Đã hơn 11 giờ trưa nhưng chú Sáu Đại Cường vẫn lom khom nhổ những dây đậu cô ve chết héo chất thành từng đống trên bờ ruộng. Đưa tay gạt những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, giọng chú Sáu buồn rười rượi: “Khổ hết biết, nuôi được bầy heo choai thì dịch tai xanh ào đến khiến tất cả đều bị nhiễm bệnh chết. Vụ đông xuân ni trồng 3 sào đậu cô ve thì chừ phải phá bỏ hết vì bệnh thối hạch hoành hành”. Theo chú Sáu, trong vòng 10 ngày trở lại đây, khi ruộng đậu cô ve ra lứa trái đầu tiên thì trời mưa dầm nhiều ngày khiến bệnh thối hạch bùng phát mạnh. Chú Sáu thông tin: “Lúc mới xuất hiện, nấm bệnh bám sát gốc rồi nhanh chóng lan lên thân cây. Thấy vậy tui lập tức mua thuốc về phun trừ nhưng không hiệu quả. Bệnh càng ngày càng phát tán ra diện rộng, hàng loạt gốc bị thối nhũn làm cây gãy gục rồi chết khô”.
Đông xuân trước, vợ chồng chú Sáu Đại Cường cũng canh tác 3 sào đậu cô ve trên những chân đất màu nằm dọc sông Vu Gia. Vụ đó, nhờ bệnh thối hạch không gây hại nên họ thu được hơn 500kg đậu. Bán tại ruộng với giá 30 nghìn đồng/kg, chú bỏ túi ít nhất 15 triệu đồng. Trừ mọi chi phí đầu tư, lãi ròng không dưới hai phần ba số tiền vừa nêu. Bây giờ, toàn bộ diện tích đều bị mất trắng khiến chú không những chẳng kiếm được lời mà còn bị thâm luôn 5 triệu đồng tiền vốn đã bỏ ra mua hạt giống, phân bón, thuê công làm đất...
An ủi chú Sáu vài lời, Tư Ruộng tôi tiếp tục lội qua nhiều đồng đất của huyện Đại Lộc để tìm hiểu kỹ tình hình. Chỉ tay về phía 4 sào đậu phụng bị chết từng vạt rộng như cái nong phơi lúa, cô Chín Đại Quang than phiền: “Sau tết, thấy ruộng đậu tươi xanh và ra hoa rộ tui khấp khởi mừng. Nào ngờ, khoảng 1 tuần nay bệnh thối hạch bỗng dưng xuất hiện với mật độ rất cao khiến hàng loạt dây đậu non chết héo vì nấm gây thối gốc và thân. Vụ hè thu vừa rồi, nhờ thời tiết thuận lợi, các loại sâu bệnh nguy hiểm không tấn công nên mỗi sào tui thu được 200kg đậu phụng tươi. Còn chừ, năng suất giảm một nửa là điều khó tránh khỏi”.
Trao đổi với Tư Ruộng tôi, ông Lê Văn Thanh – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Đại Lộc cho biết, hiện nay hàng nghìn hộ dân trồng đậu trên địa bàn huyện đang lao đao vì bệnh thối hạch. Theo ông Thanh, vụ đông xuân 2012-2013, nông dân toàn huyện tổ chức canh tác khoảng 1.000ha đậu phụng và 100ha đậu cô ve. Do vào thời điểm gần cuối tháng 2.2013, trời mưa dầm nên bệnh thối hạch bùng phát mạnh và gây hại trên diện rộng. Tính đến nay Đại Lộc đã có 600 sào đậu phụng và 200 sào đậu cô ve bị nhiễm bệnh, trong đó một số diện tích gần như mất trắng hoàn toàn, tập trung chủ yếu ở xã Đại Hồng, Đại An, Đại Minh, Đại Phong... Ông Thanh khuyến cáo: “Một khi bệnh thối hạch đã lan rộng trên ruộng đậu thì rất khó diệt trừ triệt để. Vì vậy, nhà nông cần tích cực thăm đồng, kịp thời phát hiện nấm sớm nhằm chủ động các biện pháp đối phó hữu hiệu nhất. Nếu không, mức độ thiệt hại sẽ càng nghiêm trọng hơn”.
TƯ RUỘNG