Bên ven bờ Hiền Lương (tiếp theo và hết)

PHẠM PHÚ PHONG 17/07/2014 08:34

  • Bên ven bờ Hiền Lương

Trong mười lăm năm đầu của cuộc chiến tranh, tính trung bình mỗi năm không dưới hai mươi lần ta đề nghị tạo mọi điều kiện để “nhân dân hai vùng trao đổi kinh tế, văn hóa và xã hội, nhằm tạo thuận lợi cho việc khôi phục cuộc sống bình thường của người dân” (Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa II, 1955), thì Mỹ và chính quyền Sài Gòn vẫn cố tình tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược ngày càng ác liệt. Họ lấy lý do là Hiệp định Genève ký ngày 20.7.1954, trưởng phái đoàn Mỹ Bedell Smith và trưởng phái đoàn của chính quyền quốc gia do Pháp vừa dựng lên cách đó sáu tuần là Trần Văn Đỗ, đã không ký vào hiệp định. Không ký, nhưng điều nào có lợi họ mới thực hiện. Không ký, nhưng họ vẫn cử người tham gia Hội nghị Trung Giá (từ ngày 4 đến 27.7.1954) bàn về việc rút quân, tham gia rút quân và vận động, lừa phỉnh hơn một triệu người dân thường di cư vào Nam, nhưng tổng tuyển cử thống nhất đất nước thì họ từ chối. Tổng thống Ngô Đình Diệm ngoan cố là bởi thời điểm đó dân số miền Bắc đông hơn miền Nam khoảng hơn hai triệu người, tổng tuyển cử họ sợ thua phiếu. Hơn nữa, theo điều tra xã hội học của các nhà khoa học Mỹ thời đó, có khoảng hơn 80% dân số Việt Nam tín nhiệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thua là cái chắc. Vì trong tay họ chỉ có tiền Mỹ mà không có chính nghĩa. Mà thua thì sụp đỗ chiến lược toàn cầu của người Mỹ. Vì vậy, họ kiên quyết chống đối hòa bình thống nhất. Họ cố biến dòng sông giới tuyến tạm thời, chiếc cầu dã chiến tạm thời thành biên giới, không chỉ chia cắt về địa lý, về chính trị, mà còn lâu dài dai dẳng cứa vào lòng người, hễ đụng đến là rỉ máu, nay nhắc đến còn xót xa.

Có lần tôi ra cầu Hiền Lương ở lại khá lâu, đếm từng miếng ván, xoa tay vào những thanh sắt cầu còn nóng và thơm mùi nắng, tìm đường xuống bến sông vốc nước mát vào đôi tay lá sen, hắt tạt tràn lên mặt… Đó là lần đi cùng với anh Trần Bá Đại Dương, nay là nhà báo, đang công tác tại Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế, đâu vào mùa hè khoảng năm 1982, 1983 gì đó, chúng tôi đi thực tế sáng tác với tư cách là thành viên Câu lạc bộ Sáng tác văn học trẻ của Thành đoàn Huế. Thời đó, đời sống còn nghèo, đến mức phải vuốt thẳng giấy bao thuốc lá để làm giấy nháp, nhưng năm nào câu lạc bộ cũng xuất bản được tuyển tập thơ văn cho các tác giả trẻ. Câu lạc bộ do nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đỡ đầu. Lúc này anh Điềm vừa chuyển từ Ban Tuyên giáo Thành ủy Huế về Hội văn nghệ Bình Trị Thiên để thành lập Tạp chí Sông Hương. Câu lạc bộ do anh Phạm Tấn Hầu, nay là biên tập viên Tạp chí Sông Hương làm chủ nhiệm, tôi và anh Bửu Nam, nay là phó giáo sư tiến sĩ, giảng dạy ở Đại học Sư phạm Huế làm phó chủ nhiệm. Nơi đây, đã quy tụ đội ngũ những người viết trẻ, sau này trở thành những tác giả thời danh, những hội viên Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Quang Lập, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang, Phạm Đương, Hồ Thế Hà… Chuyến đi thực tế sáng tác của tôi và Trần Bá Đại Dương, do Hội Văn nghệ bảo trợ. Từ Huế, chúng tôi bỏ xe đạp lên xe đò, ra đến bến xe Đông Hà, từ đó đạp xe mười mấy cây số ra cầu Hiền Lương, ở lại đó buổi trưa ăn xôi tự bới theo, chiều mát đạp xe về Cửa Tùng có xã lo nuôi ăn, đêm vác chiếu ra biển ngủ, chờ những thuyền đánh cá trở về, người ta nướng cá tươi nhâm nhi cùng mấy cốc rượu đế. Tất nhiên, nơi đây từng là điểm nghỉ mát của các danh gia vọng tộc, nhưng những ngôi biệt thự của Khâm sứ Trung kỳ, Quốc vương Lào, vua Bảo Đại, hoặc những khách sạn lớn như Hotel Cáp, đã bị bom Mỹ hủy diệt, xóa sạch không còn dấu vết. Thời ấy, ở Huế đời sống vẫn còn khó khăn, vừa qua thời ăn độn bo bo, lại chuyển sang thời độn sắn. Ở Cửa Tùng, cơm trắng cá tươi, rau sạch, dưa, bí nhiều, chúng tôi lại đang tuổi thèm ăn. Ăn cho no, sáng lần mò ra các địa đạo, nghe nhân chứng kể chuyện chiến tranh, chuyện bà con bắt tàu Mỹ, chuyện Mỹ ném bom sụp địa đạo; chiều và đêm ra biển ngóng thuyền về. Không biết sự thật có diễn ra hay không, nhưng tôi vẫn nhớ như in trong tâm tưởng, rằng chiều nào ngồi trên bờ biển tôi vẫn nghe những nhịp điệu âm thanh trôi dạt dào như sóng biển, những âm vực cao và xa trong bài “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ: “Nắng tỏa chiều nay, chiều tỏa nắng đôi bờ…”. Lại cái đôi bờ da diết ấy, như thiết tha, như mời gọi, như cứa vào da thịt, tim gan, cứ cựa quậy, sống mãi trong những ô ngăn của ký ức, nó lớn lên và già đi cùng với tuổi tác của đời tôi.

Sau này, tôi đã tham dự trại viết nhiều lần ở Đà Lạt, Cửa Lò, Tam Đảo… có trại quy mô đến hơn bốn mươi người, kéo dài đến cả tháng. Tất nhiên chế độ ăn uống, phương tiện làm việc tốt hơn, có máy tính, có phòng máy lạnh và có cả phương tiện thông tin liên lạc qua mạng... nhưng không có chuyến đi nào để lại sức sống lâu bền trong ký ức tôi bằng chuyến đi Cửa Tùng năm ấy.

Một trong những phẩm chất làm nên vẻ đẹp trong tâm hồn con người là luôn đồng vọng về quá khứ. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để thế hệ mai sau vẫn giữ được mạch nguồn của tình cảm đã từng được tượng hình trong tâm tưởng cha ông. Không ít người đã lo lắng rằng, thế hệ trẻ bây giờ đang lao theo những cuồng vọng vật chất mà lạt lòng với quá khứ của cha ông. Không hẳn thế đâu. Bằng chứng là anh em song sinh - họa sĩ Thanh và Hải, sinh ra ở Quảng Bình sau khi chiến tranh kết thúc hàng chục năm, đã bỏ công của và cả tâm huyết làm phim về cầu Hiền Lương - Bến Hải. Bằng chứng là, hôm tôi đi trên xe ra dự đám tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khi ngang cầu Hiền Lương, còn thấy nhiều cặp thanh niên nam nữ tuổi mười tám, đôi mươi đi xe máy ngang cầu còn dừng lại chụp ảnh. Còn bao nhiêu dẫn chứng khác nữa. Vấn đề chính là ở chỗ, những người có trách nhiệm như ngành bảo tồn di tích, hãy làm sao cho các thế hệ trẻ có chỗ để đến thăm, có bóng mát để vui chơi, có cái để đọc để hiểu, để nghe lại Hoàng Hiệp, Nguyễn Tài Tuệ và nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật khác, nối liền đời sống dòng sông và chiếc cầu trong một dòng chảy lịch sử, vọng về quá khứ để hướng đến tương lai.

PHẠM PHÚ PHONG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bên ven bờ Hiền Lương (tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO