Đâu chỉ có những mộng mơ về viễn cảnh xán lạn bên con sông thơ mộng. Đất và người đã cộng sinh cùng dòng Cổ Cò cũng thấm thía bao gieo neo về con sông không chảy này. Càng trắc trở hơn trong cuộc khơi dòng khi cơn dịch giã vẫn đang quay cuồng chưa hẹn ngày chấm dứt…
Ngày xưa qua rồi, ngày mai xa lắc
Trên đoạn sông Cổ Cò, lục bình đóng thành từng mảng đè lên con nước. Trên bờ, mấy chòi canh, quán nước nằm im lìm. Bà Sửu - chủ một quán cơm “cóc” (phường Điện Dương, Điện Bàn) chia sẻ: “Mấy hôm nay quán chỉ bán chưa đến chục suất cơm cho công nhân mang đi ăn. Dịch nên công trình họ phải tạm nghỉ gần hết. Bình thường mỗi ngày bán cũng được dăm bảy chục phần cơm, đủ trang trải cuộc sống qua ngày”.
Khoảng nửa năm rồi, khi dự án khu nghỉ dưỡng trú đông thi công rầm rộ thì không chỉ bà Sửu mà còn nhiều hộ khác “nương” theo công trình để tìm sinh kế. Người bán cơm, người bán nước, cho thuê trọ… mang lại cho họ - những người trung niên một khoản thu nhập không dễ gì có được khi ruộng đất gần như giải tỏa hết. Trên địa bàn phường Điện Dương, có khoảng hơn chục dự án đang triển khai như thế, kéo theo các loại dịch vụ nở rộ. Nhưng khi công trình xây xong, có lẽ họ sẽ lại chật vật với guồng quay sinh kế.
Chẳng riêng người lớn tuổi, với nhiều người trẻ làm du lịch ở vùng đông Điện Bàn bây giờ, có một công việc thời vụ tại các xí nghiệp qua ngày đã là may hơn nhiều người, bởi ngành du lịch đã đứng khựng hơn một năm rưỡi nay. Theo thống kê, trong số 14.000 lao động du lịch mất việc làm, giảm lương trên địa bàn tỉnh có khoáng 15% ở Điện Bàn. “Khó thì khó cả năm nay rồi, ai cũng bí chứ riêng chi ai. Dù gì cũng chưa đến nỗi như cái thời “sáng chào cờ, tối hoan hô” hay “ba xoa, một đập” ở xứ này mấy chục năm trước” - một ông lão trạc bảy mươi tuổi đang chăn bò bên cánh ruộng hoang nói bâng quơ.
Thấy chúng tôi xem chừng ngây ra, ông lão cười phá lên cắt nghĩa: “Có gì khó hiểu đâu, ở xứ ni hồi đó sáng bước ra nắng đã phả chói chang muốn thấy cái gì phía xa xa thì phải giơ tay che trán lại như chào cờ, tối đến thì muỗi vo ve cả bầy cứ đập tay liên tục người ta tưởng đâu hoan hô. Còn “ba xoa, một đập”, ý là hồi đó, người làm ruộng ngày mô cũng phải tưới nước, mà đâu có dép, phải đi chân không thành ra có rửa mấy thì vào nhà cũng còn cát dính lấm lem. Rứa là xoa, phủi, đập chân liên tục tới lúc đi ngủ cũng không hết cát”.
Cũng có một thủa, ngay khu vực này, người bán kẻ mua dập dìu ra vô chợ Cầu đến mức điểm chợ này được điền tên vào chuỗi giao thương dân gian truyền miệng một thời “Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu/ Mua cau Bất Nhị, mua trầu Hội An…”.
Nhưng xem ra, cái thời đó đã xa lắc, nó trôi theo đận nâng cấp vị thế của hai đô thị Hội An - Đà Nẵng. Từ bãi ruộng hoang đã gần chục năm nay, thi thoảng chỉ có đàn bò thủng thẳng gặm cỏ, trông qua bên kia sông, xa xa tầm mắt là những tòa cao ốc, khách sạn vời vợi mọc lên san sát nhau ở khu vực nam Đà Nẵng.
Qua sông, đợi cầu
Men theo triền sông, rất khó để tìm được một góc thông thoáng để vãn cảnh bởi những vị trí đẹp đã có dự án “xí chỗ”. Nào khu nghỉ dưỡng, nào khu đô thị với những cái tên rất nên thơ. Chỗ chúng tôi tản bộ, có khi là nơi hơn trăm năm trước tuyến đường ray xe lửa Đà Nẵng - Hội An chạy ngang qua.
Cũng mấy năm rồi, chính quyền rục rịch kêu gọi đầu tư ODA hay PPP cho tuyến tàu điện giữa hai thành phố này với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Nhưng vẫn chỉ là ý tưởng trên giấy biết đến bao giờ sẽ thành hiện thực?! Đó là câu chuyện vĩ mô, còn người dân ở đây cũng chẳng mơ mộng chi chuyện tàu điện, xe lửa. Với họ có cây cầu thông thoáng qua lại hàng ngày đã là thỏa nguyện lắm rồi.
Chếch phía bờ sông, nơi chúng tôi đang đứng là cầu Nghĩa Tự. Tính ra, cầu Nghĩa Tự cũng đã lên đời mấy bận. Từ cầu tre, đến ván gỗ đến bê tông cốt thép. Nhưng rồi nó cũng nhanh chóng lỗi thời so với tốc độ phát triển giao thông vùng này. Ô tô bên này qua, thì bên kia phải tấp vô lề đợi. Mỗi giờ tan trường cấp hai ngay bên cạnh, học sinh túa ra là kẹt cứng. Rồi xe ben, xe khách các loại lướt vù vù.
Chủ đầu tư đã thông báo khởi công dự án cầu Nghĩa Tự đã tròn một năm (ngày 30.7.2020), nhưng đến nay mọi thứ vẫn như cũ. Nguyên nhân lùng bùng vẫn xoay quanh chuyện chưa giải tỏa mặt bằng được. Người dân thì dùng dằng chờ phương án bồi thường tương xứng còn chính quyền địa phương thì cạn quỹ đất tái định cư dự trữ. Cầu mới chưa rục rịch, người dân mỗi đận đi về cứ thế thấp thỏm cho mình, cho con em mình.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh từng chia sẻ về khát khao của Quảng Nam trong việc xây dựng 12 cây cầu bắc qua sông Cổ Cò không chỉ phục vụ giao thông mà còn đón đầu du lịch, thiết lập biểu tượng riêng biệt cho dòng sông vang bóng một thời. Đến nay, chỉ mới có cầu Đế Võng đã hoàn thành giúp kết nối thông suốt tuyến đường 129 ven biển, giảm tải lượng xe tải trọng lớn ra vào nội thị Hội An. Cạnh đó không xa, người dân phường Cửa Đại vẫn mòn mỏi chờ cầu Phước Trạch được đầu tư mới để thôi cảnh chen chúc nhau giờ cao điểm.
Trong buổi tiếp xúc cử tri cách đây chưa lâu, một cử tri đã chia sẻ nửa đùa nửa thật với lãnh đạo tỉnh đại ý: “Nếu dự án ì ạch lâu quá thì có nên nghiên cứu phương án bảo tồn cây cầu này thành cầu di sản chỉ để phục vụ du lịch luôn không?”. Được biết, về dự án nâng cấp cầu Phước Trạch, trước đây tỉnh đã duyệt 20 tỷ đồng hỗ trợ TP.Hội An triển khai công trình, tuy nhiên vì số vốn dự kiến lớn, vượt quá năng lực tài chính của địa phương nên Hội An đành… trả lại tiền cho tỉnh.
Cần gạn lọc giá trị lịch sử
Dự án nạo vét, khơi thông sông Cổ Cò thêm một lần nữa lỗi hẹn vào năm ngoái dù lãnh đạo của Quảng Nam và Đà Nẵng đã hạ quyết tâm khớp nối, thông luồng toàn tuyến trước tháng 9.2020 để chào mừng Đại hội Đảng bộ hai địa phương. Cột mốc mới được gợi ý trong một cuộc họp giữa hai bên để hoàn thiện dự án này là phải xong trước năm 2025 nhằm chào mừng Đại hội Đảng bộ lần thứ XXIII của tỉnh. Lời thì thầm “chảy đi sông ơi” của cư dân hai bên bờ nghe chừng vẫn còn ê a dài dài…
Tại buổi làm việc góp ý điều chỉnh đồ án quy hoạch chung thị xã Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045 diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết: “Khu vực ven biển Điện Bàn và ven sông Cổ Cò sẽ hình thành một công viên chuyên đề với tổng chiều dài gần 2km gắn với hoạt động thương mại - dịch vụ sầm uất. Đây chính là điểm khác biệt trong việc quy hoạch phát triển không gian cho khu vực ven biển, ven sông để thu hút du khách ghé thăm, sử dụng các dịch vụ”.
Đồ án quy hoạch thiết kế cảnh quan ven sông Cổ Cò đã có với mục tiêu kiến tạo dòng sông này trở thành một trong những tuyến sông đẹp nhất nước ta. Nhưng ngoái lên trên bờ, nhìn xuống dưới nước e là vẫn còn nhiều nghi ngại. Các khu đô thị “da beo”, những “lô”, “nền” thiếu trên, hụt dưới rao bán vô tội vạ rồi xâm nhập mặn vẫn thường trực qua từng mùa hạn.
GS-TS. Trần Đình Hòa - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam cho hay: “Chế độ thủy văn, dòng chảy mùa lũ, xâm nhập mặn, bùn cát, xói lở, bồi lắng của sông Cổ Cò có sự tương đồng nhất định với lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Tuy nhiên, do con sông này chảy dọc bờ biển nên khả năng bồi lấp trở lại cả mùa khô lẫn mùa mưa là rất lớn. Bởi lẽ, chế độ dòng chảy trong năm không tạo được vận tốc khởi động để đẩy bùn cát di chuyển về cửa sông. Nếu việc nạo vét, khơi thông lòng dẫn không được tính toán, đánh giá một cách khoa học, đầy đủ về vấn đề thủy động lực học sẽ tạo ra nhiều hệ lụy sau này”.
Ngẫm lại, ký ức rời rạc nơi chợ Cầu chỉ còn trong bia di tích, “học tràng” xưa của cụ Lê Tấn Toán mà chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu từng ngược dòng tầm sư nép mình dòng Cổ Cò cũng không còn nữa. Những danh xưng xứ sở mộc mạc như Hà My, Hà Gia dần được sắp đặt trong danh xưng của những khu đô thị, khu du lịch để thu hút khách hàng. Còn lại những phận người lam lũ, ở đó, mãi ngoái về phía sông…