Bên ven bờ Hiền Lương

PHẠM PHÚ PHONG 16/07/2014 08:43

Sông Bến Hải chảy từ tây sang đông, bắt đầu từ biên giới Việt - Lào, từ mỏm Bò Ho thuộc dải Đông Trường Sơn ra đến Cửa Tùng (tỉnh Quảng Trị), nơi rộng nhất gần Cửa Tùng rộng 200m, nơi hẹp nhất ở đầu nguồn hẹp đến mức “nhảy qua không ướt mũi giày” (Nguyễn Tuân). Cũng vì quá hẹp, quá cạn mà sông còn có tên Bến Hói. Đoạn đầu nguồn, sông có tên là Rào Thành. Đoạn sông có cầu bắc qua, ngày trước thuộc làng Minh Lương, nên tên sông cũng gọi theo tên làng. Đến thời Minh Mạng, vì sợ phạm húy nên chuyển từ Minh sang Hiền. Tên cầu Hiền Lương bắt nguồn từ đó. Đoạn cuối sông có tên là Bến Hai (có lẽ bắt nguồn từ Bến Hói, thường quen gọi là Bến Hải). Phải chăng Bến Hai là cái tên định mệnh về sự chia đôi đất nước sau này?

Hội nghị Genève, khai mạc tại thành phố Genève (Thụy Sĩ) vào ngày 26 tháng 4 năm 1954, nhằm bàn về vấn đề khôi phục hòa bình tại Triều Tiên và Đông Dương. Hội nghị gồm có 9 phái đoàn tham dự, đại diện cho 9 quốc gia và vùng lãnh thổ: Anh, Liên Xô, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Pháp, Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Lào và Cambodia (hai phái đoàn Lào và Cambodia chỉ được dự thính, nguyện vọng của họ được trình bày thông qua đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa), do Anh và Liên Xô làm đồng chủ tịch. Sau hơn mười ngày làm việc, vấn đề cứu vãn hòa bình ở Triều Tiên không đạt kết quả, ngày 8 tháng 5 năm 1954 (nghĩa là sau chiến thắng chấn động địa cầu Điện Biên Phủ một ngày), hội nghị Genève bắt đầu họp bàn về vấn đề khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Khi phân chia ranh giới tạm thời để tập kết quân đội, tránh những xung đột quân sự có thể xảy ra, “hai bên mặc cả với nhau, Pháp đề nghị ở vĩ tuyến 18, Việt Nam Dân chủ cộng hòa thì muốn ở vĩ tuyến 13. Ngày 9.7.1954, phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đưa ra đề nghị hạ xuống vĩ tuyến 14, Pháp vẫn giữ quan điểm vĩ tuyến 18. Ngày 13.7, phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa lại hạ yêu cầu xuống vĩ tuyến 16 và đến ngày 19.7 thì hai bên thỏa thuận ranh giới tạm thời sẽ ở vĩ tuyến 17, phù hợp với ý kiến của các nước Anh, Mỹ và cũng phù hợp với quan điểm của Trung Quốc “không quan tâm đến lợi ích của những người cộng sản và dân tộc chủ nghĩa tại ba nước Đông Dương. Trung Quốc thỏa hiệp với các nước phương Tây trong giải pháp phân chia lãnh thổ bất lợi đối với lực lượng bản xứ” (trang mạng Bách khoa toàn thư Wikipedia) như thỏa thuận giữa Pháp và Trung Quốc trong các phiên họp trước đó và tuyên bố của trưởng phái đoàn Trung Quốc Chu Ân Lai. Hóa ra, từ thời ấy, người ta đã sợ miền Bắc đông dân nhiều đất, dễ thắng lợi trong tổng tuyển cử, sợ Việt Nam sớm thống nhất, nói chung là sợ láng giềng giàu mạnh…

Cầu Hiền Lương chỉ dài 178m. Cầu ngắn nhưng lòng nhớ thương giữa hai miền đất nước thì dài đến mấy mươi năm. Pháp bắc cầu Hiền Lương năm 1950, nhằm mục tiêu phục vụ cho việc chiếm đóng lâu dài. Cầu có 7 nhịp, 7 khung sắt kháp vào nhau. Sắt cầu sản xuất tại Anh, ván cầu gỗ thông “made in America” mang nhãn hiệu U S - Virginia, nhân công làm cầu là đám công binh trong quân đội viễn chinh Pháp và tù binh người Việt. Cầu được làm sẵn, tháo rời từng mảnh, cho máy bay chở đến và thả dù xuống rồi lắp ráp lại. Hai năm sau (1952), sân bay và cầu Mường Thanh ở Điện Biên Phủ cũng được xây dựng theo kiểu ấy, nên nhìn mặt mũi hai cây cầu hao hao giống nhau như anh em sinh đôi, vì nó cùng là con đẻ của kiểu cầu dã chiến. Cầu dài 178m, với 894 tấm ván, khi chia đôi, mỗi bên giữ 89m, nhưng do cỡ ván khác nhau, nên 450 tấm thuộc về miền Bắc, miền Nam còn 444 tấm. Câu chuyện bảo quản cầu, sơn cầu, thay ván gỗ bị mục, cũng là một cuộc chiến dài hai mươi mấy năm, thể hiện rõ mục tiêu đối đầu của hai phe: một bên coi đây chỉ là giới tuyến quân sự có ý nghĩa tạm thời, luôn nung nấu khát vọng hòa bình, thống nhất và kiên trì, nhẫn nại, thậm chí nhường nhịn, làm đủ mọi cách để đạt được; một bên coi là biên giới vĩnh viễn và tìm mọi cách để khẳng định chủ quyền, chia cắt lâu dài. Chẳng hạn chuyện sơn cầu, lần đầu cầu được sơn lại vào năm 1955, ta thuê Tiểu đoàn 26 công binh Pháp làm rồi trả tiền cho họ. Nhưng bắt đầu từ lần sơn thứ hai vào năm 1958, phía miền Nam không đồng ý sơn chung, mà mỗi bên tự sơn lấy, nên cứ chờ ta sơn xong, bờ Nam mới bắt đầu sơn màu khác, lại còn đề nghị mỗi bên chỉ nên sơn 84m, hai bên chừa lại 10m giữa cầu để thể hiện rõ sự chia cắt. Nước sơn bên này chẳng những không thể điệp màu với nước sơn bên kia, mà còn không nên nối liền với nhau. Thành ra, nếu thế, cầu có đến ba màu.

Hiền Lương là cây cầu lịch sử bắc ngang dòng sông lịch sử. Sông Bến Hải là con sông lịch sử lại vắt ngang qua một thời đại lịch sử, chảy giáp ranh giữa nô lệ và tự do, giữa chia cắt và thống nhất, giữa chiến tranh và hòa bình. Đó là những vấn đề căn cốt của số phận một dân tộc tuy nhỏ, nhưng giàu truyền thống yêu nước và đoàn kết, phải gánh chịu bao nhiêu áp lực, bao sự chèn ép của những nước lớn, mà cho đến nay tuy thời thế đã khác, nhưng ít nhiều vẫn còn bóng dáng những nước lớn cố tình che khuất. Dốc ngược lịch sử, chúng ta dễ nhận điều mà giấy trắng mực đen vẫn còn ghi rõ: “Sông Bến Hải, vĩ tuyến 17, được dùng làm giới tuyến quân sự tạm thời”, như điều 6 bản tuyên bố chung ghi rõ: “Các bên không nên coi đường ranh giới quân sự là biên giới lãnh thổ hay chính trị” và cả khoản a, điều 14 cũng đã ghi rõ: “Trong khi đợi tổng tuyển cử thống nhất Việt Nam, bên nào có quân đội của mình tập hợp ở vùng nào theo quy định của hiệp định này thì bên ấy sẽ phụ trách quản lý hành chính ở vùng ấy.” (theo tài liệu đã dẫn). Trong khi từ năm 1956 đến năm 1959, có đến hơn hai mươi lần chúng ta gửi công hàm đề nghị tiến hành tổng tuyển cử, thì chính quyền Sài Gòn im lặng, chỉ trả lời bằng hành động tổ chức các chiến dịch “tố cộng, diệt cộng” được bắt đầu từ mùa hè năm 1955, làm cho hàng nghìn người từng tham gia kháng chiến bị giết hại.

(Còn nữa)

PHẠM PHÚ PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên ven bờ Hiền Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO