Bến Thương

THẢO NGUYÊN 01/02/2015 10:36

Nhà ông Tư Hiệp nằm lẻ loi cuối đồi Sim. Đó là túp lều lợp tranh, vách bằng phên tre trét phân trâu. Nó giống như một chấm nhỏ đen trên nền giấy trắng mới mẻ, thơm tho. Nói vậy là vì đồi Sim giờ tìm nát nước cũng không ra nhà tranh, nền lởm chởm đất trừ nhà ông Tư Hiệp. Xưa kia, sau túp lều ấy là một đồi sim tím ngắt mỗi độ trời đất sang xuân. Nói đâu xa, hồi những năm tám, chín mươi của thế kỷ trước, sim còn ngập đất. Lũ trẻ đồi Sim đứa nào cũng ít nhất một lần trốn học, trốn mẹ, ngơ ngẩn giữa rừng sim đầu mùa chín mọng, ngọt lựng. Trước nhà ông Tư Hiệp có mô đất cao. Đứng ở đó phóng tầm mắt ra xa là dòng sông uốn lượn. Đoạn sông Mẹ chảy về đây được người đồi Sim gọi là bến Nhớ, bến Thương. Bến Nhớ nằm mé trên, bến Thương ngược về dưới. Tư Hiệp ở dưới bến Thương.

Ngày ngày ông già ngoài thất tuần, tóc bạc trắng, chân đi cà thọt ngược nguồn lên bến Nhớ chở khách phương xa về bến Thương thăm thú. Ông lên rừng xuống biển cả thời trai trẻ, chưa thấy đâu có những mỏm đá nhô cao với hình thù kỳ lạ mà dễ làm say lòng người như cái bến này. Đá sừng sững soi mình xuống dòng nước trong xanh trôi hiền hòa như dải lụa mềm vắt qua miền trung du thương khó. Ông Tư Hiệp thường nghe kể, hồi xưa bến Thương có nhiều khỉ lắm. Vì cây cối mọc ken nhau dọc theo triền núi nên khỉ sống thành đàn, chiều chiều ra sông tắm nắng, nghịch nước rôm rả như trẻ con. Cũng lạ, dù ông chẳng phải hướng dẫn viên hay người làm du lịch chuyên nghiệp nhưng hễ đoàn khách nào có ý về đồi Sim thể nào người tổ chức cũng nhất quyết chạy tìm ông cho bằng được. Tư Hiệp không chỉ là người chèo đò mà còn là “hướng dẫn viên” với những chuyện kể nặng tình người, tình đất, tình sông. Người này truyền miệng qua người kia, họ gọi ông là “ông già bến Thương”. Và, đời sông, đời người cứ vậy mà miên miết chảy. Song hành qua những vui buồn, thương khó riết rồi như máu thịt.

Hai mươi tuổi, Tư Hiệp đi bộ đội. Những lần hành quân về ngang đồi Sim thường cố nán lại, nửa nhìn đồi, nửa hướng mắt ra bến Thương. Miền nhớ lao xao.

Tháng ba năm bảy lăm, xứ Quảng được giải phóng. Tư Hiệp về đồi Sim với cái chân phải đã cưa quá nửa. Chiến tranh mà, làm sao đong đếm hết những mất mát, hy sinh. Ông già Tư Hiệp ngó con trân trân một hồi rồi cười lớn, đập hai tay bôm bốp lên vai Tư Hiệp.

- Rứa là mi còn cái rưỡi hỉ. Chừng nớ cũng đủ rồi con.

- Dạ, ba.  Tư Hiệp cúi đầu.

Rồi Tư Hiệp cưới vợ. Vợ ông vốn là cô gái tải đạn, thồ lương thời chống Mỹ. Hai người thương thầm trộm nhớ nhau lâu lắc. Nhưng, như phần đông thanh niên thế hệ mình, ông bà đã chọn lý tưởng vì quê hương đất nước mà gạt tình riêng. Và bến Thương cất giùm tình yêu của họ đến ngày hòa bình.

– Dòm mình còn có cái rưỡi, tính thôi không vợ con chi nữa. Rứa mà bả theo miết nên xiêu đó chớ - ông Tư Hiệp nhìn vợ, cười.

- Nề! Ai theo ai hỉ, nói lại đi nghe! -  bà Tư Hiệp huých cùi chỏ vào vai chồng.

Sống với nhau được ba mặt con thì bà Tư Hiệp mất. Đó là vào mùa đông năm tám lăm, Út Hàn mới tròn tuổi. Sau đám tang, ông Tư Hiệp ngồi lặng trên nà bắp dọc bãi bồi triền bến Thương đúng ba ngày ba đêm.  

Ông Tư Hiệp gà trống nuôi con bằng nghề chèo đò, trồng bắp, trồng đậu. Cái chân cà thọt vậy chứ làm gì cũng nhanh nhẹn, trai tráng chưa chắc đã bì kịp. Hình như bà Tư Hiệp thương chồng hay sao đó, phù hộ thế nào mà ông làm bắp được bắp, làm mía trúng mía, làm đậu, đậu chất đầy sân.

Khi các con đã trưởng thành, lần lượt đi phố hết thì ông Tư Hiệp tìm cho mình niềm an ủi mới. Ngày ông chèo đò, đêm ra nhà văn hóa xã dạy chữ. Đây là lớp phổ cập, xã mở ra khuyến khích người già không biết chữ và tụi nhỏ đến học trước khi chuyển trường lên các bậc cao hơn. Học miễn phí. Tất nhiên người dạy cũng tự nguyện. Trẻ đồi Sim đứa nào thấy ông cũng vòng tay lễ phép:

- Con chào thầy Tư.

Nghe vậy, ông cười khà khà, nói tau chữ nghĩa chẳng bao nhiêu, bay kêu “thầy” dị chết.

Hai Hân, đứa con gái lớn của ông mỗi lần về thăm nhà đều càm ràm, một, hai nài nỉ ba ra phố sum họp cùng con cháu.  

- Ba ra sống với vợ chồng con. Chèo đò chừ công cán nhiêu đâu, làm chi cực.

- Nề! Để con cháu phụng dưỡng chớ ở mình, thui thủi miết buồn chết! Người Đồi Sim thường to nhỏ “nói vô” vậy mỗi khi ngồi khề khà với ông bên ly nước chè xanh.  

- Tau chèo đò đâu phải vì tiền.  Ông Tư Hiệp giải thích gọn trơn.

Hè năm ngoái, Út Hàn về thấy một góc bếp đã tan nát, lại thêm vách thủng lỗ chỗ, cái nhà coi bộ muốn ngã tới nơi thì nhất quyết giấu mái chèo, làm dữ cả ngày trời. Vợ con nó còn bù lu bù loa nói ba không thương con, thương cháu. Ở phố nhà cửa rộng thênh thang, ba lại sống đơn độc trong túp lều rách vầy thì yên tâm sao được. Rồi còn xóm làng, người ta cười cho. Con với cái, rặt một lũ bất hiếu. Đấy là Út Hàn kêu vợ, con làm rùm beng lên để ông chịu đi thôi chứ ở đồi Sim ai chẳng biết tính ông, ai chẳng rõ tấm lòng hiếu thuận mấy đứa con dành cho ông. Chị em Út Hàn cũng nhiều lần tính xây nhà mới, ông gạt phăng. Ông nói đây là kỷ niệm của ông với má tụi nhỏ. Hai vợ chồng bao ngày mướt mồ hôi hì hục lên núi cắt tranh, chẻ tre đan phên, tự chặt cây mây về đan từng cái rổ. Ngó chỗ nào trong nhà cũng thấy bóng hình bà Tư Hiệp nên cứ để vậy thôi.   

Sau bận đó, ông Tư Hiệp đành quầy quả theo con ra phố. Ngày thứ nhất, ông đi ra đi vô, khi xịt nước mấy chậu cây, khi ngồi bó gối ngoài hiên, nói chuyện một mình.

Ngày thứ hai, may sao đúng chủ nhật. Út Hàn thấy ba buồn xo bèn gợi ý:

- Hay ba lên xe con chở đi loanh quanh coi phố coi phường hỉ?

Nghĩ mình thui thủi hoài cũng chán. Mới có mấy ngày mà bứt rứt lắm rồi, ông Tư Hiệp gật gù. Cả hai vợ chồng Út Hàn đều làm du lịch. Vợ hướng dẫn viên, chồng trưởng phòng kế hoạch. Thành ra, Út Hàn tới đâu là y như vanh vách nói về lịch sử nơi đó mà chẳng cần cầm tài liệu gì.

- Rứa chớ lịch sử bến Thương chưa chắc bây hiểu hết.  Ông Tư Hiệp tặc lưỡi.

Hôm sau, vừa tờ mờ sáng ngày thứ ba ở phố, ông Tư Hiệp đã gom hành lý.

- Răng rứa ba? Vợ chồng con có chi không phải thì ba cứ nói chớ gom hành lý làm chi? Út Hàn hốt hoảng.

- Bay để ba về. Xa bến Thương tau như xa phần hồn mình. Mất má bay là tau chết một lần rồi. Giờ không ở bến Thương coi như chết thêm bận nữa.

Út Hàn sửng sốt. Má mất sớm, Út Hàn từ nhỏ đã lẽo đẽo theo ba ra sông, ra nà bắp, nà đậu. Lớn lên thì đi học rồi ở hẳn phố. Út Hàn chưa đủ tinh ý để hiểu tình đất tình quê đối với ba sâu nặng biết chừng nào.
Ông già ngoài thất tuần lại ngày ngày chèo đò đưa khách đi dọc bến Thương, nơi ông luôn tự hào vì cảnh sắc đượm màu trữ tình, tự hào vì lòng người bến Thương hào hiệp, chân chất. Nhưng khách ngày càng thưa. Có quá nhiều nơi mời gọi khách du lịch bằng những hoạt động rình rang, giới  thiệu, đón đưa với đủ loại phương tiện hiện đại. Hình như người ta quên cái bến nghèo này rồi.

Sáng nay, đồi Sim đón đoàn khách mới. Đoàn rất đông, có cả người nước ngoài do chính Út Hàn dẫn đường. Thấy con, ông Tư Hiệp nheo mắt kinh ngạc. Vì lẽ hồi giờ công ty Út Hàn theo như ông biết thì chỉ khai thác các tuyến du lịch đi nước ngoài. Đùng một cái lại về núi, về sông quê.

- Nề! ri là răng  con?

- Dạ, ba, chuyện là,  Út Hàn ngập ngừng.

- Chừ có chi thì mi nói trớt cha cho rồi. Đàn ông đàn ang răng có cái kiểu ấp a ấp úng nớ con.

- Dạ, chuyện là… là…, vợ chồng con lên kế hoạch mở tour du lịch về bến Thương và công ty đã duyệt. Nhưng mà, tụi con cần ba giúp làm hướng dẫn.

- Ý là?, ông Tư Hiệp nghi ngại.

- Dạ, đúng đó ba. Bến mình đẹp, sông nước hữu tình lại có bề dày lịch sử cần truyền lại cho nhiều thế hệ con cháu. Vậy nhưng giờ nói đến bến Thương không nhiều người biết…

Ông Tư Hiệp trầm ngâm hồi lâu. Mộng ước từ ngày nào đó xa xăm lắm lại ùa về. Ông không ngờ ở cái tuổi xưa nay hiếm này mình còn có cơ hội góp chút sức để đoạn sông thương khó này không bị lãng quên. Ông nhìn con, ánh mắt già nua ngời lên niềm hạnh phúc.

THẢO NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bến Thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO