Bệnh xa dân

C.B.L 21/11/2018 02:23

Cái chuyện định chế của Luật Tiếp công dân, sáng nay râm ran chốn cà phê vỉa hè. Chung quy cũng từ con số thống kê được Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra trong báo cáo Quốc hội về kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Theo Luật Tiếp công dân, chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày/tháng. Thế nhưng, định chế này không được người đứng đầu rất nhiều địa phương tuân thủ (và tất nhiên, cũng chưa thấy áp dụng xử phạt nào liên quan).

Quảng Nam là tỉnh có tỷ lệ tiếp công dân cao. Tuy nhiên cũng như nhiều địa phương trên cả nước, ở Quảng Nam việc ủy quyền cho cấp phó tiếp công dân vẫn chiếm tỷ lệ tới 70%.

Khi chủ tịch một số tỉnh bị nêu đích danh không tiếp công dân lần nào (trong 1 năm của kỳ báo cáo) thì ngay sau đó lại thấy có vị xoay xở hình ảnh trên các báo, kêu lên rằng “tôi đang tiếp dân, căng thẳng lắm”. Phần lớn trong số đó đều thanh minh, biện bạch: báo cáo của Ban Dân nguyện có sai sót, chưa chính xác. Chưa thấy phản hồi trở lại từ Ban Dân nguyện về những căn cứ thống kê nhưng ngẫm khá buồn cười vì có lẽ nếu ông nói qua – bà nói lại kiểu này thì đến bao giờ mới xong. Dân ở đó họ biết hết, cứ hỏi dân mà xem.

Tôi đồ rằng, năm sau, vẫn còn tình trạng này, dù sẽ có cải thiện ít nhiều, không đến nỗi “trắng hoàn toàn việc tiếp dân”, nhưng điều quan trọng là ở những buổi tiếp đó, giải quyết được gì cho dân kia. Hay chỉ để khỏi bị nêu tên, người ta hình thức, cơ học kiểu đếm… buổi báo cáo.

Tuần rồi, ngày nào cũng thấy đài báo đưa tin: “Lãnh đạo tỉnh/trung ương dự ngày hội đại đoàn kết”. Ông chi bộ khối phố đọc báo rồi cằn nhằn, sao không đưa “lãnh đạo THAM GIA ngày hội đại đoàn kết với bà con mà lúc nào cũng DỰ, nghe khách sáo quá”. Ông chỉ nói vậy rồi thôi, không bàn thêm.

Chuyện không tiếp dân, há chẳng phải xa dân rồi còn gì. Mà chuyện khách sáo, cũng là cái lối xa lạ nhau đó thôi. Những người như ông bí thư chi bộ khối phố kia, có lẽ thấm nhuần lời răn của Bác Hồ, nói về bệnh xa dân: “Biểu hiện của nó là xem khinh việc dân vận, gặp dân chúng thì không điều tra, không hỏi han, không tuyên truyền, không giải thích. Xem như dân chúng không có quan hệ gì với mình. Thấy những việc có hại đến dân chúng cũng mặc kệ, không khuyên răn, không ngăn cản, không giải thích”.

Liệu trong “bản kiểm điểm” cuối năm, có lãnh đạo tỉnh nào tự nhận việc không tiếp dân trong phần hạn chế của mình; rồi đưa ra phương hướng khắc phục khuyết điểm để dân nhờ? Hay, có lãnh đạo tỉnh nào giật mình với cách đặt vấn đề của một vị trong Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (về việc lãnh đạo TP.Hồ Chí Minh không tham gia cuộc đối thoại nào tại tòa đối với 260 vụ án hành chính trong vòng 3 năm): “Tại sao những hoạt động mang tính phong trào, khởi công, động thổ, những hoạt động khác lãnh đạo vẫn đi dự được; còn tham gia đối thoại trong các vụ án hành chính thì không được?”…

C.B.L

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bệnh xa dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO