Gần 4 tuần qua, nhiều bệnh nhân đang điều trị bệnh ung thư tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng hoang mang vì máy xạ trị của bệnh viện bị hỏng khiến quá trình xạ trị của hơn 70 bệnh nhân nơi đây phải tạm dừng.
Máy xạ trị hỏng nên nhiều phòng vắng bệnh nhân vì phải trở về nhà chờ. Ảnh: V.L |
Bệnh nhân lo lắng
Có mặt tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng chiều 17.8, cả dãy phòng tầng 3, nơi vốn ngày thường có gần 100 bệnh nhân điều trị xạ trị ung thư nay vắng ngắt, thi thoảng bắt gặp vài bệnh nhân quê ở xa đang nằm, ngồi buồn bã. Ông N.B.T., quê Tam Kỳ cho biết gần một tháng nay, máy xạ trị bị hư nên không thể xạ trị được. Ông T. bị ung thư thanh quản, được bác sĩ lập kế hoạch xạ trị 20 lần nhưng mới được 5 lần thì máy hư nay phải chờ đợi. “Nếu máy không hư thì nay cũng xạ trị gần đủ tia rồi” - ông T. nói. Tương tự, ông M.V.V. quê Điện Bàn có vợ đang điều trị ung thư vú tại đây chia sẻ, vợ ông được chỉ định xạ trị 25 tia nhưng đến tia 19 thì máy hư phải xuất viện về quê chờ đợi. “Tôi lo quá không biết nghỉ xạ trị lâu như vậy có sao không. Nếu máy đừng hư thì bây giờ vợ tôi xạ trị xong rồi” - ông V. nói.
Qua tiếp xúc bệnh nhân đang điều trị xạ trị nơi đây, hầu hết đều lo lắng, không biết việc ngưng xạ trị lâu ngày như vậy có ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của mình hay không, liệu trình điều trị thay đổi ra sao, nhất là sợ không đảm bảo sức khỏe để tiếp tục hoàn thành đợt xạ trị… Theo ông T.T. (Tiên Hà, Tiên Phước) chăm sóc cha đang điều trị ung thư phổi nơi đây, khi máy hư bệnh viện có thông báo người nhà bệnh nhân, nếu ai muốn chuyển viện đi thì bệnh viện sẽ hỗ trợ, còn không thì ở lại chờ đợi. “Gia đình tôi không muốn chuyển vì sợ. Thứ nhất, mình đang xạ theo quy trình, bây giờ đến bệnh viện khác sợ phải làm lại từ đầu, thủ tục rất lâu. Chưa biết bệnh viện khác làm lại từ đầu có đúng hay không hay lại trục trặc nữa. Một số trường hợp mới xạ thì họ có thể đi được nhưng ba tôi đã xạ hơn nửa đoạn đường rồi bây giờ đi hay ở cũng lỡ dở. Đi thì khó khăn ở lại thì cũng không yên tâm, chỉ mong cho máy nhanh sửa xong” - ông T. phân vân.
Không ảnh hưởng nhiều
“Trong điều trị ung thư có 4 phương pháp là phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, chăm sóc giảm nhẹ. Xạ trị chỉ một phương pháp hỗ trợ chứ không phải là phương pháp chính thức nên nếu phải tạm ngưng xạ trị cũng không ảnh hưởng nhiều đến bệnh nhân. Bệnh nhân phẫu thuật rồi, xạ trị chỉ là chống tái phát tại chỗ tránh di căn xa, bổ túc thêm mà thôi nên đó không phải là vấn đề chỉ định tuyệt đối, nếu ngưng một thời gian cũng không ảnh hưởng nhiều lắm, nó không giải quyết được vấn đề sống thêm của bệnh nhân. Nếu chậm xạ trị chúng ta sẽ chuyển phương pháp khác như hóa trị… tùy theo tình huống, tất nhiên để lâu quá thì không tốt ví dụ trên hai tháng thì nhiều khi tái phát tại chỗ. Do đó, khi máy hư chúng tôi họp bệnh nhân cho chọn lựa, một xuất viện rồi chuyển bệnh viện khác ở Đà Nẵng hay đi TP.Hồ Chí Minh… nhưng nhiều bệnh nhân khi xuống đó đông quá đã xin về lại để chờ. Chưa kể, một số bệnh nhân Quảng Nam phải nhập viện lại về Quảng Nam để xin giấy chuyển viện cũng rất nhiêu khê, rồi đến bệnh viện khác phải làm lại từ đầu vì mỗi máy xạ khác nhau. Chính vì lý do đó bệnh nhân chờ, không muốn đi cho đến khi có máy. Quan điểm bệnh viện không ép, không giữ bệnh nhân. Bây giờ chúng tôi đã hợp đồng liên kết được với Bệnh viện C nên cơ bản cũng đã giải quyết, còn vấn đề về bảo hiểm thì giữa 2 bệnh viện thanh toán với nhau”. (Bác sĩ Nguyễn Hồng Long - Phó Giám đốc, Trưởng khoa xạ trị Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) |
Bác sĩ Nguyễn Út - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cho biết, máy xạ trị hư do lỗi của máy chủ. Hiện bệnh viện đã liên hệ với hãng cử kỹ sư trong và ngoài nước đến khảo sát tìm nguyên nhân khắc phục. “Vừa rồi, kỹ sư nước ngoài cũng đã đến xác định được lỗi và bây giờ đang tiến vào giai đoạn sửa chữa (chi phí ước 3 tỷ đồng), dự kiến khoảng 1 tuần nữa sẽ xong” - bác sĩ Út thông tin. Cũng theo bác sĩ Út, máy xạ trị bệnh viện đang sử dụng hiệu Varian nhập từ Mỹ vào năm 2013. Đến nay, máy đã hoạt động 5 năm với 40.334 ngày điều trị, tổng số trường chiếu là 122.791 lượt. “Khi máy có sự cố chúng tôi cũng đề ra nhiều giải pháp để việc điều trị bệnh nhân khỏi trở ngại. Đặc biệt, chúng tôi cũng đã hợp đồng, liên kết, phối hợp với Trung tâm Ung bướu của Bệnh viện C để đưa bệnh nhân xuống tiếp tục chữa trị. Theo đó, nếu bệnh nhân có chỉ định xạ thì Bệnh viện Ung bướu sẽ cho xe, bác sĩ xạ trị và kỹ thuật phóng xạ đi theo đến Trung tâm Ung bướu phối hợp với bác sĩ tại đây lập kế hoạch xạ trị xong sẽ chở về, như vậy vẫn đảm bảo được hướng giải quyết tốt trong khi chờ đợi máy xử lý xong” - bác sĩ Út nói. Tuy vậy, việc chuyển bệnh nhân xuống xạ trị tại Bệnh viện C mới chỉ diễn ra từ sáng 17.8, còn trước đó hầu như không có.
Giải thích điều này, theo bác sĩ Nguyễn Hồng Long - Phó Giám đốc, Trưởng khoa xạ trị Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, hiện bệnh viện có hơn 70 bệnh nhân xạ trị trong tổng số hơn 700 bệnh nhân đang điều trị ung thư nơi đây. Trong đó, 40% bệnh nhân đến từ Quảng Nam. Việc chậm chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện C phụ thuộc nhiều yếu tố, do liên quan đến tuyến cũng như thanh toán bảo hiểm nên phải thương thảo giữa 2 bệnh viện, chưa kể việc ăn ở của bệnh nhân và người nhà, vì tại Bệnh viện Ung bướu bệnh nhân có chỗ lưu trú, ăn 3 bữa miễn phí… “Hơn 3 tuần qua chúng tôi phải chờ người sửa chữa nên thời gian cứ kéo dài. Tuy nhiên, tôi cam kết việc ngưng xạ trị trong thời gian ngắn không ảnh hưởng đến tình trạng bệnh. Vì nguyên tắc trong xạ trị có thời gian gọi là thời gian suy giảm của tia phóng xạ. Thay vì điều trị 30 tia chẳng hạn thì bây giờ nếu nghỉ 3 tuần sẽ phải tăng liều lên để đạt được điều trị chuẩn trong khối u. Nên mới có trường hợp chúng ta phải dừng với những bệnh nhân vô tia mà sức khỏe không chịu đựng được thì người ta chỉ tia và cho nghỉ 2 - 3 tuần, sau đó mới tia tiếp và tăng số tia lên. Vấn đề ngưng rồi làm tiếp cũng không ảnh hưởng gì cả, với điều kiện sức khỏe bệnh nhân cho phép” - bác sĩ Long phân tích.
VĨNH LỘC