Bệnh bạch hầu là gì? Có lây không?

V.THU (Theo suckhoedoisong.vn) 01/03/2023 10:11

(QNO) -  Bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng, nhiễm độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh rất dễ lây truyền từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp.

Bệnh bạch hầu thường xảy ra ở đường thở như họng, mũi...
Bệnh bạch hầu thường xảy ra ở đường thở như họng, mũi...

1. Bạch hầu là bệnh gì?

Đây là tình trạng nhiễm trùng nguy hiểm do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có khả năng lây lan mạnh và tạo thành dịch nhanh chóng. Bệnh bạch hầu là nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạch ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi và có thể xuất hiện ở da và các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hay bộ phận sinh dục.

Nếu tình trạng nhiễm trùng này xảy ra ở đường thở trên hay vùng mũi hầu sẽ tạo nên lớp màng xám. Khi lớp màng này hiện diện tại vùng thanh quản hay khí quản sẽ gây ra thở rít và tắc nghẽn.

Đặc biệt trẻ nhỏ có thể bị chảy máu mũi nếu bị ở mũi, độc tố bạch hầu còn gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Hiện nay đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu nhưng trong giai đoạn bệnh tiến triển thuốc có thể gây hại cho tim, thận, hệ thần kinh của người nhiễm bệnh. Bạch hầu có thể gây tử vong tới 3% những người mắc bệnh ngay cả khi điều trị và tỷ lệ này còn cao hơn ở trẻ em dưới 15 tuổi. Vì thế ngay khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh cần đi khám để được tư vấn và điều trị kịp thời.

Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà là triệu chứng của bệnh bạch hầu.
Giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà là triệu chứng của bệnh bạch hầu.

2. Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu

Nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae.

3. Triệu chứng bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu thường có triệu chứng bắt đầu từ 2 đến 5 ngày sau khi bị nhiễm bệnh:

Người bệnh cảm giác đau họng và khàn giọng.

Xuất hiện giả mạc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám, đen, dai, dính, dễ chảy máu.

Sưng hạch bạch huyết ở cổ.

Cảm thấy khó thở hoặc thở nhanh.

Bệnh nhân chảy nước mũi.

Bệnh nhân sốt, ớn lạnh và khó chịu.

Trong một số trường hợp, các triệu chứng bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu rõ ràng nào cả khi nhiễm khuẩn bạch hầu. Nhiều người vẫn không biết bệnh của mình nên họ dễ dàng truyền bệnh cho người nhà và cộng động.

Ngoài ra, một số triệu chứng khác có thể sẽ xuất hiện thêm trong quá trình bệnh tiến triển: Khó nuốt; Thay đổi thị lực; Nói lắp; Da tái và lạnh, vã mồ hôi; Tim đập nhanh…

Ở vùng khí hậu nhiệt đới khả năng mắc bệnh bạch hầu cao hơn, đặc biệt ở những nơi có vệ sinh kém, sống trong điều kiện đông đúc sẽ dễ mắc bệnh hơn.

4. Bệnh bạch hầu có lây truyền không?

Thông thường vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae nhân lên ở trên hoặc gần bề mặt của màng nhầy của cổ họng và lây lan qua con đường:

- Thông qua giọt nước trong không khí: Những người ở gần bệnh nhân có thể hít phải Corynebacterium diphtheriae khi người đó hắt hơi hoặc ho ra một giọt nước có chứa mầm bệnh. Vì thế bạch hầu sẽ lây lan nhanh chóng, đặc biệt ở những nơi đông người.

- Qua vật dụng cá nhân chứa mầm bệnh: Sử dụng những vật dụng mà người nhiễm bệnh đã dùng: cốc uống nước, giấy ăn… đều có thể bị lây nhiễm bạch hầu.

- Đồ gia dụng bị nhiễm bệnh: lây nhiễm bệnh bạch hầu thông qua các vật dụng dùng chung trong gia đình: khăn, đồ chơi, tay nắm cửa…

- Bạch hầu cũng có thể lây khi tiếp xúc với vi khuẩn gây bệnh lúc chạm vào vết thương bị nhiễm trùng.

Trong vòng 6 tuần, những người đã bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu nhưng chưa được điều trị có thể lây nhiễm cho người khỏe mạnh (ngay cả khi họ không có bất kỳ triệu chứng nào).

5. Đối tượng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu hay gặp ở những đối tượng sau:

Trẻ em và người lớn không được tiêm vaccine bạch hầu;

Những người sống trong điều kiện đông đúc hoặc mất vệ sinh;

Đi du lịch đến một khu vực đang có dịch bệnh bệnh bạch hầu…

6. Cần điều trị sớm bệnh bạch hầu

Bệnh nhân bị bạch hầu sẽ được tiêm 1 loại giải độc tố đặc hiệu để chống lại độc tố của vi khuẩn và kết hợp với kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu. Tuy nhiên, trường hợp quá nặng cần phải được cấp cứu mở đường thở, hỗ trợ hô hấp, đặt máy tạo nhịp cho tim...

Bạch hầu là bệnh nguy hiểm bởi ngoại độc tố của vi khuẩn mạnh, vì vậy đây là một loại bệnh vừa mang tính chất cấp tính vừa mang tính chất cấp cứu. Trong nhiều trường hợp nếu không cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ tử vong do nghẹt thở, suy hô hấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh bạch hầu là gì? Có lây không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO