(QNO) - Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca tử vong do bệnh sởi trên toàn cầu đã giảm rất ngoạn mục, với 78% trong vòng 12 năm qua. Song, bệnh sởi đến nay vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên thế giới.
Tiêm vaccin là một biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn hữu hiệu bệnh sởi. |
Cụ thể, số ca tử vong do bệnh sởi (chủ yếu ở trẻ em) trên toàn cầu đã giảm từ 562 nghìn ca vào năm 2000 xuống còn 122 nghìn trường hợp trong năm 2012. Như vậy, trong 12 năm của giai đoạn này cho thấy 13,8 triệu ca tử vong đã được ngăn chặn nhờ vào chiến dịch tuyên truyền và thực hiện chương trình tiêm chủng mở rộng ngăn ngừa bệnh sởi thường xuyên được tiến hành rộng rãi trên toàn cầu.
Báo cáo của WHO còn cho biết, trong năm 2012, tỷ lệ tiêm chủng ngăn ngừa bệnh sởi đã tăng lên rất ấn tượng với 84%, nghĩa là thêm đến 145 triệu trẻ em được tiêm chủng ngăn ngừa căn bệnh này, nâng tổng số ca được tiêm chủng tăng hơn 1 tỷ em kể từ năm 2000. Còn nhớ vào năm 1980, trước khi việc tiêm chủng rộng rãi, ước tính khoảng 2,6 triệu người tử vong vì bệnh sởi mỗi năm. Bên cạnh đó, Tổng giám đốc WHO, Margaret Chan nhấn mạnh cuộc chiến chống bệnh sởi đã đạt được nhiều thành tựu trong vài năm qua nhờ cam kết của các chính phủ và các nhà tài trợ trên thế giới.
Tuy nhiên, ông Robert Perry - nhân viên y tế của WHO cho biết, dù kết quả trên được ghi nhận thì bệnh sởi vẫn là mối đe dọa lớn của toàn cầu với khoảng 330 ca tử vong (chủ yếu là trẻ em) vì bệnh sởi mỗi ngày. WHO cũng cho biết mặc dù các chương trình tiêm chủng phòng sởi cho trẻ em đã được nhân rộng, nhưng lượng vắc-xin chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Trong năm 2011, có tới 20 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tiêm liều phòng sởi thứ nhất. Nghiêm trọng hơn, WHO đã chứng kiến nhiều đợt bùng phát dịch lớn và nguy hiểm vào những năm gần đây nhất. Như tại Cộng hòa Dân chủ Công gô đã ghi nhận 134.042 ca bệnh sởi trong năm 2011, Ấn Độ 29.339 ca, tiếp đó là Nigeria với 18.843 ca. Thậm chí, tại Pháp có tới 14.949 ca nhiễm bệnh, Italy 5.189 ca và Tây Ban Nha 3.802 ca, trong đó nguyên nhân gây ra các đợt bùng phát tại châu Âu chủ yếu là do người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hiểm của bệnh và phần lớn trẻ em không được tiêm phòng. Năm 2013, sau một thập kỷ gần như loại bỏ hoàn toàn căn bệnh sởi nhờ vào chương trình tiêm chủng diện rộng ở trẻ em, nước Mỹ bất ngờ chứng kiến sự bùng phát trở lại của dịch bệnh này với 174 trường hợp nhiễm bệnh, gấp ba lần mức trung bình 60 ca/năm trong 10 năm trở lại đây.
Theo WHO, sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lưu hành phổ biến ở trẻ em do vi-rút gây ra. Phương thức lây truyền bệnh bằng đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với chất tiết của mũi họng bệnh nhân. Bệnh sởi có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được trên 95% tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu trong cộng đồng. Hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu kháng vi-rút cho bệnh sởi nên tiêm vắc-xin sởi vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh.
WHO đã đặt mục tiêu đến năm 2015 giảm 95% số ca tử vong do sởi trên toàn cầu, và đến năm 2020 phải loại bỏ bệnh sởi và rubella tại ít nhất 5 trong tổng số 6 khu vực trên thế giới. Để đạt được thành công này, WHO khuyến nghị các chính phủ cần tiếp tục các chính sách ưu tiên cao cho mục tiêu loại bỏ bệnh sởi cũng như đầu tư mạnh vào việc cải thiện hệ thống y tế.
KIM OANH