Bên trời Âu Mỹ, nhớ quê...

Mỹ Dung 10/02/2013 10:33

Ở nước Nga lạnh giá, Thảo nhớ da diết nồi nước bồ kết mẹ nấu để gội đầu chiều 30 Tết. Ở nước Mỹ nhộn nhịp, Dung thèm được trở về ngồi sau lưng ba đi dạo chợ hoa ngày tết, để rồi cười thật tươi khi ba mua cho chiếc bong bóng bay. Ở Pháp lãng mạn, Ánh chỉ muốn ước có cánh cửa thần kỳ của Doremon để được chạy về đá banh bằng bong bóng heo với mấy đứa bạn trong xóm. Ký ức tết vẫn vẹn nguyên trong mỗi trái tim của những người trẻ tuổi đang phải sống xa quê hương. Bầu nhiệt huyết trong họ vẫn tràn trề với tâm nguyện ráng học cho tốt, cho xứng đáng với cái tên Quảng Nam ở xứ người…

Ngô Phương Dung - thạc sĩ Quản trị kinh doanh - Chuyên viên phân tích tài chính, đang sinh sống và làm việc tại quận Cam (Mỹ):

“Tết quê hương là đẹp nhứt!”

Tốt nghiệp Đại học Ngoại thương hạng ưu, Ngô Phương Dung được nhận thẳng vào làm ở một công ty của nước ngoài. Nhưng, Dung vẫn muốn thử thách mình. Nhảy việc sang tư vấn tài chính ở Sacombank một thời gian, Dung “săn” được học bổng toàn phần Master Bussiness Administration (MBA) chuyên ngành tài chính tại California State University Long Beach tiểu bang California (2010-2012). Thời gian học, Dung làm trợ giảng cho một giáo sư tại trường và Dung được đánh giá rất cao về năng lực phân tích. Tốt nghiệp đầu tháng 12.2012, Dung được một công ty ở Mỹ mời tiếp tục ở lại để phân tích năng lực tài chính cho họ. Đã 2 năm rồi, Dung không được ăn tết ở quê, ký ức tết với cô nàng nhỏ xinh này là: “Tôi là người cứng rắn nhưng cứ đến gần tết là dễ khóc lắm! Tôi không bao giờ quên chợ hoa Nam Phước (Duy Xuyên) quê tôi chiều 30 tết. Thời khắc đó, dù có khó khăn đến mấy, người ta cũng ráng tìm mua vài chậu hoa về chưng trong nhà. Tôi nhớ da diết cái mùi hăng nồng lạ kỳ của bông cúc, bông thược dược. Rồi nhớ những con đường trong xóm sạch bong nhờ bà con chòm xóm giẫy cỏ, quét rác… để chờ đón tết. Hiện, tôi đang sống ở quận Cam. Khá đông cộng đồng người Việt ở đây nên chúng tôi vẫn sum họp lại để gói bánh chưng, bánh tét và đón giao thừa. Khi nào nhớ nhà quá, tôi hay lái xe ra Little Saigon chỉ để hít thở một vài hương vị quen thuộc. Trong tôi, tết quê hương là đẹp nhứt trên đời”.

Ở tuổi 28, Dung dự định sẽ hoàn tất chương trình tiến sĩ trong 2 năm tới. “Ba tôi vẫn luôn dặn tôi rằng, dù ở bất cứ nơi đâu, con hãy luôn tự hào mình là người Quảng Nam. Hãy nhìn lại những người nông dân chân lấm tay bùn của quê mình mà bước tới!”.

Nguyễn Kim Ánh - Giảng viên khoa Tự động hóa trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, hiện là nghiên cứu sinh thuộc trường Đại học Công nghệ Troyes (Pháp):

“Chỉ bên mẹ là mùa xuân thôi!”

Sinh năm 1981, quê ở Phú Ninh, Nguyễn Kim Ánh được xem là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của khoa Điện tự động (K99) của Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Chọn con đường làm giảng viên, Ánh đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ 2 năm sau đó. Ước mơ của Ánh không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, bạn trẻ này mong muốn sẽ mang những thành tựu tốt nhất về tự động hóa của thế giới để về phục vụ chính đất nước mình.

 Sau 3 năm nghiên cứu sinh ở Pháp, đây là cái tết thứ ba Ánh xa nhà. Khi hỏi về ước mơ của mình khi ăn tết ở xứ lạnh thường âm hơn 10 độ C, chàng giảng viên trẻ chia sẻ: “Với tôi, chỉ có bên mẹ mới là mùa xuân thực thụ! Giờ trưởng thành rồi, có thể sắm cho mình những bộ đồ đắt tiền nhưng sao vẫn thèm được cái cảm giác cuối năm được mẹ dẫn đi mua đồ tết, rồi về chưa kịp giặt đã mặc chạy khoe khắp xóm. Những ký ức đó, những người ăn tết xa quê nơi xứ người như tôi thật thấm thía. Ở Pháp, sinh viên Việt khá đông, người Quảng Nam cũng rất nhiều. Thông qua Hội sinh viên (UEVF), dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam, chúng tôi thường xúm xít tổ chức gói bánh tét, nấu bánh chưng, làm mứt, nấu cơm ăn vào dịp tết… Rất nhiều sinh viên quốc tế cũng thích tết cổ truyền Việt Nam, trò chơi được nhiều người phấn khích nhất chính là đốt pháo chuột. Ngày tết, khi chúng tôi ngồi lại với nhau luôn nhắc mình là người Quảng Nam. Không hiểu sao, chứ cứ nghe Quảng Nam thôi là có động lực ghê gớm, cứ thế học ngày học đêm và mấy bạn quốc tế ở đây rất thích chơi với sinh viên người Quảng Nam. Họ nói, chơi với các bạn, chúng tôi thấy được cả một đất nước Việt Nam nhỏ bé, hiền hòa và thân thiện… Tôi chỉ nhắn một câu: “Quê hương luôn ở trong tim chúng tôi! Càng xa mảnh đất cằn cỗi nghèo khó Quảng Nam bao nhiêu chúng tôi càng yêu mến và tự hào vì nó đã sinh ra chúng tôi!”.

Nguyễn Thị Phương Thảo - sinh viên khoa tự nhiên, bộ môn Vật lý, Đại học Tổng hợp Quốc gia Tula (Nga):

“Tết là nỗi nhớ thong dong tìm về”

“Con nhớ đêm ba mươi, hai má con vẫn hì hụi với đủ các công việc không tên trong gia đình, rồi ba sắp mâm bánh cúng giao thừa, cả nhà quây quần cùng nhau đón tân niên, thấy cả đất trời như cùng một tiếng vọng, hay tiếng trái tim non háo hức niềm vui thơ trẻ. Tết đến rồi!

Sau giấc ngủ mát lành đêm xuân, con tỉnh dậy và nằm yên, nghe tĩnh lặng có nhang trầm lan tỏa, hít một hơi thật sâu, con gọi đó là mùi của năm mới. Nhìn xuống bếp thấy ánh lửa ấm, không cần đoán cũng biết má đang xào đồ chay, có đậu tây xanh ngắt, có bún khô trắng tinh, có nấm rơm khô đen nhạt, có đậu khuôn chiên vàng xắt lát, thơm nức mũi. Phải dậy thôi! Bình yên lắm ngày mới tân niên, cả nhà mình chào nhau bằng nụ cười tươi rói. Năm mới khí thế vui vẻ và nhiều may mắn, đó là điều ba má dạy cho con khi tặng nụ cười đầu năm cho những người thân yêu.

Năm nay, sau những ngút ngàn xa đã qua, con được trải nghiệm thêm một nỗi nhớ trưởng thành! Vẫn là tình yêu cùng nhau đi suốt hàng ngàn ngày qua  đó thôi, vẫn là nỗi nhớ luôn thường trực nhưng nay đã mang màu sắc mới. Nhớ về mái ấm còn non nớt của riêng con, nhớ rằng mình là một cô dâu mới, có thêm má thêm ba, thêm họ hàng thương yêu chờ đón con. Lại phải xa nhau để tiếp tục học hành, nhưng ngày hội ngộ đang rất gần và rất ấm áp, phải không Thương Yêu? Hẹn xuân sau, về bên anh trọn vẹn một gia đình!”

Thảo là cô sinh viên giỏi của khoa Vật lý trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thành tích đứng đầu khoa cùng với kết quả học tập 12 năm liền học sinh giỏi, đoạt nhiều giải thưởng quốc gia đã giúp Thảo là người duy nhất nhận được học bổng sang Nga du học. Trong 6 năm qua, Thảo đón tết ở nước Nga lạnh giá. Hiện Thảo đang theo học hệ chuyên gia tại Dubna, Moscow, khi khóa học này kết thúc Thảo sẽ được học thẳng lên hệ tiến sĩ. Sinh năm 1988, Thảo vừa trở thành vợ của một chàng kỹ sư người Duy Xuyên. “Mình muốn là người đàn bà Quảng Nam bình thường được yêu và chăm sóc chồng con sau những giờ làm việc cho xã hội. Má mình nói: làm gì thì làm gia đình vẫn là quan trọng nhất, và hãy nhớ phụ nữ gốc Quảng là những người đàn bà chung thủy, chịu thương chịu khó và luôn hết mình vì gia đình”- Thảo tâm sự. Một ước mơ giản dị mà đằm thắm.

Mỹ Dung

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên trời Âu Mỹ, nhớ quê...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO