Bệnh do vi rút Zika: Bình tĩnh và không chủ quan

CHÂU NỮ 09/11/2016 09:45

Việt Nam ghi nhận 36 ca dương tính với vi rút Zika tại 6 tỉnh, thành phố trong cả nước tính đến ngày 6.11. Mặc dù Quảng Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika, ngành y tế tỉnh đã chủ động lập phương án phòng chống từ rất sớm.

Những nơi ao tù nước đọng rất dễ sinh lăng quăng, muỗi - nguyên nhân chính truyền vi rút Zika. TRONG ẢNH: Nước đọng sau một khu dân cư ở phường Hòa Thuận (Tam Kỳ).  Ảnh: CHÂU NỮ
Những nơi ao tù nước đọng rất dễ sinh lăng quăng, muỗi - nguyên nhân chính truyền vi rút Zika. TRONG ẢNH: Nước đọng sau một khu dân cư ở phường Hòa Thuận (Tam Kỳ). Ảnh: CHÂU NỮ

Chủ động ứng phó

Bác sĩ Nguyễn Văn Sơn - Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế) cho biết, ngành y tế đang tập trung phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết với việc phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường để xử lý dứt điểm dịch bệnh sốt xuất huyết ở một số địa phương như Hội An, Núi Thành... “Điều đó cũng đồng nghĩa với việc tập trung phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika gây ra bởi muỗi Aedes (muỗi vằn) gây sốt xuất huyết cũng chính là tác nhân truyền vi rút Zika. Toàn ngành đã tập trung chủ động phòng chống dịch bệnh, đặc biệt tuyên truyền về dịch bệnh do vi rút Zika, nhất là đối với phụ nữ mang thai, không để người dân hoang mang, lo lắng” - bác sĩ Sơn nói.

Biểu hiện để nhận biết Zika:

- Sốt nhẹ 37,8-38,5 0C, mệt mỏi, mọc ban rát sẩn trên da, đau các khớp nhỏ ở bàn tay và bàn chân.

- Viêm xung huyết kết mạc, đau cơ, nhức đầu, đau hố mắt, và suy nhược.

- Một số ít bệnh nhân có thể có đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, loét niêm mạc hoặc ngứa.

Biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika:

- Người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, cần chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có một trong các biểu hiện nghi ngờ của bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị. Chủ động phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, bọ gậy (lăng quăng). Phụ nữ chậm kinh 7 - 10 ngày nên chủ động đi khám thai và siêu âm thai ngay để đánh giá sức khỏe, xác định thai và được tư vấn hẹn lịch khám chi tiết. Phụ nữ có thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần…

Theo bác sĩ Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bên cạnh việc tổ chức tập huấn chuyên môn về công tác giám sát, dự phòng, các địa phương, đơn vị còn tăng cường giám sát các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ và các yếu tố dịch tễ liên quan; lồng ghép với giám sát trọng điểm bệnh sốt xuất huyết và giám sát những trường hợp nghi ngờ tại cơ sở khám chữa bệnh, tại cộng đồng, nhất là những nơi có chỉ số muỗi Aedes cao. Ở tuyến y tế cơ sở, công tác tuyên truyền và dự phòng chủ động cũng đã được các đơn vị triển khai. Dược sĩ Phan Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Điện Bàn cho biết, thời gian qua, ngành y tế địa phương đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống bệnh trên hệ thống đài truyền thanh cơ sở và đặc biệt chỉ đạo các trạm y tế xã, phường tăng cường diệt muỗi, bọ gậy, không để sốt xuất huyết bùng phát, từ đó cũng phòng chống được bệnh do vi rút Zika...

Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ đầu năm đến nay, Quảng Nam có 16 trường hợp nghi nhiễm vi rút Zika nhưng kết quả xét nghiệm đều âm tính. Dù vậy, trước tình trạng đã xuất hiện 5 trường hợp phụ nữ mang thai (ở các địa phương khác) dương tính với vi rút Zika, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh vẫn khuyến cáo phụ nữ có thai không nên đến vùng dịch, đặc biệt, nếu bị sốt phát ban trong thời gian mang thai, phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm... Liên quan đến nhóm đối tượng phụ nữ mang thai, bác sĩ Nguyễn Á - Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, cho biết thêm: “Đối với công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, Bộ Y tế đã tổ chức tổ chức tập huấn về kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, trong đó có nội dung sàng lọc trước sinh cho phụ nữ mang thai phòng nhiễm vi rút Zika. Nay tình trạng bệnh diễn biến phức tạp ở một số địa phương, trong tuần sau, Bộ Y tế sẽ tập huấn lại một lần nữa, nội dung chủ yếu là đi sâu vào công tác dự phòng”.

Tăng cường kiến thức

Phối hợp nhịp nhàng với khối dự phòng, nhiều đơn vị thuộc khối điều trị cũng triển khai các hoạt động tư vấn, theo dõi, thăm khám. Bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh - Trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, hiện nay mọi trường hợp đến khám thai tại bệnh viện đều được hỏi thăm, tư vấn, nhắc nhở về bệnh do vi rút Zika để thai phụ chủ động đi khám định kỳ. Các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến huyện cũng tích cực thông báo cho người dân, đặc biệt nhắc nhở phụ nữ mang thai chủ động phòng chống muỗi đốt.

Với việc đẩy mạnh tuyên truyền cũng như tích cực thực hiện các biện pháp dự phòng chủ động, người dân đã có nhận thức khá đầy đủ về bệnh do vi rút Zika. Nhiều thai phụ đã biết đề cao cảnh giác với dịch bệnh này bằng những ứng xử đúng đắn. Chị Lê Thị Thanh Minh (34 tuổi, ở xã Đại Nghĩa, Đại Lộc) đang mang thai tháng thứ 5 chia sẻ, từ khi biết thông tin có trường hợp bệnh do vi rút Zika xuất hiện tại Việt Nam, chị hạn chế đến nơi đông người và luôn mắc màn khi ngủ, kể cả ban ngày. Trong khi đó, chị L.T.T.H. ở Hòa Thuận (Tam Kỳ) mang thai tháng thứ 7 thì cho biết, chị cảnh giác nhưng không quá lo lắng vì thai đã lớn, hơn nữa, Quảng Nam chưa có trường hợp mắc bệnh nên chị cũng không lo lắng, sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Còn chị Nguyễn Thị Kiều Ly (Tam Tiến, Núi Thành) cho rằng, chị dự định có thai nên chỉ cần phòng tránh muỗi đốt là có thể yên tâm.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, tại một số nơi người dân dường như vẫn chưa thật sự quan tâm đến vấn đề vệ sinh môi trường, chưa chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy. Sau những đợt mưa lớn vừa qua, nhiều khu vực dân cư xảy ra ngập cục bộ, nước ứ đọng nhiều ngày nhưng chưa được xử lý tiêu thoát. “Tinh thần chung khi đối phó với bệnh do vi rút Zika là chủ động, bình tĩnh nhưng không được chủ quan. Ngành y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh hơn nữa công tác vệ sinh môi trường, nhằm loại bỏ môi trường trung gian có khả năng sản sinh tác nhân truyền bệnh” - bác sĩ Nguyễn Văn Sơn cho biết thêm.

Đã có 6 tỉnh và 11 quận của TP. Hồ Chí Minh có người nhiễm vi rút Zika
Bộ Y tế cho biết, tình hình dịch bệnh do vi rút Zika vẫn diễn biến phức tạp. Đã gần 1 tháng kể từ ngày Bộ Y tế nâng mức cảnh báo dịch bệnh Zika, số bệnh nhân vẫn tiếp tục tăng. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6 tỉnh thành có người nhiễm vi rút Zika. Riêng TP.Hồ Chí Minh đã có 11 quận phát hiện có người nhiễm vi rút Zika. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 6/63 tỉnh thành có người nhiễm vi rút Zika. Tổng số người nhiễm vi rút Zika đã lên tới 36 trường hợp. Trong đó TP.HCM cao nhất (29 ca), Đắk Lắk (2), Bình Dương (2); các địa phương Khánh Hòa, Phú Yên và Long An  mỗi nơi có 1 ca.

Liên quan đến dịch bệnh này, Trung tâm Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện vi rút Zika đã trở thành bệnh lưu hành trong cộng đồng, vấn đề được giới chuyên môn quan tâm hàng đầu hiện nay trong phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút này. PGS-TS. Trần Danh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khuyến cáo, phụ nữ mang thai nên siêu âm 3 lần trong thời gian mang thai: 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần để sớm phát hiện các trường hợp đầu nhỏ, dù tỷ lệ này chỉ chiếm 1 - 10%.

Trung tâm Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng nhận định, thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các trường hợp mắc Zika và có khả năng bùng phát thành dịch lớn tại cộng đồng nếu không chủ động triển khai các biện pháp phòng chống. Trước tình hình trên, Việt Nam đã quyết định nâng mức cảnh báo dịch bệnh do vi rút Zika lên cấp 3. Nhằm khống chế dịch bệnh, chiều 6.11, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Quyết Tâm có cuộc họp khẩn với lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh, Viện Pasteur, Sở Y tế thành phố và các ban, ngành có liên quan. Mục tiêu bằng mọi cách phải kiểm soát tình hình, không để bệnh do vi rút Zika bùng phát. Đáng chú ý, trong số 29 ca bệnh dương tính với vi rút Zika, có 4 trường hợp phụ nữ mang thai.

Văn phòng Đáp ứng tình huống khẩn cấp phòng chống dịch bệnh  (EOC- Bộ Y tế) cho rằng cần hướng đến mục tiêu tăng cường khả năng dự phòng, đáp ứng dịch, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt đối với nhóm phụ nữ mang thai, xử lý kịp thời không để dịch lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra. Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng khẳng định, vấn đề được Bộ Y tế quan tâm hàng đầu hiện nay trong công tác phòng chống dịch Zika là đảm bảo sức khỏe của thai phụ, dự phòng và giảm thiểu nguy cơ trẻ mắc chứng đầu nhỏ do vi rút Zika… T.B (theo vietnamnet+)

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh do vi rút Zika: Bình tĩnh và không chủ quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO