Bếp ăn của thế giới

NGUYỄN ĐIỆN NAM 05/08/2018 03:09

Ước vọng Việt Nam trở thành “bếp ăn của thế giới” là câu chuyện vừa được nhắc lại trong Hội nghị toàn quốc về thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mới đây.

Làm sao để ước vọng đó thành hiện thực? Điều đã cũ nhưng luôn mới là phải  đánh thức tiềm năng, biến tiềm năng thành giá trị thông qua sản xuất, chế biến và phân phối trên thị trường rộng lớn.

Bài học từ hạt gạo minh chứng rằng nếu biết đánh thức tiềm năng đúng cách, thì từ một nước đói lương thực phải nhập bo bo về ăn, Việt Nam đã vươn lên hàng đầu về xuất khẩu gạo. Và bên cạnh gạo, còn có cà phê, hạt tiêu, hạt điều, sắn, rau quả, tôm, cá tra, cao su, gỗ và sản phẩm từ gỗ; thuộc nhóm 10 mặt hàng mỗi năm xuất khẩu đạt từ 1 tỷ USD trở lên. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đứng thứ hai Đông Nam Á và đứng thứ 13 thế giới, với tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản giai đoạn 2013 - 2017 đạt khoảng 157 tỷ USD, riêng 6 tháng đầu năm 2018 đạt gần 19,5 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy đã có bước đi dài như vậy, nhưng theo nhận định của nhiều chuyên gia thì nông nghiệp Việt Nam phát triển chưa xứng tiềm năng. Nguyên nhân thì nhiều, trong đó 3 điều cốt lõi là: chuỗi giá trị nông nghiệp đang phân tán, rời rạc; đầu tư nước ngoài trong nông nghiệp chiếm tỷ trọng nhỏ; giá trị đầu tư vào toàn nông nghiệp cũng còn hạn chế. Đặc biệt, đầu tư vào nông nghiệp tính đến nay có khoảng 49.600 doanh nghiệp, chỉ chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp cả nước. Muốn làm “bếp ăn của thế giới” mà doanh nghiệp đầu tư còn ít ỏi như vậy thì  rất khó. Muốn doanh nghiệp tham gia nhiều hơn thì phải sớm có bộ chính sách cho cả chuỗi giá trị sản phẩm trọn gói từ trang trại đến bàn ăn và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học cho một nền nông nghiệp sạch, an toàn với những “cánh đồng thông minh”. Khuyến nghị của các doanh nghiệp là nhà nước phải nhanh chóng cắt giảm 40 - 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nông nghiệp so với hiện tại; rà soát, tránh chồng chéo trong quản lý, kiểm tra không để tình trạng một mặt hàng chịu sự quản lý của quá nhiều đơn vị; có giải pháp tạo quỹ đất, xây dựng thí điểm các mô hình tích tụ tập trung đất đai cho nông nghiệp đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước – nông dân và các doanh nghiệp; thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và kinh doanh trong nông nghiệp như giống cây trồng, bảo quản, chế biến sau thu hoạch, chuỗi thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc…

Thực ra, nói “bếp ăn của thế giới” mà gắn với cả nền nông nghiệp là kỳ vọng rất lớn. Tầm mức vừa phải và khởi phát của chuyện làm “bếp ăn của thế giới” là từ gợi ý của chuyên gia marketing Philip Kohler về chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia liên quan đến nền ẩm thực gắn với du lịch Việt Nam. Với lợi thế của một nền nông nghiệp có các mặt hàng xuất khẩu đứng đầu thế giới như gạo, tôm, cua, cá, tiêu, điều, cà phê… cùng nguồn nguyên liệu đặc trưng phong phú từ biển lên rừng, từ vùng khí hậu nhiệt đới tới ôn đới, người Việt đã chế biến rất nhiều món ăn thiên về tự nhiên, gần gũi thiên nhiên, giàu dinh dưỡng mà phù hợp với xu thế hạn chế chất béo của ẩm thực hiện đại. Văn hóa ẩm thực Việt có  giá trị chuyên chở lịch sử từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, đậm chất thuần Việt với cách chế biến đa dạng, phong phú. Nếu từ trang trại đến bàn ăn, đảm bảo nông sản thực phẩm cung cấp cho khoảng 300.000 quán ăn trên cả nước; khoảng 20.000 nhà hàng Việt tại nhiều quốc gia trên thế giới, thì đã tạo bước đột phá tác động trở lại cho phát triển nông nghiệp. Bên cạnh đó, nông nghiệp gắn với du lịch cũng là hướng đi nhiều triển vọng, không chỉ đem lại cơ hội cho các sản phẩm như chương trình OCOP mà còn phục vụ khâu ăn uống, dịch vụ (hiện chiếm 70% doanh thu của ngành du lịch). Dĩ nhiên sản phẩm nông nghiệp cung ứng cho du lịch cũng như nhiều ngành khác đều phải đảm bảo tiêu chí đầu tiên là an toàn và sạch. Nói như một chuyên gia, Việt Nam muốn làm một bếp ăn tử tế của thế giới thì trước hết hãy làm bếp ăn tử tế cho người Việt. Hiện nay, dù được thế giới ghi nhận về sự tinh túy, tính đa dạng cũng như nét độc đáo của nền ẩm thực nhưng chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong nguồn nguyên liệu Việt là đáng báo động, rất khó kiểm soát thực phẩm bẩn, gây mất lòng tin.

Nhớ câu ca của người xưa liên quan đến cái bếp, rằng : “Xung quanh xoong chảo đen sì/ nước sôi sùng sục lấy gì vinh quang”. Bây giờ đã khác rồi, thực tế có thể đem vinh quang cho người Việt qua cái bếp, nếu biết cách mang về nông sản thực phẩm “ngon, bổ, rẻ” từ sản xuất và chế biến.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bếp ăn của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO