Đó là một chữ thập đỏ an bình đối với ngư dân đánh bắt, cũng là một niềm kiêu hãnh chủ quyền trên Biển Đông. Tàu bệnh viện 561 (thuộc Vùng 4 Hải quân) suốt từ năm 2012 đến nay chưa dừng nghỉ hành trình khám chữa bệnh ngay trên Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam. Là tàu bệnh viện đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam, 561 như sứ mệnh của người thầy thuốc, vinh quang thấm đẫm nỗi nhọc nhằn cùng nhiệm vụ tối thượng: cứu người.
Nơi đầu sóng
561 được “hạ sinh” tại nhà máy Z189, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, do Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam thiết kế theo công nghệ đóng tàu tiên tiến của Hà Lan. Màu sơn trắng với chữ thập đỏ khổng lồ hiện diện trên màu biển xanh luôn tạo cảm giác an tâm, tin cậy cho hàng nghìn ngư dân đang ngày đêm lênh đênh biển giã.
Đại úy Phạm Văn An - Thuyền trưởng tàu 561 đầy tự hào: “Đây là con tàu quân y vào hạng “5 sao” với tải trọng hơn 150 tấn, được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại tương đương một bệnh viện ở đất liền. Tàu dài hơn 70m, rộng hơn 13m, chịu được điều kiện sóng gió cấp 8 cùng đôi vây chống lắc ở hai bên thân tàu. Các khoang có đầy đủ điều hòa, tủ lạnh, ti vi kết nối truyền hình vệ tinh, hệ thống liên lạc hiện đại qua vệ tinh Vinasat. Đặc biệt, những máy móc ở các phòng bệnh phục vụ hoạt động khám chữa bệnh của đơn vị khá hiện đại, tương đương một bệnh viện trên đất liền”.
Hành trình khám chữa bệnh ngay trên Biển Đông, từ Hoàng Sa, Trường Sa, nhà giàn DK1 chưa phải là nhiệm vụ duy nhất của tàu 561. Con tàu này cũng đều đặn tham gia việc chở quân, vận chuyển lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các đảo, nhà giàn và cả ngư dân, tham gia nhiều hoạt động diễn tập, cứu nạn quốc tế. Ngư dân ngoài được khám chữa bệnh, còn được cấp nước ngọt, thực phẩm miễn phí trong những lần gặp khó khăn, thiếu thốn khi đánh bắt trên biển.
Tôi đặt chân vào khoang chức năng của tàu. Bên trong, là những phòng khám, phòng siêu âm, phòng mổ, phòng hồi sức cấp cứu, các chuyên khoa. Đủ máy móc thuộc vào loại hiện đại nhất cho một bệnh viện: máy thở, máy sốc tim, máy tạo ôxy, máy rửa dạ dày tự động, buồng chụp X-quang. Có cả hệ thống nội soi, điện tim, xét nghiệm máu 18 thông số. Hiện đại nhất là hệ thống buồng chữa bệnh giảm áp, có thể cùng lúc cấp cứu đến 10 người. Buồng giảm áp là thiết bị tối quan trọng, phục vụ cấp cứu cho các thợ lặn ở đại dương.
Các bác sĩ trên tàu còn có thể hội chẩn trực tuyến qua hệ thống dữ liệu, hình ảnh truyền bằng vệ tinh từ tàu về Bệnh viện Quân y 175. Những ca cấp cứu quan trọng đều được tiến hành hội chẩn với y bác sĩ Bệnh viện 175 bất kể giờ giấc. Nhờ đó, việc cứu chữa bệnh nhân được kịp thời, dựa trên phác đồ điều trị do Bệnh viện 175 cung cấp.
Giữa hàng chục cán bộ chiến sĩ có mặt trên tàu, thật khó để biết được ai là bác sĩ, bởi trong hoạt động ngày thường, họ vẫn một sắc quân phục, vẫn thành thạo lái xuồng, ném dây. Tôi để ý, chỉ có một điều khác lạ dễ cảm nhận nhất, là đôi tay. Không rắn rỏi gân guốc như những đồng đội làm nhiệm vụ trực chiến, lái tàu hay phục vụ, những đôi tay có phần mảnh mai, “phụ trách” phần mẫn cảm của nghề thầy thuốc.
Mỗi năm, cũng chính những đôi tay ấy khám, điều trị, tư vấn sức khỏe và cấp cứu cho vài nghìn lượt người, trong đó có khá nhiều trường hợp nguy kịch. Quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển làm nhiệm vụ, song ekip quân y trên tàu kể, sau những chuyến biển dài hay kết thúc các đợt trực chiến, có dịp, toàn bộ anh em đều tranh thủ triển khai phẫu thuật thực nghiệm lớn (trên động vật) để đánh giá lại khả năng khai thác, vận hành trang thiết bị y tế trên tàu và ứng cứu mọi trường hợp gặp nạn với đủ các trường hợp phức tạp: cắt lách, khâu gan, nối ruột, mở khí quản…
Chữ thập điềm lành
Khi đang hạ neo để thực hiện thay thu quân ở đảo Núi Le, đội xuồng ra hiệu ca nô tiếp cận, hỗ trợ cho một chiếc thúng chai đang từ từ tiến đến tàu bệnh viện. Không xa, là tàu cá ngư dân Khánh Hòa mang số hiệu KH 92637 TS, nơi chiếc thúng chai xuất phát.
Dưới sự giúp đỡ của tổ xuồng, hai ngư dân nhanh chóng tiếp cận được tàu bệnh viện. Ngư dân Thiều Dũng (SN 1992, quê Nha Trang, Khánh Hòa) nhanh chóng được đưa vào buồng thăm khám. Dũng kể, tàu có 6 thuyền viên, đánh bắt được hơn mười ngày trên vùng biển Trường Sa thì trở cơn đau ruột. Anh đã vào đảo xin thuốc, song vẫn chưa dứt. “Anh em ngư dân đánh bắt bao phen bị đau, bị bệnh, giữa bao la sóng gió mà gặp tàu bệnh viện là mừng hết lớn. Thấy tàu, là biết sống rồi, khỏe rồi” - Dũng nói. May mắn, qua thăm khám, cơn đau của Dũng chỉ là một bệnh đường ruột thông thường, bác sĩ của tàu cho thuốc, tặng thêm vài lọ thuốc bổ, còn chu đáo bảo bộ phận phục vụ san sẻ ít rau cho ngư dân lên tàu…
Những ký ức về các đợt cấp cứu giữa trùng khơi cứ đầy lên dần với đội ngũ quân y. Trung úy Phạm Thanh Tùng, y sĩ trên tàu bệnh viện nói, cứ mỗi khi tàu ra biển, ngư dân lại báo nhau đến xin thuốc, nhờ khám. “Bà con còn khổ, lênh đênh trên biển đánh bắt suốt hai, ba tháng liền, có trở bệnh, ốm đau cũng chẳng biết cách nào xoay xở. Cứu chữa cho hàng nghìn trường hợp, có người bị ngất, bị lả đi ngay trên tay mình, sũng nước vì sóng lớn đánh vào thúng. May mắn là họ đã gặp tàu. Những khuôn mặt ấy làm tôi nhớ. Giữa biển cả, mạng người như chiếc lá, cứu được người nào, vui mừng chừng ấy” - Trung úy Tùng tâm sự.
Đối mặt, dìu bao ngư dân bước qua lằn ranh sinh tử, tàu bệnh viện 561 như một điềm lành xuất hiện giữa biển khơi. Nhiều trường hợp phải chạy đua với thời gian, khẩn trương hội chẩn để cấp cứu, hồi sức tích cực. Ngư dân chấn thương sọ não, viêm ruột thừa cấp trở nặng… buộc phải mổ ngay trong điều kiện sóng gió. Ca mổ thành công, vẫn còn phải túc trực để theo dõi sức khỏe bệnh nhân từng phút.
“Dù có hiện đại đến đâu, cũng không thể so sánh với điều kiện đất liền. Nhiều ca mổ được thực hiện trong điều kiện sóng lớn, chúng tôi đã thả vây song chỉ hạn chế được dao động tàu do sóng. Toàn tàu phải căng mình xử lý, đòi hỏi sự tập trung, ăn ý trong mọi khâu. Đội lái tàu cũng phải phối hợp nhịp nhàng với quân y, đội thông tin đảm bảo liên lạc phục vụ hội chẩn… để đảm bảo tốt nhất điều kiện cứu chữa cho ngư dân. Lúc bình thường, lại phải lên lịch vận hành máy, vệ sinh thiết bị để giảm hư hại do hơi muối từ nước biển” - Thuyền trưởng Phạm Văn An chia sẻ.
Những bàn tay vẫy như một lời tri ân, cảm ơn sự hiện hữu của “bệnh viện trên biển”. Tàu 561 trở thành biểu tượng của sự sống, là “thần hộ mệnh” giữa biển khơi cho hàng ngàn, hàng vạn ngư dân. Đó cũng là niềm kiêu hãnh trước ngoại bang, ngay bên “chân rào” Tổ quốc, hiện diện như một niềm tin chủ quyền vững chắc của Tổ quốc.
Suốt hành trình, bao con tàu lướt qua chúng tôi đều kéo một hồi còi dài. Hồi còi thao thiết vang vọng như nối tiếp sự bình an, là chuỗi thanh âm của sự tri ân gửi gắm từ phía bà con ngư dân, những người chung chảy dòng máu Việt. Trên tàu bệnh viện, anh em cùng vẫy tay. Cuộc gặp mặt giữa bao la sóng gió thắp thêm niềm tin cho ngư dân để kiên tâm bám biển, thắp thêm sự sống qua bao bận sinh tử ngặt nghèo, và cũng thắp lên niềm hy vọng cho ngày mai, ngày kia. Những hải trình tiếp nối, mang trái tim người thầy thuốc ra khơi…