lại. Là ở lại mùa này, mùa không còn lụt. Nhưng tâm tưởng của họ, vẫn nhớ lắm những êm đềm cũ, dù phần nhiều đã theo đợt lụt dữ xưa kia, chìm đáy sông sâu, lâu lắm rồi…
Những nóc nhà khang trang mọc lên ở Phương Trung sau nhiều năm tái định cư. Ảnh: THÀNH CÔNG |
Làng của ân tình
Thôn Phương Trung có 276 hộ, với 1.200 nhân khẩu. Năm 1999, lũ dữ làm sạt lở nhiều ngôi nhà, một người chết, nhiều gia đình ở làng lâm vào cảnh trắng tay. Sau lũ, đích thân Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến thăm, động viên, chỉ đạo các đơn vị hỗ trợ cho dân làng tái định cư, ổn định cuộc sống. Đến nay, toàn thôn Phương Trung chỉ có 7 hộ nghèo, đời sống người dân đã ổn định hơn nhiều so với trước đây. |
Con đường uốn cong như đòn gánh, dẫn vào làng Phương Trung (xã Đại Quang, huyện Đại Lộc). Làng ở giữa một ngọn đồi được san phẳng, ngó… lưng chừng như cái tên gọi. Cây cối đã lên xanh. Đứng ở ngã ba đầu làng, nhìn cây bàng chỗ nhà văn hóa thôn vươn cao, mà mát mắt. Thứ đổi khác nhất ở đây, từ khi có người ở, là màu xanh. Xanh cây trái, xanh vườn tược, thay cho khoảng đồi trọc, hơi nóng bốc lên bẻ cong mọi ánh nhìn của ký ức. Ông Trần Văn Sơn (54 tuổi) - Bí thư Chi bộ thôn kể, rằng thay đổi thì nhiều lắm. Nhà cửa, đường sá khang trang hơn. Rồi thì xe máy, ti vi, tủ lạnh, con cái học hành tử tế…, chừng nớ thôi cũng đã là đủ đầy với quê kiểng, với những người gần một đời với đất, với bùn như ông. Chỉ có tên gọi, và những ân tình, là không đổi. Ân tình, thứ khai sinh ra làng Phương Trung này, từ một ngọn đồi trằn đá núi.
Ông Sơn vẫn nhớ, ngày đó, một nửa làng cũ chìm dưới lòng sông, hàng trăm con người trong cảnh màn trời chiếu đất. “Nước lớn, tôi không kịp về nhà. Tới lúc chèo ghe vô được thì nước lên một đợt nữa. Đất đã mềm từ đợt trước, sạt luôn xuống sông, trâu bò trôi tuột. Cả trôi, cả sập, đếm mất 170 nóc nhà. Một người chết, số còn lại thì đói rách tả tơi. Sau đó thì về, ở hẳn nơi này, khi Quân khu 5 xây lại nhà cho mỗi hộ. Cây trái chừ lom dom rứa chớ biết bao mồ hôi đổ xuống” - ông Sơn kể.
Đường vào làng Phương Trung mới. |
Mười tám năm, kể từ cái đận cả làng khăn gói lũ lượt dời lên trên làng mới sau cơn lụt lội thế kỷ, giờ gói gọn lại mấy chữ “làng bác Phiêu”. Là nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, người đã lặn lội về tận Phương Trung sau cơn lũ dữ, rồi chỉ đạo Quân khu 5, các cấp, ngành địa phương lo cho cuộc tái sinh của làng. Ngày về làng mới, chỉ có những mái nhà thấp lè tè chừng 30m2 với khoảnh vườn con. Mùa nắng, hơi nóng bốc lên từ đá, khét lẹt. Bầy gà lăn ra chết, vì không có chỗ chui tránh nắng. Giếng đào khô khốc. Trập trùng những gian khó bủa vây lấy người vừa rời biền sông, trong tay không một thứ tài sản nào đáng giá. Đất đai, vườn tược đều ở làng cũ, người Phương Trung xuôi ngược giữa hai làng, tảo tần chăm bón chút đất còn sót lại. Đêm đến ngược về làng mới, dạy con học, gánh từng chút nước tưới mấy gốc cây. Màu xanh bây giờ, tưới tắm bằng mồ hôi của chính người làng qua suốt năm tháng dài ấy. Cứ từng chút, từng chút một như thế, người Phương Trung chắt chiu, tảo tần. Bác Phiêu thì vẫn đều đặn hàng năm gửi quà, gửi thư chúc Tết, động viên bà con vượt khó. Nhiều lần, ông trở lại Phương Trung, tay bắt mặt mừng với từng người, từ già đến trẻ. Lần gần đây nhất là năm 2016, nghe tin bác Phiêu về, cả làng già trẻ tập trung ở nhà văn hóa thôn, chờ được bắt tay vị ân nhân của làng. “Không có bác Phiêu lặn lội về trong đợt lụt năm nớ, thì đâu ra cái làng Phương Trung bây giờ. Tới độ, có một khoảng thời gian, khi cuộc sống khá hơn, một số gia đình muốn đập bỏ nhà cũ để sửa lại cũng bị can ngăn, vì dân làng muốn giữ “di tích” là căn nhà cũ được cấp từ hồi mới chuyển về. Tôi năm nào cũng đại diện dân trong làng, viết thư chúc Tết bác Phiêu, rồi báo cáo về những đổi thay của bà con để bác mừng” - ông Sơn bộc bạch.
Sống với phù sa
Chúng tôi băng qua những khoảnh bắp, khoảnh đậu, tìm về làng cũ Phương Trung. Những rặng tre già như neo giữ dấu tích của mấy chục năm làng cũ. Vẫn từng khoảnh vườn vuông vức, những nền nhà trơ lại sau bao đận lụt, và con đường đất len lỏi dưới bóng tre. Đi đâu cũng thấy hơi người, là bởi, khoảnh vườn nào cũng được rào chắn cẩn thận, có cổng ra vào hẳn hoi. Và những chái, những trại trên chính nền nhà xưa, giữa cây trái trong vườn. Chúng tôi ghé vào lán trại của bà Lê Thị Phu, cùng đứa con gái và cháu ngoại đang tất bật chăm mấy gốc chuối trong vườn. Cả ngày, gia đình bà ở đây, cả con gái, con rể và hai đứa cháu. “Đời làm nông, đất ở đâu thì mình ở đó thôi chú. Đây là nhà cũ, vườn cũ. Dời lên mấy chục năm rồi, chớ cây trái chi cũng làm ở chỗ ni hết. Mùa lụt thì lên kia. Mấy bữa ni bò đẻ, tôi ở lại đêm luôn ở đây. Chẳng ngại chi, vì ngoài này, bà con ở lại cũng nhiều lắm” - bà Phu nói. Bà kể vanh vách từng nhà, từng người ở lại với bà, nhà sát vách, nhà ở tít tận cuối làng. Đồ đạc trong căn lán, chỉ có mỗi chiếc giường con, vài cái nồi, bát đũa và ba hòn gạch kê làm bếp. Chừng đó thôi, là đủ. Đứa cháu của bà Phu, mới ba tuổi, mà cũng đã theo bà về đây, lỏn lẻn chơi quanh vườn…
Màu xanh trên bãi bồi ven làng cũ Phương Trung. |
Đi dưới con đường mòn làng cũ, mát rượi. Chúng tôi băng ra khoảnh đất nà, tìm những người đàn bà đang cần mẫn với đậu, với ớt, bắp ngoài cánh đồng. Bãi đất rộng mênh mông phía sông, đã lên xanh bạt ngàn sau đợt lụt trễ tháng Chạp. Một nhóm năm người phụ nữ thu hoạch ớt, chỉ có chóp nón lô nhô giữa màu xanh thăm thẳm ấy. Bà Lê Thị Thủy (55 tuổi), một người trong nhóm, nói mùa này vào làng mới, đi mỏi chân mới thấy người. Bởi, ngoài số đi làm công nhân cho khu công nghiệp, còn lại ra hết bãi nà. Họ sống với phù sa, với những luống bắp, luống ớt gieo lên từ sau mỗi mùa lũ. Một ngày công chừng một trăm hai mươi nghìn đồng, cộng thêm chút lời lãi thu hoạch từ khoảnh đất ngoài bãi, cũng đủ để nuôi con ăn học, dành dụm sắm sửa thêm ít đồ đạc cho gia đình. “Ngoài này mà vui. Có dang nắng nhưng chút gió dưới sông phả lên đỡ bức bối hơn ở trong làng mới. Với lại, từ dạo mấy nhà máy mọc lên sau làng mới, khói bụi cả ngày xả thẳng lên trời, trùm xuống làng, tụi trẻ con hết ho thì sổ mũi, thở không nổi. Bác Phiêu thương dân làng ni, mà nhà máy thì không. Mấy chú ngó thấy đó, từ chỗ ni, xa làng biết bao nhiêu mà khói phả ra trắng trời đó, rồi bãi xả thải, ở miết rồi cũng chịu không nổi” - bà Thủy chỉ tay về phía những ống khói nhà máy chọc trời phía xa, sát làng mới bây giờ…
Chúng tôi ngồi lại với những người Phương Trung ngoài bãi đất nà, nghe đủ câu chuyện buồn vui chất chứa qua tháng năm của họ. Ai cũng nói nhớ làng cũ, mà thứ nhất là sợ lụt, thứ hai là lưu luyến những ân tình của bác Phiêu, thành ra cứ ưu tư trong những nhớ nhung. Con gái bà Phu, mấy chục năm lăn lộn ở Sài Gòn, rồi cuối cùng cũng về quê, hai vợ chồng gắn với mảnh vườn, với những hạt phù sa nuôi lớn họ từ thuở lọt lòng. Chị cũng sợ khói bụi nhà máy, cũng muốn con cái lớn lên trong xanh thắm tuổi thơ của chị ở đất này, mà loay hoay trăn trở. Chị bảo, giá như có doanh nghiệp mô đó có tiền, đầu tư du lịch sinh thái vô làng ni, thì hay quá. Vừa giữ làng, vừa đỡ phải bỏ không những mảnh vườn, những rặng tre với con đường mòn thanh bình quê kiểng. Nghe chị kể, mới thấy nhen nhóm cái tình của người nhà quê, với đất, với làng, qua bao thế hệ. Đói, khổ, cũng đã xa rồi. Nhưng trong mỗi người, vẫn đau đáu một niềm nhớ, từ phía sông…
Ghi chép của THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN