Bệnh từ nhà vệ sinh bẩn

TÂM AN 18/12/2014 12:42

Theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tiêu chảy là nhiều người có thói quen đi vệ sinh ra môi trường, sử dụng nhà vệ sinh không đảm bảo an toàn.

Có nhà tiêu hợp vệ sinh và những việc đơn giản như rửa tay bằng xà phòng có thể giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật.
Có nhà tiêu hợp vệ sinh và những việc đơn giản như rửa tay bằng xà phòng có thể giúp ngăn ngừa nhiều loại bệnh tật.

Thống kê của Bộ Y tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước có khoảng 301.570 trường hợp mắc tiêu chảy cấp. Trong đó, có trường hợp nặng dẫn đến tử vong ở khu vực phía Nam. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, qua báo cáo tình hình dịch bệnh hằng tuần từ các địa phương, bệnh tiêu chảy không xảy ra nhiều, chỉ rải rác ở các huyện miền núi. Tuy nhiên, đây cũng là tình trạng cần được cảnh báo. Ông Võ Quang Lợi - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Hằng năm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đều có chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phối hợp với các đơn vị liên quan trên toàn tỉnh phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân tham gia xây dựng, cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh theo mô hình chuẩn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng”.

Theo phản ánh của đa số phụ huynh, học sinh đi học thường nín, nhịn tiểu tiện vì nhà vệ sinh ở trường học bẩn. Tình trạng này kéo dài đã nhiều năm và chủ yếu ở các trường học ở các huyện vùng sâu vùng xa. “Trong khi đó, rất ít người quan tâm đến bệnh truyền nhiễm do nhà vệ sinh… thiếu vệ sinh” - ông Võ Quang Lợi nói.

Ngoài ra, theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, bệnh truyền nhiễm do nhà vệ sinh kém vệ sinh dẫn đến bệnh thông thường nhất là tiêu chảy cấp. Bệnh này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Tiêu chảy sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, rồi đến lượt suy dinh dưỡng khiến trẻ dễ bị tiêu chảy. Vòng lặp luẩn quẩn này kéo dài dễ dẫn đến tử vong. Chưa kể, trẻ bị tiêu chảy càng nhiều thì càng ảnh hưởng đến phát triển chiều cao sau này. Viện Dinh dưỡng quốc gia trong chương trình Vì sự phát triển trẻ em Việt cũng đưa ra khuyến cáo, sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường ruột (bị tiêu chảy, tả, thương hàn) thường bị giảm khả năng nhận thức, trẻ có thể mất 10 điểm IQ so với những trẻ không mắc bệnh.

Một đợt khảo sát thực tế mới đây tại một số trường học ở các huyện, thành phố như Tam Kỳ, Duy Xuyên, Núi Thành… cho thấy, nhiều trường học không chỉ thiếu nhà vệ sinh mà các nhà vệ sinh hiện có rất mất vệ sinh. Khá nhiều nhà vệ sinh ẩm ướt, bốc mùi hôi thối, nhất là vào các giờ học sinh ra chơi. Chị Lê Thanh Hằng (Tam Xuân, Núi Thành) nói: “Tôi luôn bỏ theo một chai nước lọc cho con khi đi học, bắt buộc phải uống hết nhưng bé nói uống nước nhiều sẽ phải “nhịn” tiểu vì nhà vệ sinh ở trường quá bẩn”. Chị Hằng nói việc “nhịn” đi vệ sinh trong một thời gian dài sẽ có hại đối sức khỏe của học sinh. Về lâu dài có thể mắc các bệnh viêm đường tiết niệu, sỏi thận, thậm chí là vỡ bàng quang… Biết vậy, nhưng lý do của các con đưa ra “cũng hợp lý”. Tuy nhiên, theo ông Lợi: “Nếu đi vệ sinh ở những nhà vệ sinh không vệ sinh cũng rất dễ mắc bệnh. Bởi, nhà vệ sinh không được vệ sinh sạch sẽ, không được khử khuẩn thường xuyên, nhất là nhà vệ sinh công cộng là nơi tích trữ nhiều mầm bệnh. Từ bồn cầu, virus và vi khuẩn lan truyền qua đường không khí, tiếp xúc trực tiếp, qua nước, qua những vật dụng xung quanh và gây ra nhiều bệnh tật”.

Thực tế, không chỉ riêng các nhà vệ sinh công cộng hay trường học, nhiều gia đình hiện nay cũng ít quan tâm đến việc cải tạo nhà tiêu hợp vệ sinh theo chuẩn. “Nhà tiêu hợp vệ sinh ở đây không nhất thiết phải là một nhà tắm đẹp đẽ mà chỉ cần là một nơi an toàn để đi vệ sinh, một nơi mà có thể giúp cho trẻ em không bị ốm đau bệnh tật từ các bệnh do vệ sinh không sạch sẽ gây ra” - ông Lợi nói.

TÂM AN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh từ nhà vệ sinh bẩn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO