Bệnh máu nhiễm mỡ nguy hiểm thế nào?

Theo baogiaothong.vn 26/09/2018 02:32

(QNO) - Không ít bệnh nhân khi nhập viện điều trị, lượng mỡ trong máu quá lớn, thậm chí đóng thành lớp dày trong ống máu xét nghiệm, hoặc bít kín cầu lọc máu… khiến bác sĩ cũng phát hoảng.

Mỡ đông trong ống lấy máu đi xét nghiệm.
Mỡ đông trong ống lấy máu đi xét nghiệm.

Ngỡ ngàng mỡ bít kín cầu lọc máu

Chỉ vào một bệnh nhân đang nằm điều trị viêm tụy cấp trong Khoa Hồi sức cấp cứu, GS.TS. Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực BV Bạch Mai (Hà Nội) cho biết: “Đây là một trường hợp máu nhiễm mỡ (triglycerides) nặng, nguyên nhân chính khiến bệnh nhân viêm tụy cấp hoại tử”. Được biết, nam bệnh nhân này được chuyển lên từ tuyến dưới vì đã có dấu hiệu suy đa phủ tạng. Tuy nhiên, dù đã trải quá gần một tuần lễ cấp cứu với nhiều thiết bị hỗ trợ, nhưng mạng sống vẫn chấp chới với tiên lượng sống khá dè dặt. Theo lời GS. TS. Nguyễn Gia Bình, bệnh nhân bị máu nhiễm mỡ nặng đến mức độ khi chạy lọc máu, mỡ bám kín cầu lọc gây tắc nghẽn khiến y, bác sĩ phải tức tốc thay quả lọc mới để tránh ảnh hưởng đến quá trình điều trị.

GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết thêm, vào đây chủ yếu là bệnh nhân rất nặng với nhiều bệnh lý khác nhau như: Viêm tụy cấp hoại tử, đột quỵ não, nhồi máu cơ tim… Đáng lưu ý, nguyên nhân từ máu nhiễm mỡ rất cao. Không ít ca máu nhiễm mỡ tăng nặng đến mức các bác sĩ phát hoảng. Minh chứng cho điều này, GS. TS. Nguyễn Gia Bình lật giở thông tin lưu trữ trên máy điện thoại, hình ảnh ống máu xét nghiệm của một bệnh nhân đã từng điều trị tại đây. Chỉ sau ít giờ được rút ra để mang đi xét nghiệm, lượng mỡ đọng lại đến 3/4, chỉ còn lại 1 phần là máu. Hay hình ảnh túi mỡ được các bác sĩ tách ra trong quá trình lọc máu.

Theo lý giải của GS. TS. Nguyễn Gia Bình, trong cơ thể người bình thường, hàm lượng cholesterol và triglyceride là tập hợp của các chất béo được sản xuất tại gan và luôn được duy trì ở một mức nhất định. Chúng có vai trò ổn định màng tế bào, giúp cho hoạt động thẩm thấu các chất dinh dưỡng bên trong cơ thể diễn ra hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, khi xét nghiệm, nếu các chỉ số này tăng lên quá mức so với bình thường, khi đó, người ta gọi là bệnh máu nhiễm mỡ. Hay nói cách khác, máu nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong máu vượt cao quá mức so với bình thường, gây ra những biến chứng và hậu quả nguy hiểm cho sức khỏe người bệnh. Một bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh máu nhiễm mỡ khi nồng độ các chất mỡ trong máu bao gồm cholesterol toàn phần, cholesterol (LDL), triglyceride tăng cao vượt quá mức cho phép. Theo đó, dựa vào kết quả xét nghiệm với các chỉ số mỡ máu cụ thể mà các bác sĩ sẽ kết luận một bệnh nhân có bị máu nhiễm mỡ hay không. Chỉ số mỡ máu bình thường là 5,2mmol/l.

“Bệnh máu nhiễm mỡ độ 1 rất khó phát hiện và ít biểu hiện thành các triệu chứng bên ngoài để người bệnh phát hiện khi ở giai đoạn đầu, khi lượng mỡ trong máu chưa tăng lên quá cao. Chính vì vậy, đa phần người bệnh không hề hay biết cơ thể mình bị máu nhiễm mỡ, thường chỉ phát hiện khi tình cờ xét nghiệm chỉ số này”, GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho hay.

Stress, suy nhược cũng gây mỡ máu tăng cao

Theo Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam, mỗi năm có khoảng 200.000 người Việt Nam đột quỵ có liên quan tới mỡ máu tăng cao thường xuyên, trong đó 50%  tử vong hoặc chấp nhận cuộc sống tàn phế suốt đời, nửa còn lại không bao giờ có được sức khỏe như khi chưa bao giờ bị bệnh.  Một thống kê khác của Viện Dinh dưỡng, có 29% người trưởng thành Việt Nam bị mỡ máu tăng cao, trong đó 44,3% người ở khu vực thành thị, tức là cứ gần 3 người có 1 người mỡ máu cao.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh máu nhiễm mỡ xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là xuất phát từ lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt không khoa học của người bệnh. Ví dụ như, việc dung nạp quá nhiều chất béo, ăn quá mức thực phẩm chứa đường, dùng nhiều thức ăn nhanh hay thường xuyên sử dụng rượu, bia… bên cạnh thói quen lười vận động, phải ngồi nhiều giờ trong ngày, ít luyện tập thể thao, tinh thần hay bị stress, căng thẳng, suy nhược… cũng gây nên tình trạng mỡ máu tăng cao. Hiện, tỷ lệ người mắc bệnh máu nhiễm mỡ đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.

Trên thực tế, máu nhiễm mỡ tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe, là nguyên nhân dẫn đến các biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như viêm tụy, tiểu đường, bệnh gan, bệnh lý tim mạch… “Đáng lưu ý, máu nhiễm mỡ là nguyên nhân chính dẫn đến đột quỵ ở người già. Lượng mỡ trong máu quá cao khiến máu khó lưu thông, dễ gây tắc nghẽn mạch máu và gây nên các cơn đột quỵ bất ngờ”, GS. TS. Nguyễn Gia Bình cảnh báo.

Theo GS. TS. Nguyễn Gia Bình, giải pháp đề phòng mắc bệnh máu nhiễm mỡ chính là việc thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh, điều độ. Tránh dùng quá nhiều chất béo, thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn có chứa quá nhiều chất béo toàn phần, giảm ăn thịt đỏ; Thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, thường xuyên vận động; Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, thực phẩm giàu chất xơ; Không dùng các chất kích thích, hạn chế uống rượu, bia, đồ uống có cồn, không hút thuốc lá… Không nên ăn tối quá muộn, không nên ăn nhiều chất đạm hay các chất khó tiêu, hạn chế ăn mặn. “Với người bệnh đã bị máu nhiễm mỡ cần thường xuyên kiểm soát cân nặng của bản thân, tránh bị béo phì, thừa cân bên cạnh việc duy trì chế độ dinh dưỡng, luyện tập phù hợp”, GS. TS. Nguyễn Gia Bình cho biết.

Theo baogiaothong.vn

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh máu nhiễm mỡ nguy hiểm thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO