Hiện cả nước đã có hơn 60 nghìn ca mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH) và có 18 ca đã tử vong. Đây là con số cao nhất từ trước tới nay đối với loại dịch bệnh này. Điều đáng nói, nhiều người dân khi mắc bệnh đã tự điều trị ở nhà khiến bệnh càng trầm trọng.
|
Khi bị sốt trong vùng dịch SXH, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế để được xét nghiệm, điều trị đúng chỉ định. (Ảnh minh họa) |
Lạm dụng “bác sĩ internet”
Hiện nay, trên các trang mạng, nhất là các trang chăm sóc sức khỏe cho mẹ và bé hay những bệnh phổ biến đều có những đơn thuốc, cách chăm sóc cho trẻ. Đây được đánh giá là cách để các bậc phụ huynh tham khảo ý kiến các chuyên gia trong việc chăm sóc sức khỏe gia đình khá hữu hiệu. Tuy nhiên, việc lạm dụng những cách chăm sóc này không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả tốt, nhất là đối với bệnh SXH. Một chuyên gia y tế cho biết, nếu cứ rập khuôn, không có chỉ định của bác sĩ mà chỉ lấy đơn thuốc trên mạng rồi đi mua thuốc để điều trị SXH thì sẽ rất nguy hiểm. “Có nhiều loại thuốc hạ sốt không dùng được cho SXH như asprin, thuốc ibuprofen… vì có thể gây xuất huyết thêm. Đặc biệt thuốc hạ sốt acetaminophen là thuốc thải qua gan và gây suy gan cấp tính với tỷ lệ tử vong lên tới 40%” - chuyên gia này nói.
Như trường hợp của chị N.T.M. (trú xã Bình Triều, Thăng Bình) phải cuống cuồng đưa con nhập viện gấp sau khi đã tự điều trị ở nhà. Chị M. cho biết, khi thấy con lên cơn sốt, cứ nghĩ là do trời chuyển mưa, lại thường đau vặt như mọi khi nên ra quầy thuốc để mua thuốc hạ sốt về cho con uống. “Tuy nhiên, bệnh cháu không giảm mà liên tục sốt cao. Gia đình hốt hoảng đem vào bệnh viện thì được thông báo là cháu bị SXH. Các bác sĩ cũng đã khuyến cáo là tuyệt đối không được uống thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ” - chị M. nói. Bác sĩ Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Minh Thiện cho biết thêm: “Có một bệnh nhân SXH ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành cũng bị thiếu tiểu cầu nặng khi nhập viện do tự ý điều trị ở nhà. Chúng tôi đã tiến hành sơ cứu rồi chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để truyền tiểu cầu”.
Cần điều trị theo chỉ định
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hòa Bình, do bệnh nhân SXH thường sốt cao 39 - 400C, nên người nhà luôn tìm cách giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, bệnh này sốt do virus, nên nhiệt độ hạ xong lại tiếp tục tăng cao. Do đó, người bệnh chỉ nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng chỉ định của bác sĩ 4 - 5 lần/ngày, 5 - 6 giờ/lần. Nếu sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả thuốc hạ sốt nhét hậu môn đối với trẻ em. Để giảm sốt, người nhà nên cho bệnh nhân mặc đồ mỏng, nằm nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm. “Mọi người thường nghĩ truyền dịch, bù dịch sẽ tốt nhưng trên thực tế, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị SXH vì có thể dẫn đến phù nề, suy hô hấp và nguy hiểm đến tính mạng. Truyền dịch cho bệnh nhân SXH cần theo đúng phác đồ y tế, nếu truyền dịch đường uống giai đoạn đầu của bệnh cũng cần theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Một số trường hợp truyền dịch không phù hợp, truyền đạm, truyền dung dịch cao phân tử ngay từ những ngày đầu đều không cần thiết và có thể làm bệnh nặng thêm” - bác sĩ Bình khuyến cáo.
Theo bác sĩ Cao Thành Vân - Trưởng khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam), có nhiều người cứ thấy sốt là tự ý mua thuốc hạ sốt và kháng sinh sử dụng, nhưng với bệnh SXH do virus gây ra, dùng kháng sinh không khỏi bệnh. Và nếu dùng thuốc hạ sốt không đúng dòng thì sẽ gia tăng thêm khả năng giảm tiểu cầu trong máu người bệnh. Nếu không chú ý, bệnh SXH cũng dễ bị chẩn đoán nhầm sang các bệnh lý khác do viêm nhiễm nào đó gây nên. Chính vì tính chất phức tạp của dịch bệnh SXH nên các bác sĩ khuyến cáo, khi bị sốt ở trong vùng dịch thì cần phải đến ngay cơ sở y tế để được xét nghiệm, chẩn đoán cụ thể. “Ở các vùng dịch, sau khi xét nghiệm, chẩn đoán và kê đơn thuốc điều trị thì tùy từng trường hợp nặng nhẹ để cho người bệnh về nhà điều trị dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ. Bởi nếu nhập viện một lúc quá đông cũng sẽ gây quá tải cho bệnh viện. Trong những ngày đầu mắc bệnh, người dân chỉ cần uống thuốc hạ sốt, bù nước qua đường uống, hoặc uống oresol bù nước và các chất điện giải nếu có chỉ định của bác sĩ. Nếu người bệnh ở ngày thứ 4, thứ 5 của bệnh, có xuất huyết, tiểu cầu giảm nhiều hoặc tổn thương gan, thận thì phải nhập viện để chăm sóc và điều trị” - bác sĩ Phạm Ngọc Hòa Bình khuyến cáo thêm.
NGUYỄN DƯƠNG