Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch luôn đồng hành cùng bệnh nhân lao phổi

HÀ VY – THÙY AN 22/02/2019 09:38

(QNO) - Làm việc trong môi trường nhạy cảm, những y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch luôn tận tâm, nhiệt tình, hết lòng phục vụ người bệnh.

Thấu hiểu và chia sẻ cùng người bệnh, đội ngũ thầy thuốc của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đã luôn đồng hành, hướng dẫn, nhắc nhở bệnh nhân uống thuốc đúng giờ, đúng lịch, không được bỏ thuốc; hướng dẫn và theo dõi chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và vệ sinh đúng cách để tránh lây lan cho mọi người xung quanh.

Bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với bệnh nhân.
Bác sĩ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch luôn quan tâm đến bệnh nhân.

Mỗi năm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch tiếp nhận khoảng 4.000 bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú, trong đó, các Khoa Hồi sức - cấp cứu, Khoa Nội C mỗi ngày tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân đến cấp cứu và điều trị. Với 125 cán bộ và nhân viên (có 19 bác sĩ và 43 điều dưỡng), hàng ngày họ vẫn miệt mài với công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh.

Phần lớn những người bệnh đến nhập viện với các thể lao và bệnh lý phổi ngoài lao như hen suyễn, tắc nghẽn màng phổi, viêm phổi… BS.CKII Trần Ngọc Pháp – Giám đốc Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch chia sẻ: “Về lĩnh vực lao, phổi có đặc thù riêng, vì vậy điều đầu tiên là y đức của cán bộ y tế đối với bệnh nhân phải đặt lên hàng đầu, thể hiện qua ứng xử, trong công việc luôn đổi mới phong cách phục vụ hướng tới sự hài lòng của bệnh nhân”.

Khoa Hồi sức - cấp cứu, nơi tiếp nhận bệnh nhân với nhiều hoàn cảnh khác nhau, đặc biệt là người cao tuổi, người có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa. Chính vì vậy mà các y bác sĩ của khoa luôn cố gắng quan tâm, chia sẻ khó khăn với bệnh nhân như: tìm kiếm mạnh thường quân giúp đỡ để họ có bữa cơm hay tiền đóng viện phí, kịp thời động viên họ khi phải nằm điều trị lâu dài… “Các anh em ở khoa luôn nhiệt tình giúp họ từng bữa cơm, chén cháo, có khi là giúp cả tiền viện phí nữa…” - BS.CKI. Nguyễn Cao Tín, Trưởng khoa Hồi sức – cấp cứu chia sẻ.

Thông thường, phác đồ điều trị lao kéo dài 6-8 tháng (với thể lao bình thường) hoặc 18-24 tháng (với trường hợp lao kháng thuốc). Trong thời gian này, ngày nào bệnh nhân cũng phải sử dụng rất nhiều thuốc với nhiều tác dụng phụ không mong muốn, nếu bỏ dở việc điều trị thì bệnh sẽ chuyển biến xấu và nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao. Do vậy, các bác sĩ luôn nắm bắt tâm lý của người bệnh để kịp thời động viên, giúp họ có thêm tinh thần để kiên trì chữa trị, vượt qua bệnh tật.

Ông Nguyễn Văn Khoa (Phú Ninh) đang điều trị tại Khoa Nội C chia sẻ: ”Tôi nằm điều trị ở bệnh viện này đến đợt thứ tư rồi. Các bác sĩ luôn tận tình chỉ dẫn, nhắc nhở thường xuyên việc ăn uống, thuốc men đầy đủ và động viên không được bỏ dỡ điều trị”.

Điều dưỡng trưởng Nguyễn Hữu Ba cho hay: ”Chúng tôi lấy phương châm bệnh nhân là trung tâm. Không chỉ điều trị, chăm sóc tốt cho người bệnh, chúng tôi cũng quan tâm đến công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, giúp người bệnh vượt qua mặc cảm xã hội, để họ sẽ là hạt nhân tuyên truyền cho các bệnh nhân khác tại cộng đồng”.

Gắn bó với công việc trong môi trường nhạy cảm, các y bác sĩ đã phải vượt qua không ít trở ngại như nguy cơ lây nhiễm bệnh cao, áp lực công việc nặng nề... Họ luôn động viên nhau tận tâm, tận tình với người bệnh, hết lòng với công việc. Họ tâm niệm giản dị rằng: “Nếu ai cũng sợ thì sẽ không ai cứu chữa cho bệnh nhân lao”.

HÀ VY – THÙY AN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch luôn đồng hành cùng bệnh nhân lao phổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO