Bến Xuân và những đêm nhạc cho Huế mãi xanh

TƯỜNG MINH 12/09/2019 13:53

Bến Xuân là tên một điểm đến ở thượng nguồn sông Hương - nơi người ta có thể hình dung đây là cung phủ, nhà hát cổ điển, bảo tàng văn hóa và vườn Huế… hay điều gì đấy hay ho tương tự. Và lần đầu tiên ở Bến Xuân, một đêm hòa nhạc cổ điển với mục đích chẳng giống ai là góp phần làm cho TP.Huế mãi xanh, cho dòng sông Hương mãi sạch bằng các dự án đi kèm được tổ chức để lại nhiều dư âm hứng khởi.

Một góc Bến Xuân. Ảnh: T.MINH
Một góc Bến Xuân. Ảnh: T.MINH

Nằm giữa chùa Linh Mụ và Văn Thánh, Bến Xuân tọa lạc trên một khu đất rộng gần 5.000m2, nằm ở sát bờ sông Hương, thuộc thôn An Bình (xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Chủ nhân của Bến Xuân là đôi vợ chồng Việt kiều: Ông Trương Đình Ngộ và bà Huyền Tôn Nữ Camille (nghệ danh là Camille Huyền) - một phụ nữ Huế đặc trưng dù đã xa quê hương từ thuở còn thiếu nữ. Cả hai ông bà vừa trở về Việt Nam sinh sống sau mấy chục năm định cư ở Thụy Sĩ và nhiều nước châu Âu khác. Camille Huyền là một họa sĩ, ca sĩ, nhưng ông Trương Đình Ngộ lại làm tôi bất ngờ bởi niềm đam mê, cũng như những hiểu biết rất đặc biệt của ông về âm nhạc, văn hóa, nghệ thuật... Ngạc nhiên vì ông từng là giám đốc và chuyên gia hàng đầu về chứng khoán - tài chính của một ngân hàng lớn tại Thụy Sĩ, một lĩnh vực vốn chẳng liên quan gì đến âm nhạc và văn hóa. Ông cười: “Thì quanh năm suốt tháng đánh vật với những con số khô khốc nên phải tìm cho mình một sự thăng bằng chứ!”.

Lồng nghệ thuật vào kiến trúc

Gần 10 năm ròng rã xây dựng (khởi động từ năm 2008), Bến Xuân như  một mô hình tiêu biểu của sự “bảo tồn thích nghi”: Bên ngoài là sự cổ kính với những giá trị nguyên gốc truyền thống Huế, bên trong là sự tiện nghi, hiện đại và sang trọng. Thú vị là với Bến Xuân, chủ nhân đã gần như khắc phục được nhược điểm của một ngôi nhà rường hay lớn hơn là cung phủ ở Huế - triều Nguyễn với những khu nhà ở có đầy đủ tiện nghi của đời sống hiện đại, vừa hòa hợp với môi trường thiên nhiên xứ Huế. “Bến Xuân được xây dựng trong 10 năm qua với bao nhiêu kỷ niệm về Huế, với nhiều năm tìm hiểu nghệ thuật Huế để biết chắt chiu từng viên gạch vồ, gạch thẻ, ngói liệt, từng mẻ sành mẻ sứ. Chúng tôi cùng cha mẹ con cái đã đầu tư tất cả tâm huyết và của cải vào dự án Bến Xuân...” - ông Trương Đình Ngộ nói. Không những thế, Camille Huyền - kiến trúc sư chính của Bến Xuân còn lồng cả nghệ thuật vào kiến trúc. Ví như tất cả cánh cửa đều được chị vẽ bằng ngôn ngữ âm nhạc hình ảnh 3 người thầy dạy âm nhạc và biểu diễn của mình (hai người Nhật và một Thụy Sĩ) cùng với chữ ký của chính các nhân vật trong tranh. “Chúng tôi sẽ được sống lâu hơn cuộc đời của mình” -  một trong ba người họ đã nói thế khi đến Bến Xuân để ký tặng!   

Bà Huyền Tôn Nữ Camille trong đêm “Hòa nhạc cổ điển cho Huế mãi xanh, dòng Hương mãi sạch”.
Bà Huyền Tôn Nữ Camille trong đêm “Hòa nhạc cổ điển cho Huế mãi xanh, dòng Hương mãi sạch”.

Đặc biệt Bến Xuân có đến ba cổng vào, đồng thời là ba tác phẩm “nghệ thuật sắp đặt” của nghệ sĩ Camille Huyền. Đó là Cổng Sen nằm bên bờ sông Hương mang hình ảnh một con thuyền đang trôi trong mây/trên sông hòa điệu trời  nước soi bóng con thuyền, vừa tạo cảnh quan tự nhiên, vừa mang hàm ý thiên - địa - nhân hợp nhất, một quy luật vũ trụ càn - khôn. Đối diện là  cổng Thiền Sư - cổng vào trên đường Văn Thánh với dáng Phật ngồi thiền trên ao sen, mô phỏng một tác phẩm nghệ thuật của nghệ sĩ điêu khắc trứ danh Điềm Phùng Thị. Bên hông là cổng Bút Tháp - cổng thứ ba trong khuôn viên Bến Xuân với điểm nhấn là chữ “om” trong câu thần chú “om mani padme hum” bằng chữ Phạn. Toàn cảnh Bến Xuân là một khu “vườn Huế” rộng mênh mông với hoa quả, cây trái kiểu mùa nào thức nấy. Ngoài ra còn có bến nước, vườn rau, vườn lúa… gợi sự yên bình của những không gian làng quê Việt vốn lâu lắm không còn thấy ở đời thực và quan trọng nhất là tất cả đều rất sạch.

Nơi hội ngộ văn hóa đông - tây

Bến Xuân còn có một nhà hát cổ điển đúng chuẩn quốc tế được kiến trúc theo lối truyền thống Huế với sức chứa khoảng 60 chỗ ngồi. Đây là phòng hòa nhạc cổ điển hoạt động theo mô hình câu lạc bộ, một tháng mở cửa một lần để giới thiệu những album thơ nhạc, những buổi trình tấu hòa nhạc theo chủ đề... Đây còn là nơi để những văn nghệ sĩ Huế và trong, ngoài nước giới thiệu thơ, sách, hoặc triển lãm tranh... Mô hình này, theo ông Ngộ là “rất phổ biến ở Anh và Thụy Sĩ, nhưng ở mình thì hình như chưa có”.

Còn nhớ 10 năm trước (năm 2008), khi Bến Xuân mới chỉ có mỗi lầu Nghinh Phong và mọi thứ còn lại đều còn trong hình dung, vợ chồng ông Trương Đình Ngộ và Camille Huyền đã “chào Huế” bằng một đêm nhạc rất đặc biệt ngay tại lầu Nghinh Xuân. Đó là trình tấu những tác phẩm của Mozart, Augustine Barrios, J.S. Bach, F. Chopin, L. Beethoven... và trọng tâm là phần giới thiệu các ca khúc trong album “Cung Tiến Art Songs”, do bà Camille Huyền trình diễn. Đêm nhạc đã nhận được sự hưởng ứng của hầu hết quan khách là lãnh đạo ngành văn hóa, văn nghệ sĩ, những người yêu nhạc ở Huế.

Đêm nhạc Cung Tiến đã để lại những ấn tượng thật đặc biệt về một cuộc hội ngộ và đối thoại đông - tây trong phần hòa âm lạ đến ngỡ ngàng của “ông Tây” Walther Giger; là những vòng hoa đông phương với âm sắc ngũ cung tô điểm cho nền nhạc cổ điển rất tây phương của Cung Tiến; là Ban tam tấu thính phòng cổ điển Zurich (đã nổi tiếng 20 năm nay tại Thụy Sĩ), với Noriko Kawamura (vĩ cầm), Walther Giger (tây bán cầm) và Fumio Shirato (đại hồ cầm); là giọng hát chuẩn mực về kỹ thuật và luôn gợi đến “nỗi buồn đong đưa” của bà Camille Huyền...  

Và bây giờ tại Bến Xuân, ngoài nhạc Cung Tiến, “đặc sản” Camille Huyền còn có thêm những tình khúc phổ thơ Hàn Mặc Tử (cũng do Walther Giger hòa âm). Đặc biệt, Camille Huyền gần đây còn lấn sân sang lĩnh vực ca Huế và dân ca Việt Nam, Mỹ, Thụy Sĩ, Pháp… kèm theo những bản dịch cùng ghi chú, so sánh… bằng song ngữ của ông Trương Đình Ngộ.

Những đêm nhạc cho Huế mãi xanh

Mới đây, một sự kiện gây được tiếng vang là đêm nhạc có tên “Hòa nhạc cổ điển cho Huế mãi xanh, dòng Hương mãi sạch” diễn ra tại Bến Xuân do vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền tổ chức với sự tham gia của Dàn nhạc dân tộc Bến Xuân và các nghệ sĩ đến từ Ý, Nga và Việt Nam. Theo ông Trương Đình Ngộ, đêm nhạc nhằm quyên góp gây quỹ “Bến Sông Xanh” thực hiện dự án xây những bãi tắm cộng đồng bên bờ sông Hương. Đầu tiên sẽ là bãi tắm cộng đồng Kim Long (đối diện đường Nguyễn Phúc Nguyên) gồm 3.000m2 diện tích bờ sông (bãi đậu xe, vườn hoa, đường đi bộ, cây cao bóng mát) và 500m2 diện tích mặt nước (dành cho việc bơi lội). Bãi tắm sẽ giữ nguyên hiện trạng bờ sông, chỉ kè đá tảng. Ở biên giới 10m vươn ra mặt nước sẽ thả neo và dây phao cùng 2 cầu phao để giới hạn khu vực bơi cũng như đánh dấu giao thông đường thủy.

Dự kiến mỗi bãi tắm sẽ được đầu tư 100 - 200 triệu đồng, thực hiện theo hình thức đầu từ công - tư gồm: Vợ chồng nghệ sĩ Camille Huyền kêu gọi quyên góp qua Quỹ “Bến Sông Xanh” cùng những đêm hòa nhạc cổ điển “âm nhạc vị môi trường” ở Bến Xuân. Phía chính quyền địa phương sẽ chịu trách nhiệm đầu tư hạ tầng (điện nước, đường đi bộ, vườn hoa…) cùng với việc thực hiện các đề án “Huế bốn mùa hoa” và “Huế xanh, sạch, sáng”.

“Tắm mình trong dòng Hương là cách giáo dục tốt nhất về tình yêu với dòng sông, với thiên nhiên, với môi trường cho các thế hệ người dân Huế hôm nay và mai sau để cùng chung tay giữ Huế luôn xanh, sạch, sáng” - ông Ngộ chia sẻ. Theo ông Ngộ, sự hình thành các bãi tắm cộng đồng sẽ góp phần tạo thêm cảnh quang đẹp dọc bờ sông Hương, ấn tượng đẹp trong lòng du khách và đem lại môi trường hoạt động thư giãn ngoài trời cho trẻ em và người dân Huế. Đồng thời mang ý thức bảo vệ sông Hương và thiên nhiên vào sinh hoạt hàng ngày cũng như tâm thức các thệ hệ con em Huế.

Đáng tiếc là ở Huế và rộng ra cả Việt Nam, những không gian hay ho, đẹp đẽ như Bến Xuân thì nhiều không đếm hết, nhưng để nghĩ và làm được những dự án cho cộng đồng dù nhỏ nhoi như chủ nhân của Bến Xuân thì chưa được nhiều…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bến Xuân và những đêm nhạc cho Huế mãi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO