Bệnh viện công gặp khó khi tự chủ tài chính

XUÂN HIỀN 17/08/2023 07:34

Nhiều khó khăn, thách thức mà các bệnh viện, cơ sở y tế tại Quảng Nam gặp phải khi đang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính.

Nhiều cơ sở y tế công gặp khó khi phải đảm bảo cân đối thu - chi. Ảnh: X.H
Nhiều cơ sở y tế công gặp khó khi phải đảm bảo cân đối thu - chi. Ảnh: X.H

Chưa đảm bảo thu - chi

Hiện tại, gần như tất cả cơ sở y tế đều thực hiện cơ chế tự chủ tài chính theo từng nhóm khác nhau. Năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định 60, và các bệnh viện chia thành 4 nhóm tự chủ, gồm: nhóm 1 tự chủ toàn diện; nhóm 2 tự chủ chi thường xuyên; nhóm 3 tự chủ một phần chi thường xuyên; nhóm 4 nhà nước đảm bảo 100% chi thường xuyên.

Tháng 6 năm nay, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025.

Theo đó, UBND tỉnh giao quyền tự chủ tài chính, phân loại mức độ tự chủ tài chính và kinh phí ngân sách nhà nước giao tự chủ năm 2023 đầu thời kỳ ổn định 2023 - 2025 cho 32 đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Trong đó, số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) là 9 cơ sở, 21 cơ sở tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.

Đại diện nhiều cơ sở y tế cho biết, các hình thức tự chủ tài chính giúp bệnh viện chủ động hơn trong sử dụng các nguồn tài chính, có quyền điều tiết các khoản thu chi hiệu quả.

Từ đây, tăng huy động vốn và chủ động mở rộng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, cải thiện thu nhập nhân viên, phát triển kỹ thuật mới, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tiết kiệm ngân sách nhà nước... Ở nhóm đơn vị tự chủ chi thường xuyên (nhóm 2 trở đi), ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ về đầu tư cơ sở vật chất...

Ông Tô Mười - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc cho biết, đơn vị này nằm trong nhóm tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) với số nhân lực gần 1.000 người.

“Theo nhẩm tính, mỗi năm chúng tôi tiết kiệm chi cho nhà nước hơn 150 tỷ đồng khi tự đảm bảo chi thường xuyên. Theo quy định, chúng tôi sẽ được ngân sách hỗ trợ chi đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng. Tuy nhiên, nhiều thiết bị máy móc của bệnh viện đã hư, cũ chưa kể số giường bệnh thiếu, cơ sở hạ tầng xuống cấp... chúng tôi vẫn chưa được phê duyệt đầu tư” - ông Tô Mười nói.

Giá thu viện phí chưa tính đúng, tính đủ

Sau 3 năm đại dịch COVID-19, nguồn thu của các bệnh viện đều giảm sâu. Đại diện Sở Y tế cho biết, việc đánh giá thực hiện tự chủ tài chính giai đoạn 2019 - 2022 khó khăn do đại dịch COVID-19. Các đơn vị hụt thu sâu, không phản ảnh đúng tình hình thu - chi của giai đoạn này để làm cơ sở xây dựng phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023 - 2025.

Ở nhóm 3 với các đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên, chủ yếu là các Trung tâm Y tế (TTYT) có hệ điều trị, thì đối diện với tình trạng không đảm bảo cân đối thu - chi. Từ việc thông tuyến khám chữa bệnh, người dân được lựa chọn nơi điều trị ban đầu, cộng với chênh lệch trong việc phân đầu thẻ BHYT cho các bệnh viện tư lẫn phòng khám đa khoa tư nhân, khiến nguồn thu từ các cơ sở công lập bị sụt giảm.

Theo các bệnh viện, vướng mắc lớn nhất hiện nay là giá thu viện phí chưa tính đúng, tính đủ các chi phí. Giá viện phí ở cơ sở y tế công hiện mới chỉ 4/7 yếu tố, chưa có 3 phần gồm khấu hao tài sản cố định, duy tu sửa chữa tài sản; chi phí quản lý; chi phí đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này gây hạn chế phát triển bệnh viện.

Theo ông Tô Mười, nhiều đơn vị y tế dù thực hiện cơ chế tự chủ nhóm 2 vẫn gặp khó trong việc sử dụng quỹ phát triển sự nghiệp. Dù đây là phần chênh lệch thu - chi bệnh viện trích ra để tự đầu tư phát triển nhưng bệnh viện muốn đầu tư phải xây dựng đề án, chờ đợi phê duyệt rất lâu, dẫn đến không bắt kịp được kế hoạch phát triển.

Thực hiện tự chủ theo Nghị định 60 lấy thu bù chi, tuy nhiên theo Luật Đầu tư công phải gửi qua Sở KH-ĐT thẩm định. Từ 100 triệu đồng trở lên thì phải đăng ký qua Sở KH-ĐT, các thủ tục đầu tư, sửa chữa gặp quá nhiều khó khăn khi phải thông qua nhiều bước, nhiều sở ngành.

Trước mắt, các bệnh viện mong sớm có chủ trương hoặc ban hành khung giá khám chữa bệnh tính đúng, tính đủ chi phí. Ngoài ra, cần ban hành cơ chế thống nhất trong việc thực hiện, thẩm tra công tác khám chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng hưởng chế độ thu nhập tăng thêm đối với người lao động trong cơ sở y tế và ngân sách cấp bù phần thiếu hụt khi đơn vị cân đối chưa đủ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các đơn vị sự nghiệp công trực thuộc tổ chức thực hiện tự chủ tài chính của đơn vị theo đúng quy định của UBND tỉnh đã phê duyệt ở phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025. Sở Y tế định kỳ rà soát lại các đơn vị thực hiện tự chủ tài chính để đánh giá được kinh phí tiết kiệm hằng năm, báo cáo UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh viện công gặp khó khi tự chủ tài chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO