(QNO) - Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tại Việt Nam, những ngày gần đây dịch bệnh có những biến chuyển xấu đi khi số ca mắc bệnh tăng lên từng ngày. Công tác phòng chống dịch tại các bệnh viện đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, bởi đây được xem là nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ.
Để bạn đọc hiểu rõ hơn về công tác triển khai phòng chống dịch tại một bệnh viện, chúng tôi đã có buổi trò chuyện cùng BS.CKI. Trần Thị Huyền Thanh - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Gia Đình Đà Nẵng.
* P.V: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi rút corona gây ra, bác sĩ có thể cho biết bệnh viện đã có sự chuẩn bị ứng phó như thế nào?
BS.CKI. Trần Thị Huyền Thanh: Khi những con số về người nhiễm bệnh tăng lên hàng ngày tại Việt Nam, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bệnh viện Đa khoa Gia Đình ngay lập tức đã có cuộc họp khẩn vào ngày 8.3 nhằm đưa ra những phương án tăng cường phòng chống dịch tại bệnh viện.
Việc phân luồng được tiến hành ngay từ cổng bệnh viện theo đúng chỉ đạo của Sở Y tế Đà Nẵng. Bệnh viện đã yêu cầu tất cả bệnh nhân, thân nhân, khách đến thăm phải thực hiện kiểm tra thân nhiệt, khai báo tình hình dịch tễ, sát khuẩn và đeo khẩu trang khi vào bệnh viện. Các ca bệnh nghi ngờ ngay lập tức được mời vào phòng cách ly để tiến hành những đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Nhằm truyền tải mạnh mẽ nguy cơ và cách phòng chống Covid-19, các hoạt động truyền thông phòng bệnh cũng được triển khai đồng bộ. Từ khi dịch bệnh xuất hiện, chúng tôi đã đăng tải và dán những poster khuyến cáo trên toàn bệnh viện để người dân nắm rõ. Hơn 250 bình sát khuẩn tay nhanh được trang bị dọc hành lang, tại các phòng khám và phòng bệnh nội trú để khuyến khích việc rửa tay của người dân.
Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được tăng cường gấp 4 lần ở các vị trí có nguy cơ cao. Việc giám sát được tiến hành toàn diện, nghiêm ngặt, trong trường hợp phát hiện bất kỳ ai không tuân thủ, nhân viên bệnh viện có quyền yêu cầu mời ra ngoài.
* P.V: Với sự chuẩn bị quyết liệt và chủ động như bác sĩ đã nói, liệu bệnh viện có thể kiểm soát tốt dịch bệnh trên toàn viện không?
BS.CKI. Trần Thị Huyền Thanh: Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh viện chưa tiếp nhận ca bệnh nào dương tính với Covid-19. Tuy nhiên, để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, bệnh viện bám sát các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế , Sở Y tế và thực hiện nghiêm túc các nội dung đã được yêu cầu để triển khai công tác phòng chống dịch tại bệnh viện.
Bệnh viện đã xây dựng các tình huống phòng chống dịch cụ thể theo 3 cấp độ (chưa có dịch, xảy ra dịch, dịch lan rộng) và đề xuất các phương án đối phó cụ thể, chủ động.
* P.V: Trong quá trình triển khai phòng chống dịch, có nhiều người khi đến bệnh viện chỉ hợp tác qua loa, khai báo dịch tễ không đúng sự thật, những trường hợp này bệnh viện sẽ xử trí như thế nào?
BS.CKI. Trần Thị Huyền Thanh: Việc khai báo dịch tễ không rõ ràng, không trung thực phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân. Bệnh viện đã có những thông điệp, poster đặt tại khu vực khai báo y tế để khuyến khích, nâng cao ý thức của mỗi người để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Bên cạnh đó, sau khi khai báo lần 1 khi check-in vào viện, tại phòng khám hoặc trước khi nhập viện nội trú, nhân viên sẽ hỏi lại lần nữa về các yếu tố dịch tễ và triệu chứng hô hấp để xác định thông tin lần 2.
Trong trường hợp phát hiện ra yếu tố gian dối, bệnh viện sẽ ngay lập tức tiến hành cách ly không chỉ với người bệnh mà còn với những người tiếp xúc; đồng thời khử khuẩn tại các khu vực liên quan. Tùy vào tình huống thực tế, bệnh viện sẽ đánh giá và đưa ra các phương án xử trí theo đúng quy định phòng dịch của Sở Y tế.
* P.V: Hiện nay nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam đã có người nhiễm bệnh và tâm lý người dân có phần hoang mang, lo lắng. Vậy bác sĩ có thể đưa ra các khuyến cáo dành cho người dân trong tình hình hiện nay?
BS.CKI. Trần Thị Huyền Thanh: Hãy tuân thủ nghiêm túc các khuyến cáo chung của Bộ Y tế. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người có dấu hiệu bệnh như ho, sốt, sổ mũi... Cần che miệng và mũi khi ho hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm nguy cơ phát tán dịch tiết đường hô hấp.
Tăng cường vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc miệng bằng nước sát khuẩn miệng. Sử dụng khẩu trang y tế tại các khu vực công cộng, đông người và giữ khoảng cách khi giao tiếp với người khác. Ngoài ra, trong thời điểm hiện tại, những người có dấu hiệu của bệnh viêm đường hô hấp hay nghi mắc bệnh, trở về từ vùng dịch, khu vực dịch cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế khám, tư vấn kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe bản thân và hạn chế nguy cơ lây lan ra cộng đồng.
Đặc biệt, việc cần làm lúc này là người dân nên giữ bình tĩnh, xử trí các tình huống một cách tỉnh táo và tuân theo quy định của Bộ Y tế, tránh gây náo loạn, chọn lọc thông tin chính xác để tránh tâm lý hoang mang, lo sợ.
P.V: Cảm ơn bác sĩ về cuộc trao đổi này!