Bệnh thành tích

AN NHI 06/02/2015 14:11

Đại hội TD-TT toàn quốc  năm 2014 kết thúc đã khá lâu nhưng chuyện lùm xùm chung quanh đội tuyển Taekwondo TP.Hồ Chí Minh được xới lên trong mấy ngày qua thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận cả nước. Nhiều câu hỏi được đặt ra, như vì sao vận động viên (VĐV) được đào tạo tốn hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ ngân sách của thành phố lại cho các địa phương khác mượn để thi đấu tại Đại hội TD-TT toàn quốc? Có hay không chuyện mua - bán thành tích? Oan hay không oan cho các HLV khi đồng ý để VĐV của mình thi đấu cho địa phương khác?... Bước đầu những câu hỏi đã được làm sáng tỏ.

Đội tuyển Taekwondo TP.Hồ Chí Minh tại giải Taekwondo toàn quốc diễn ra tại Quảng Nam năm 2012. Ảnh: AN NHI
Đội tuyển Taekwondo TP.Hồ Chí Minh tại giải Taekwondo toàn quốc diễn ra tại Quảng Nam năm 2012. Ảnh: AN NHI

Thật ra việc VĐV khoác áo địa phương, đơn vị không phải nơi mình được đào tạo và tập luyện để tham gia thi đấu Đại hội TD-TT toàn quốc không hề là chuyện mới mẻ gì. Hơn nữa, việc này cũng đã được “chính danh” qua điều lệ của Ban tổ chức Đại hội TD-TT toàn quốc cho phép với một số yêu cầu bắt buộc về hợp đồng lao động. Theo một HLV lâu năm trong nghề, do quy định nội dung tham gia của từng đơn vị có hạn, vì vậy những trung tâm mạnh của cả nước và có lực lượng dồi dào như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh hay Quân đội tại các kỳ Đại hội TD-TT toàn quốc “quân” của họ đều có mặt ở nhiều nơi. Việc này “lợi cả đôi đường”, ngoài quan hệ hợp tác giữa các địa phương còn giúp VĐV có cơ hội cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn hơn gấp nhiều lần tập chay hoặc bỏ kinh phí ra để đưa đi tập huấn. Nhưng có thể nói vấn đề quan trọng hơn ở đây và là mục tiêu cuối cùng của các đơn vị mượn quân là họ mong muốn có được thành tích.

Không thể đổ “lỗi” Tổng cục TD-TT khi “bật đèn xanh” cho việc VĐV thi đấu trong màu áo đơn vị khác bởi xu thế của thể thao chuyên nghiệp, VĐV có thể thi đấu cho bất cứ đơn vị nào miễn là họ không bị tranh chấp về hợp đồng lao động. Cũng tương tự như bóng đá, cầu thủ đội bóng này được phép thi đấu cho các đội bóng khác một hay nhiều năm khi được đơn vị chủ quản cho phép. Chỉ có điều, ứng xử ra sao nếu trong trường hợp gặp lại đồng đội chung một “sắc áo”? Thông thường, nhiều VĐV sẽ chọn cách bỏ cuộc hoặc thi đấu cầm chừng để thua cuộc. Tuy nhiên, cũng có trường hợp quyết so tài cao thấp để chứng tỏ mình xứng đáng có mặt trong màu áo đơn vị mà mình ăn lương chứ không phải quân dự bị để cho đi nơi khác thi đấu.

Nói tóm lại, VĐV thi đấu cho đơn vị khác mượn không phải là lỗi của VĐV hay HLV, những nhà quản lý. Ở khía cạnh còn lại, vấn đề đáng nói hơn là mục đích của việc mượn VĐV nếu không ngoài mục tiêu để kiếm thành tích. Không tốn kinh phí đào tạo cũng như tiền công tập luyện, chỉ cần có quan hệ tốt với đơn vị nào đó và hợp đồng theo đúng quy định, nghiễm nhiên một địa phương hay đơn vị có được huy chương Đại hội TD-TT toàn quốc - điều mà không ít đơn vị đầu tư rất nhiều nhưng không thể có được. Không biết có đúng không khi nhiều người cho rằng, ghế giám đốc hay phó giám đốc sở VH-TT&DL phụ thuộc rất nhiều vào thành tích của địa phương tại Đại hội TD-TT toàn quốc. Nếu quả thật như vậy thì rõ ràng, căn bệnh thành tích trong thể thao Việt Nam đến nay vẫn trầm kha, khó chữa.

AN NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh thành tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO