Bệnh thối hạch gây hại đậu cô ve

TƯ RUỘNG 03/03/2015 09:37

Tết nhứt bận bịu bao việc nên cuối tuần rồi vợ chồng Tư Ruộng mới lên xã Đại Minh (Đại Lộc) thăm gia đình anh Tám Phước Bình. Sau mấy chén rượu mừng xuân, tôi lội ra cánh đồng chuyên canh cây trồng cạn phía trước nhà bạn thì thấy anh đang hì hục nhổ bỏ những dây đậu cô ve chết héo. Anh cho biết, trong vòng một tuần trở lại đây bệnh thối hạch bỗng dưng xuất hiện và gây hại với mức độ ngày càng nghiêm trọng. “Hôm mùng 4 tết, phát hiện nấm bệnh, tui liền chạy xe xuống thị trấn Ái Nghĩa mua thuốc về phun trừ nhưng rốt cuộc vẫn không ngăn chặn được sự phát tán của nó. Lúc đầu nấm bệnh bám sát gốc rồi sau đó lan lên thân cây và trái đậu. Hễ dây đậu nào dính nấm thì lập tức thân bị khô ráp và gãy cụp, trái cũng hư thối hoàn toàn” - anh Tám nói.

Đâu riêng anh Tám Phước Bình, nhiều hộ dân khác ở huyện Đại Lộc cũng đang lo lắng trước tình trạng nấm bệnh thối hạch có nguy cơ tấn công cây đậu cô ve trên diện rộng. Ông Lê Văn Thanh – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật Đại Lộc cho biết, tính đến thời điểm này trên địa bàn toàn huyện đã có 50ha đậu cô ve bị nhiễm bệnh thối hạch, trong đó khoảng 5 - 7ha mất trắng hoàn toàn, tập trung nhiều nhất tại các xã Đại Minh, Đại Cường, Đại Nghĩa, Đại Phong. Bệnh thối hạch do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra. Đây là loại bệnh nguy hiểm, việc phòng trừ hết sức khó khăn và thường mang lại hiệu quả thấp. Bệnh này có thể gây hại tất cả các bộ phận trên mặt đất của cây đậu, nhưng nấm bệnh thường tấn công vào phần thân sát mặt đất, nách lá cành và quả. Lúc mới xâm nhiễm vào cây, vết bệnh ban đầu có màu vàng nâu, gặp điều kiện ẩm ướt sẽ xuất hiện lớp nấm trắng mọc bông xốp, trên đó có các hạch nấm màu đen, hình dạng không cố định. Ở Quảng Nam, bệnh hay bùng phát mạnh vào dịp trước, trong và sau tết, khi có mưa phùn cộng với nhiệt độ thấp.

Để giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bệnh thối hạch gây ra, ngành nông nghiệp khuyến cáo nhà nông nên sản xuất đậu cô ve trên các chân ruộng có hệ thống thoát nước tốt, lên luống cao đối với những vùng đất trũng. Bên cạnh đó, cần phải làm đất kỹ, cày sâu nhằm hạn chế sự nẩy mầm của hạch nấm. Khi xuống giống, nên bố trí với mật độ hợp lý, tránh trồng quá dày. Không bón thừa phân đạm, thường xuyên làm sạch cỏ dại, nhổ bỏ tàn dư cây bệnh trên ruộng và xới chân đậu kịp thời để tạo độ thông thoáng, tránh ẩm độ cao trong đất. Đặc biệt, với những nơi chuyên canh đậu cô ve đã bị bệnh thối hạch gây hại nghiêm trọng thì vụ sau nông dân nên chuyển sang trồng các loại cây khác như bắp, thuốc lá, ớt…

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh thối hạch gây hại đậu cô ve
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO