Với những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Quảng Nam đã được Bộ Y tế công nhận là một trong 4 bệnh viện đầu tiên trong cả nước đạt danh hiệu “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”. Danh hiệu này được Sở Y tế phối hợp với tổ chức Alive & Thrive trao cho bệnh viện vào ngày mai 3.10.
Sáng kiến “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” được triển khai với sự hỗ trợ tài chính của cơ quan viện trợ Ireland nhằm thúc đẩy các cơ sở y tế thực hiện chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ.
Đồng hành vượt cạn
Chị Huỳnh Thị Thu Thảo - sản phụ vừa vượt cạn thành công bằng phương pháp sinh thường cho biết, việc có người thân đồng hành trong quá trình vượt cạn khiến mình cảm thấy an tâm hơn. “Tôi cảm thấy yên tâm trong phòng sinh, không có cảm giác đơn độc. Tôi sinh thường được em bé 3,8kg. Sau gần một tiếng thì tôi cho bé bú, thực sự lúc đó cả tôi và chồng đều rất hạnh phúc” - chị Thảo chia sẻ.
Trong khi đó, chị Đỗ Thị Hiền - người nhà sản phụ Lang Thu Giang cho biết, khi được đứng trong buồng sinh chứng kiến quá trình sinh nở của người thân chị đã không kiềm được xúc động. Có chứng kiến như vậy người nhà mới hiểu và thông cảm cho công việc của các nữ hộ sinh, bác sĩ cũng như chia sẻ được với người thân của mình trong hành trình vượt cạn. Điều nữa, khi tham gia mô hình này gia đình sản phụ không phải nộp thêm viện phí... Những chia sẻ trên là cảm nhận tích cực từ cả sản phụ lẫn người nhà về mô hình “Phòng sinh thân thiện”, được BVĐK Quảng Nam triển khai thực hiện từ tháng 5.2019.
“Phòng sinh thân thiện” không chỉ là mô hình tạo nên ấn tượng đối với bệnh nhân và người nhà, mà cũng là một trong các tiêu chí để BVĐK Quảng Nam nhận được danh hiệu Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc. “Chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, cập nhật những quy trình chuyên môn có lợi có sức khỏe của bà mẹ và trẻ sơ sinh như phương pháp da kề da, phòng sinh thân thiện, hỗ trợ các bà mẹ trong vấn đề nuôi con bằng sữa mẹ, giúp sản phụ tăng sinh ngã âm đạo một cách an toàn. Trong đó, mô hình “Phòng sinh thân thiện” đã giúp cho các bà bầu an tâm hơn, làm cho người thân hài lòng hơn khi được chia sẻ và giúp sản phụ đối phó với cơn đau lúc chuyển dạ, cũng như giúp cho các bác sĩ, nữ hộ sinh có điều kiện gần gũi người nhà và sản phụ trong hành trình vượt cạn an toàn” - bác sĩ Nguyễn Thị Kiều Trinh, Trưởng khoa Sản BVĐK Quảng Nam chia sẻ.
Bác sĩ Trần Tấn Dũng - Phó Giám đốc BVĐK Quảng Nam cho biết, mô hình “Phòng sinh thân thiện” cho phép sản phụ được lựa chọn một người đồng hành mà họ tin cậy để hỗ trợ mình trong suốt quá trình chuyển dạ. Nghe qua rất đơn giản, nhưng để thực hiện phải có sự chuẩn bị chu đáo. Không chỉ tối ưu hóa cơ sở vật chất, đảm bảo các khâu trật tự an toàn và vệ sinh, bệnh viện phải xây dựng quy trình hướng dẫn các bước thực hiện cụ thể. Ngoài ra, hướng dẫn cho người nhà về những điều nên làm và không nên làm khi vào phòng sinh cùng sản phụ.
Hỗ trợ sản phụ tối đa
Nói về những thành tựu BVĐK Quảng Nam đạt được khi tham gia đề án “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”, ông Roger Mathisen - Giám đốc Chương trình Alive & Thrive khu vực Đông Nam Á đánh giá, BVĐK Quảng Nam xứng đáng là mô hình điểm cho các cơ sở y tế khác học tập về công tác chăm sóc sơ sinh thiết yếu sớm và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ. Trong đó, “Phòng sinh thân thiện” là mô hình rất tốt nhằm đảm bảo sản phụ được chăm sóc tốt nhất, có một trải nghiệm sinh tích cực.
Được biết, Phụ sản là khoa đầu ngành của BVĐK Quảng Nam, với số ca sinh hằng năm lên đến 5.000.
Để đạt các tiêu chí “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc”, ngoài mô hình “Phòng sinh thân thiện”, BVĐK Quảng Nam còn đảm bảo việc chăm sóc thiết yếu sau sinh cho mẹ và bé, đảm bảo bé được da kề da với mẹ ngay sau sinh liên tục 90 phút và bú cữ đầu tiên trên ngực mẹ. Thành quả này cũng chính là nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ Khoa Sản BVĐK Quảng Nam, khi suốt trong quá trình thai kỳ, sản phụ được hỗ trợ, tư vấn bằng các lớp học tiền sản. Kể cả sau khi xuất viện, sản phụ sẽ nhận được sự tư vấn hỗ trợ để tiếp tục cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong suốt 6 tháng đầu và tiếp tục cho bú đến khi trẻ đủ 24 tháng tuổi.
Đối với trẻ sinh non thiếu tháng, bác sĩ Kiều Trinh cho biết, bệnh viện duy trì việc nuôi con bằng sữa mẹ thông qua các phương pháp như chăm sóc Kangaroo, hướng dẫn mẹ cho bé ăn bằng muỗng, sau đó dần dần tập bú. Đây là điều kiện giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng, ổn định thân nhiệt, hô hấp, gắn bó tình cảm giữa mẹ và con, tận dụng nguồn dinh dưỡng kháng thể tốt nhất cho bé vào những ngày đầu đời. Hiện nay, tỷ lệ da kề da cho sinh thường và sinh mổ của bệnh viện lên đến hơn 95%, trong đó qua khảo sát sản phụ, tỷ lệ da kề da đủ 90 phút ở bệnh viện đạt 97%, tỷ lệ bú sớm đạt 95%.
Ông Mai Văn Mười - Phó Giám đốc Sở Y tế cho hay, sở đã có kế hoạch triển khai Đề án Xây dựng “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” tại 7 bệnh viện trên địa bàn tỉnh; trong đó, BVĐK Quảng Nam là đơn vị đầu tiên đáp ứng tốt các tiêu chí. “Thực hiện “Bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc” sẽ giúp phát triển toàn diện cho trẻ nhỏ, giảm tử vong sơ sinh, giảm gánh nặng cho ngành y tế và xã hội. Sở Y tế xác định tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy, duy trì và nhân rộng mô hình tại tất cả cơ sở khám chữa bênh trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đối với BVĐK Quảng Nam, sau khi được công nhận, sở tiếp tục chỉ đạo duy trì các tiêu chí và là mô hình điểm để các đơn vị học tập” - ông Mười nói.