Bệnh sởi diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia

NAM VIỆT 12/02/2019 08:51

(QNO) - Nhiều quốc gia đang đối mặt với tình trạng lây lan nhanh của bệnh sởi. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc sởi đang có xu hướng tăng trở lại trên toàn cầu. 

Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: Rappler.
Tiêm vắc xin sởi là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất. Ảnh: Rappler

Philippines đang đối phó với làn sóng báo động về bệnh sởi khi nước này ghi nhận 70 ca tử vong, chủ yếu là trẻ em vì bệnh sởi trong vòng 1 tháng qua.

Vào tháng 1.2019, Philippines có 4.302 trường hợp mắc bệnh sởi, tăng 122% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo từ Bộ Y tế Philippines và WHO, tính đến tháng 12.2018, có hơn 20 nghìn trường hợp mắc bệnh sởi tại Philippines, tăng 500% so với năm trước.

Trên thực tế, nếu trẻ được tiêm vắc xin sởi mũi 1, hiệu quả bảo vệ đạt 80 - 85%, nếu tiêm phòng đủ 2 mũi vắc xin sởi thì hiệu lực bảo vệ đạt 90 - 95%.

Tuy nhiên, tiêm chủng vắc xin sởi ở Philippines hiện chỉ ở mức 55% - theo Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). Dữ liệu từ Cục Dịch tễ học Philippines cho thấy, trong số 70 người chết vì bệnh sởi kể từ đầu năm thì 79% trong số đó không được tiêm phòng.

Sởi là bệnh do vi rút truyền nhiễm rất dễ lây lan qua ho và hắt hơi. Các triệu chứng ban đầu thường gồm sốt, ho, sổ mũi, sưng mắt. Sau đó là phát ban đỏ xuất hiện trên khắp cơ thể. Bệnh sởi đôi khi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe, bao gồm viêm phổi, viêm não, điếc và có thể gây ra tử vong.

Cũng tại khu vực châu Á, WHO thống kê cho thấy hơn 200 ca nhiễm bệnh sởi ở khu vực biên giới giữa Nam Sudan và Hàn Quốc kể từ khi dịch bệnh bùng phát hôm 25.1 mới đây.

Trong năm qua, số ca mắc bệnh sởi ở châu Âu tăng gấp 3 lần một năm trước đó, lên 82.596 ca - con số cao nhất được ghi nhận trong thập kỷ này, trong đó gần 80 ca tử vong. Ukraine có tỷ lệ mắc sởi cao nhất châu Âu, ở mức 1.209 trên 1 triệu dân.

WHO cho biết, để có thể ngăn ngừa dịch sởi bùng phát, phải có ít nhất 95% dân số được chủng ngừa. Tuy nhiên, phong trào “anti-vaccine” (chống tiêm chủng) tại châu Âu nổi lên trong những năm gần đây khiến châu Âu, từng là nơi có tỷ lệ sử dụng vắc xin phòng sởi lên hơn 90% giảm xuống chỉ còn 70% hiện nay ở một số nơi của khu vực.

Nguyên nhân trên được cho xuất hiện nhiều thông tin sai lệch về tính hiệu quả của vắc xin phòng bệnh, đặc biệt lan truyền nhanh trên mạng xã hội khiến nhiều cha mẹ không dám đưa con em mình đến các điểm tiêm phòng y tế.

Tại Mỹ, năm 2000 là năm bệnh sởi chính thức bị xóa sổ sau khi căn bệnh này từng cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm. Nhưng nay, sởi đã quay trở lại, nhất là tại những cộng đồng không thực hiện đầy đủ việc tiêm chủng vắc xin sởi ở vùng tây bắc nước Mỹ. Do đó, các cơ quan chức năng Mỹ đang thúc giục các phụ huynh đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin sởi để khống chế nguy cơ bùng phát của dịch bệnh này.

Hay ở Madagascar, quốc đảo Đông Phi đang chât vật đối phó dịch sởi tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ. Tổng Thư ký của Bộ Y tế Madagascar nói với CNN, dịch bệnh đã tấn công mọi vùng miền của đất nước và tất cả các thị trấn, thành phố lớn ở đây. Hơn 50 nghìn người mắc bệnh kể từ tháng 10.2018, trong đó hơn 300 người chết. Nhiều gia đình không có điều kiện để tiêm vắc xin sởi cho con trẻ.

NAM VIỆT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh sởi diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO