Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam: Xây dựng niềm tin

KHẢI KHIÊM 26/02/2014 12:48

Để xây dựng lại niềm tin cho nhân dân sau những rủi ro chuyên môn ngoài ý muốn, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi (ĐKKVMN) phía Bắc Quảng Nam đang từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất và trang thiết bị khám, chữa bệnh phục vụ.

Nhìn thẳng hạn chế

Ban lãnh đạo Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam thẳng thắn nhìn nhận:  Thời gian qua, bệnh viện đã “mất điểm” trầm trọng bởi một số sự cố chuyên môn xảy ra ngoài ý muốn. Để gầy dựng lại hình ảnh, nhất thiết phải xây lại từng “viên gạch” niềm tin đối với người bệnh. “Chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị chuyên dụng là 3 yếu tố được xác định đầu tiên để củng cố công tác chuyên môn của bệnh viện. Từ đó, đơn vị tiếp tục vạch ra lộ trình và tìm giải pháp triển khai thực hiện” - Bác sĩ Tô Mười, Giám đốc Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam bày tỏ. Nhưng, điều quan trọng hơn trong công tác khám chữa bệnh theo bác sĩ Tô Mười là nêu cao tinh thần thái độ phục vụ người bệnh, quý trọng bệnh nhân như chính bản thân mình.

Bệnh viện phối hợp thực hiện và chuyển giao kỹ thuật tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser.
Bệnh viện phối hợp thực hiện và chuyển giao kỹ thuật tán sỏi niệu quản ngược dòng bằng laser.

Tuy còn nhiều khó khăn, đơn vị vẫn quyết tâm đầu tư cho chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” thu hút bác sĩ mới về làm việc, động viên bác sĩ cũ yên tâm cống hiến. Từ năm 2008 - 2010, bệnh viện thu hút được 4 bác sĩ. Hiện nay, bệnh viện có 467 cán bộ nhân viên; trong đó có 67 bác sĩ (7 thạc sĩ, 3 bác sĩ chuyên khoa II, 24 bác sĩ chuyên khoa I); cử đi đào tạo 1 tiến sĩ, 2 thạc sĩ và nhiều bác sĩ chuyên khoa khác.

Bằng nhiều nguồn lực, bệnh viện từng bước đầu tư cơ sở vật chất để giảm bệnh nhân nằm giường đôi; chú trọng đào tạo con người nắm vững các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, đơn vị kêu gọi và nhận sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tài trợ máy móc hiện đại phục vụ khám và chẩn đoán bệnh. Bác sĩ Tô Mười cho hay, bệnh viện đã được trang bị máy cộng hưởng từ MRI, máy chụp cắt lớp vi tính, X-quang kỹ thuật số, X-quang tăng sáng truyền hình, siêu âm tim, siêu âm màu 3D, 4D, máy chạy thận nhân tạo… Cạnh đó, đơn vị còn hợp tác với Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng giúp đào tạo về chuyên môn, chuyển giao các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng mới, đầu tư mua sắm trang thiết bị và liên thông một số kết quả xét nghiệm cận lâm sàng. Bệnh viện còn tranh thủ sự giúp đỡ của tổ chức FHF (Úc) đầu tư khoa Mắt; Công ty CP Đầu tư Đà Nẵng - miền Trung xây dựng khoa Tim mạch - ung bướu. Đặc biệt, Khu điều trị Bà mẹ Việt Nam anh hùng - thương bệnh binh - cán bộ lão thành cách mạng do nhân dân, cán bộ huyện Đại Lộc đóng góp kinh phí xây dựng trong khuôn viên bệnh viện được đưa vào sử dụng vào năm 2009.

Lấy lại niềm tin

Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam (đóng tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) được thành lập năm 2001 với quy mô ban đầu 120 giường bệnh; gồm 4 phòng chức năng, 10 khoa lâm sàng, 2 khoa cận lâm sàng. Bệnh viện nhận điều trị bệnh nhân từ các huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Điện Bàn và các xã cận kề của các huyện Duy Xuyên, Điện Bàn. Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2) năm nay, bệnh viện khánh thành và đưa vào sử dụng khoa Khám bệnh và khoa Hồi sức tích cực -  chống độc (50 giường). Như vậy, đến nay bệnh viện đã phát triển 350 giường, gồm 26 khoa lâm sàng, 6 khoa cận lâm sàng, 2 phòng khám khu vực vùng A và vùng B cùng 6 phòng chức năng; triển khai thành công phẫu thuật nội soi tiêu hóa, tiết niệu, sản phụ khoa, tai mũi họng; phẫu thuật thay khớp háng, phaco, laser yag…

Luôn dõi theo từng bước thăng trầm của Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam, ông Mai Đình Lự - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đại Lộc cho biết: “Sau những sự cố, đơn vị này đã thể hiện tinh thần cầu thị, nghiêm túc chấn chỉnh và nỗ lực nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong bối cảnh bị quá tải. Qua các đợt tiếp xúc cử tri gần đây, ý kiến bà con phản ảnh những bất cập ở bệnh viện ngày càng thưa dần”. Con số 176 nghìn người đến khám, 37.356 người bệnh điều trị nội trú, 5.025 bệnh nhân được phẫu thuật trong năm 2013 cũng là một minh chứng xác thực. Ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đội ngũ lãnh đạo bệnh viện nêu cao tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa tập thể y bác sĩ, cán bộ nhân viên bệnh viện; lồng ghép hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với nhiệm vụ chuyên môn...  

Chính những nỗ lực của từng cá nhân, từng khoa phòng ở bệnh viện đã dần dần lấy lại sự tin tưởng nơi người bệnh. Anh Kaphu Mừng (Tà Bhing, Nam Giang) trong một lần đi làm rẫy trượt chân té ngã khiến dây chằng đầu gối phải bị đứt, được chuyển xuống điều trị tại bệnh viện. Chi phí chữa bệnh của Kaphu Mừng đã có bảo hiểm chi trả; nhưng gia đình nghèo, vợ không đủ tiền trang trải ăn uống khi túc trực ở bệnh viện nuôi chồng. “Mỗi buổi sáng, vợ chồng mình đều nhận được 2 suất cháo. Nhiều bữa trong tuần, bệnh viện và các đoàn từ thiện còn phát suất ăn miễn phí cho bệnh nhân điều trị nội trú” - Kaphu Mừng cho hay. Cựu chiến binh Arâl Be (Đông Giang) bị chứng bệnh tiểu đường hành hạ nên chuyển xuống nằm tại Khu điều trị Bà mẹ Việt Nam anh hùng - thương bệnh binh - cán bộ lão thành cách mạng 10 ngày nay. Arâl Be cho biết, các y, bác sĩ phục vụ rất chu đáo. Được chăm sóc tận tình, thuốc men đầy đủ, bệnh của ông thuyên giảm nhanh và vài ngày tới có thể ra viện. Nuôi con gái sinh nở nằm tại khoa Sản, bà Tâm (thị trấn Ái Nghĩa) nói: “Trước kia, gia đình có phân vân chuyện đưa cháu ra Đà Nẵng sinh, sau đó gia đình thống nhất chọn Bệnh viện ĐKKVMN phía Bắc Quảng Nam gần nhà. Sự thay đổi từ cung cách phục vụ và trách nhiệm của y bác sĩ ở đây khiến tôi cũng thấy yên tâm”.

KHẢI KHIÊM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam: Xây dựng niềm tin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO