“Bệnh” nói nhiều là bệnh không lây nhiễm nhưng mà nan y. Bệnh có thể do “trời sinh tính”, có thể do thói quen muốn thể hiện mình. Người có tuổi nói nhiều do sự thoái hóa của não bộ nên không tự làm chủ được chính mình. Phần khác là do tâm lý cô đơn muốn có cơ hội được giải thoát, được thể hiện mình.
Nói nhiều thường đi đôi với hiện tượng nói lặp, tự khoe khoang, tự cho mình là hiểu biết và thường đi xa chủ đề. Từ bàn ăn, quán cà phê, quán nhậu đến sinh hoạt gặp mặt, họp hội, người nói nhiều luôn có khuynh hướng độc chiếm diễn đàn. Cắt lời họ hay đặt ra quy định mỗi người chỉ được phát biểu một lần cũng không dễ. Đôi khi chủ tọa biết họ nói dai, nói lặp, nói lạc đề, thậm chí nói sai, nhưng vì vị nể là người lớn tuổi, bậc lãnh đạo nên… thôi kệ! Tại các sinh hoạt tộc họ, xóm thôn, đám giỗ, đám cưới, chạp mả, tiệc tùng… thường không thể “lấy con dấu làm lịnh” thì họ càng tha hồ thao thao bất tuyệt. Nhiều khi thấy họ nói quá, người khác muốn nói, cần nói cũng nản lòng mà im luôn. Buồn nhất là phải ngồi nghe họ tra tấn mình bằng những lý thuyết, văn bản cũ rích mà cứ “vòng vo tam quốc” hoài.
Không chỉ là chuyện của các nông dân và cụ già làng xóm. Tại các lễ hội, cuộc họp, hội thảo…, nhiều cán bộ vẫn không biết cách vận dụng lượng ngôn ngữ sao cho phù hợp với đối tượng nghe và nội dung nói. Có khi cũng một bài phát biểu ấy được mang rập khuôn y hệt vào cuộc tiếp xúc với cử tri nông thôn cũng như tại một hội thảo khoa học. Lại có khi đã hết giờ hành chính rồi mà lãnh đạo vẫn cố kéo rê cho xong nội dung đã chuẩn bị nên người nói cứ nói, người nghe cứ nóng ruột nhốn nháo chuyện đi chợ, đón con, chăm mẹ ở bệnh viện, đi đám cưới, đám giỗ… Có thể xem những biểu hiện như thế là thiếu tôn trọng người nghe nên thường bị người nghe không tôn trọng lại.
Cha ông mình thường hay nói “giáo đa thành oán” hay nôm na hơn là “nói dài, nói dai là nói dại”. “Thần khẩu” thường hại “xác phàm” là vậy. Cho nên, tôn trọng người nghe cũng chính là biết nói đúng chủ đề, tinh gọn ngôn ngữ vừa lượng, tránh lặp, phù hợp với thời gian, không gian và đối tượng. Tất nhiên tính thuyết phục còn ở sự uyên bác, cách thức thể hiện, thái độ khiêm tốn, hòa nhã….
Với những người có trách nhiệm chủ trì những sinh hoạt họp hội cần phải có bản lĩnh để điều chỉnh hoạt động, đừng để có nói mà không có nghe, nhất là không nên để những người có bệnh nói nhiều “thao túng hiện trường”, gây phiền toái đến người khác.
TIÊU ĐÌNH