Y tế

Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam điều trị thành công một trường hợp mắc bệnh hiếm gặp

MỸ LINH - BẢO HƯNG 07/05/2025 17:36

(QNO) - Một bệnh nhân nữ sau sinh ngày thứ 4 mắc phải bệnh huyết khối tĩnh mạch buồng trứng - một bệnh rất hiếm gặp, đã được Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam phát hiện và điều trị thành công. Hiện bệnh nhân đã được xuất viện với sức khỏe ổn định.

image001.png
Hình ảnh CT Scan bụng của bệnh nhân. Ảnh: BẢO HƯNG

Vừa qua, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Quảng Nam tiếp nhận bệnh nhân H.T.H.N (18 tuổi, xã Trà Mai, Nam Trà My) vào viện với triệu chứng đau quặn vùng hố chậu phải kèm sốt và buồn nôn, không có tư thế giảm đau. Tiền sử bệnh nhân không có chấn thương, không mắc bệnh lý nội khoa.

Đáng chú ý, bệnh nhân vừa sinh thường ngày thứ 4 thì khởi phát triệu chứng. Tuyến dưới đã chuyển viện lên Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam với chẩn đoán theo dõi viêm ruột thừa ở bệnh nhân hậu sản ngày thứ 4.

Tại khoa cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, sốt 38 độ C, không có dấu nhiễm trùng, không phù, không đau ngực, không khó thở, hai chân không sưng đau. Bệnh nhân đau bụng vùng hố chậu phải, vùng bụng dưới mềm, không có phản ứng thành bụng, không phát hiện khối rõ ở vùng bệnh nhân đau. Bệnh nhân được chẩn đoán đau bụng cấp và được chỉ định siêu âm bụng. Hình ảnh siêu âm phát hiện một tổn thương nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch buồng trứng lan tới tĩnh mạch chủ dưới.

Sau đó, bệnh nhân được hội chẩn cấp cứu với ekip trực khoa tim mạch, được chỉ định chụp cắt lớp vi tính bụng có thuốc để làm rõ chẩn đoán. Kết quả chụp cho thấy huyết khối cấp tĩnh mạch buồng trứng phải, lan lên tĩnh mạch chủ dưới kèm tổn thương viêm xung quanh gây hẹp niệu quản phải, thận phải ứ nước độ I.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Lương Quang - Trưởng khoa Nội tim mạch Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam cho biết, bệnh nhân sau đó được chuyển vào khoa Tim mạch điều trị theo phác đồ huyết khối tĩnh mạch buồng trứng sau sinh.

Sau 1 tuần điều trị, bệnh nhân hết đau bụng, bụng mềm, siêu âm kiểm tra lại thấy khối hồi âm hỗn hợp vùng bụng phải giảm kích thước và giảm độ hồi âm. Bệnh nhân được xuất viện uống thuốc theo đơn ngoại trú, hẹn tái khám để kiểm tra lại sau 1 tháng.

Đây là trường hợp rất hiếm gặp, nếu không chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Lương Quang

Theo Bác sĩ Quang, biểu hiện lâm sàng cổ điển của huyết khối tĩnh mạch buồng trứng có 3 triệu chứng, gồm đau vùng chậu, sốt và khám có khối u ở bụng dưới. Vài triệu chứng khác cũng có thể gặp như nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, thở nhanh, buồn nôn, nôn… Các triệu chứng thường xảy ra trong 4 tuần đầu sau sinh, thường gặp nhất là trong 10 ngày đầu.

Huyết khối tĩnh mạch buồng trứng xảy ra ở tĩnh mạch buồng trứng bên phải là thường gặp hơn, chiếm tới 90% các trường hợp. Do chiều dài của tĩnh mạch buồng trứng bên phải dài hơn, ít van có chức năng hơn và tử cung xoay sang phải trong quá trình mang thai.

“Điều này khiến việc chẩn đoán nhầm với viêm ruột thừa vì sự tương đồng của triệu chứng và vị trí đau (ruột thừa viêm cũng sốt và đau hố chậu bên phải). Do đó cần khai thác tiền sử (thai sản), khám lâm sàng cẩn thận, định hướng các thăm dò hợp lý, đặc biệt là siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ nếu nghi ngờ” - Bác sĩ Quang nói.

Huyết khối tĩnh mạch buồng trứng (OVT- Ovarian Vein Thrombus) lần đầu tiên được Austin mô tả ở một phụ nữ sau sinh vào năm 1956. Là một tình trạng cấp cứu hiếm gặp có liên quan đến thời kỳ hậu sản, nạo phá thai, mắc bệnh ác tính, phẫu thuật vùng bụng và vùng chậu, bệnh viêm vùng chậu, bệnh viêm ruột, sau nhiễm Covid-19...

Tỷ lệ này xảy ra ở 0,05% đến 0,16% thai phụ, chủ yếu trong thời kỳ hậu sản, ước tính lên đến 2% ca mổ lấy thai. Lý do thường gặp ở thai kỳ là do sự lưu thông máu ở vùng hạ vị kém gây ứ trệ tuần hoàn tĩnh mạch, tình trạng tăng đông sinh lý trong thời kỳ mang thai và tổn thương nội mô tĩnh mạch do nhiễm trùng hoặc chấn thương mạch máu.

Theo Bác sĩ Nguyễn Lương Quang, đây là bệnh hiếm gặp nên chưa có một nghiên cứu quy mô nào xây dựng hướng dẫn điều trị cụ thể cho OVT. Các hướng dẫn điều trị trước đây bao gồm kháng sinh, cắt bỏ tử cung, phẫu thuật nội soi lấy huyết khối, thắt tĩnh mạch buồng trứng, cắt bỏ tĩnh mạch buồng trứng, thắt tĩnh mạch chủ dưới và đặt bộ lọc tĩnh mạch chủ dưới đã được nhiều chuyên gia đề nghị.

“Do biểu hiện không đặc hiệu của huyết khối tĩnh mạch buồng trứng, cần phải chẩn đoán chính xác, kịp thời. Sự chậm trễ trong chẩn đoán có thể dẫn đến các biến chứng có khả năng đe dọa tính mạng, bao gồm áp xe buồng trứng, nhồi máu buồng trứng, huyết khối tắc mạch nhiễm trùng, lan vào tĩnh mạch chủ dưới (IVC), thuyên tắc phổi (PE), hoại tử tử cung và chèn ép niệu quản” - bác sĩ Quang chia sẻ.

Huyết khối tĩnh mạch buồng trứng là một cấp cứu có thể đe dọa tính mạng với tỷ lệ hiếm gặp, dễ bỏ sót. Do vậy, chẩn đoán cần dựa vào triệu chứng lâm sàng và các thăm dò hình ảnh học. Cần nghĩ đến trường hợp này khi có các triệu chứng đau vùng chậu, sốt và khám có khối u ở bụng dưới, đặc biệt là ở phụ nữ sau sinh có tình trạng viêm nhiễm.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Lương Quang

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam điều trị thành công một trường hợp mắc bệnh hiếm gặp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO