Từ nhu cầu thực tiễn của người bệnh, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tây Giang đã vận động xây dựng bếp ăn dinh dưỡng cho người nhà và bệnh nhân tại địa phương.
Khác với những đợt điều trị bệnh trước, mới đây khi đến nhập viện tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, cụ Bh’ling Nguyên (88 tuổi, ở thôn Đhung, xã Ch’Ơm) không còn lo đến việc ăn uống, sinh hoạt. Bởi, đều đặn 3 bữa trong ngày, cụ Nguyên luôn được hỗ trợ miễn phí các suất ăn dinh dưỡng, phù hợp với khẩu phần của mình. Cụ chia sẻ, không chỉ được lo ăn uống chu đáo, các bệnh nhân còn được bác sĩ thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe tận tâm khiến ai cũng cảm thấy vui, ấm lòng. “Mấy năm trước, già đến chữa bệnh đều phải mua cơm ăn ở ngoài, vừa tốn tiền, vừa không đảm bảo vệ sinh. Nay có nhà ăn miễn phí cho bệnh nhân nên rất tiện lợi. Thức ăn ở đây vừa ngon, lại có nhiều món tự chọn, phù hợp với sở thích của mỗi người giúp nhiều bệnh nhân yên tâm chữa trị. Vì thế, mai mốt khi ra viện, già sẽ tuyên truyền đồng bào đến khám, chữa bệnh tại trung tâm để được chăm sóc một cách tốt nhất” - cụ Nguyên bộc bạch.
Không chỉ cụ Nguyên, nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cũng bày tỏ niềm vui và biết ơn các y, bác sĩ khi lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh tại đây. Ai cũng khen ngợi đội ngũ y, bác sĩ của trung tâm vừa giỏi tay nghề, lại tận tâm với người bệnh, giúp họ xua đi cảm giác trống vắng, đau đớn. Chưa kể, giường bệnh đủ đầy chăn ga, gối nệm; dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại; chỗ ăn nghỉ sạch sẽ, thoáng mát và có cả khu vui chơi dành riêng cho trẻ con bệnh nhân và người nhà bệnh nhân;… khiến nhu cầu tìm đến thăm khám, chữa trị bệnh của đồng bào vùng cao ngày một đông đúc hơn. Ngoài bệnh nhân địa phương, bếp ăn này cũng miễn phí toàn bộ cho bệnh nhân đến từ các cụm bản giáp ranh của huyện Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào).
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang, sau nhiều năm ấp ủ và vận động nguồn kinh phí, bếp ăn cho bệnh nhân vùng cao mới được đưa vào sử dụng, phục vụ hàng trăm bệnh nhân miền núi. Theo đó, bếp ăn này có quy mô phục vụ hơn 120 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang điều trị tại trung tâm, với không gian rộng thoáng, sạch sẽ. Toàn bộ chi phí thực hiện bếp ăn được trích từ kinh phí hỗ trợ theo Quyết định 2151/QĐ-UBND của UBND tỉnh với mức 41.700 đồng/người/ngày và nguồn vận động chung tay, góp sức từ các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện, thông qua chương trình “Bát cháo tình thương”, “Bữa ăn cho bệnh nhân nghèo”… Cũng theo bác sĩ Thông, trước đây, mỗi khi xuống trung tâm y tế để khám bệnh, việc chăm lo ăn uống tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại trở nên khó khăn, nhất là đối với bệnh nhân nghèo, neo đơn. Trong khi đó, do kinh phí hạn hẹp nên nhu cầu ăn uống của người bệnh luôn thất thường, ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh. “Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đó, cộng với mong muốn tạo thêm thuận lợi cho người bệnh, nhất là người bệnh nghèo ở các xã biên giới, không có người thân chăm sóc, chúng tôi đã triển khai bếp ăn đảm bảo phù hợp với khẩu phần ăn của từng người bệnh theo phác đồ điều trị bệnh. Ngoài khẩu phần ăn, bếp ăn này còn phục vụ nước uống, nước sôi đổ phích miễn phí cho bệnh nhân lưu trú” - bác sĩ Thông nói.
ALĂNG NGƯỚC