Bếp ăn tình thương của phụ nữ Đông Lâm

NGUYỄN THỊ TUYẾT 11/09/2018 04:47

Ở xã Đại Quang, Đại Lộc, Chi hội phụ nữ thôn Đông Lâm đã có những hành động thiết thực để học tập và làm theo gương Bác Hồ, với mô hình “Bếp ăn tình thương”.

Hội viên phụ nữ thôn Đông Lâm trao suất ăn tận tay người bệnh. Ảnh: NGUYỄN THỊ TUYẾT
Hội viên phụ nữ thôn Đông Lâm trao suất ăn tận tay người bệnh. Ảnh: NGUYỄN THỊ TUYẾT

Chi hội phụ nữ thôn Đông Lâm có hơn 300 hội viên. Từ nhiều năm nay, chi hội luôn vận động chị em hội viên luôn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Ý tưởng “Bếp ăn tình thương” của Chi hội phụ nữ thôn Đông Lâm được nhen nhóm từ năm 2015, khi các chị chứng kiến những khó khăn của nhiều bệnh nhân nghèo ở Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số. Có những bệnh nhân khi điều trị dài ngày ở bệnh viện không còn đủ tiền để mua hộp cơm.

Trăn trở trước những hoàn cảnh đó, một số chị em nêu ý tưởng xây dựng mô hình “Bếp ăn tình thương” để phát cơm, cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo, già cả neo đơn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam. Ý kiến được nêu ra tại buổi sinh hoạt của chi hội, hầu hết chị em tán thành. Ban đầu cái khó là kinh phí ở đâu để mua thực phẩm, nấu cơm, cháo cho những bữa cơm tình thương. Bởi vì cuộc sống của chị em phụ nữ thôn Đông Lâm vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm của mình, mọi người quyết thực hiện bằng được ý tưởng. Người góp công, người góp của, lúc đầu chỉ thực hiện được mỗi đợt hơn chục hộp cơm tặng những bệnh nhân người dân tộc thiểu số. Dần dần, các chị vận động thêm những chi hội khác ở địa phương, các mạnh thường quân, rồi anh em họ hàng cùng chung tay góp sức. Hiện nay, đều đặn mỗi tháng Chi hội phụ nữ Đông Lâm phát 400 suất cơm, cháo từ thiện cho các bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam.

Chị Châu Thị Xuân - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Đông Lâm tâm sự: “Nhìn những bệnh nhân ở đây, chúng tôi thấy thương họ vô cùng vì chỉ muốn san sẻ bớt một phần khó khăn để họ yên tâm dưỡng bệnh. Mô hình này triển khai cũng không khó khăn lắm đâu, chỉ là có chịu làm hay không thôi, và phải ít nói làm nhiều, thật sự lo nghĩ cho người khác bằng cái tâm trong sáng”. Để chương trình cấp phát cơm cháo hàng tháng được chu đáo, hội viên phụ nữ thôn Đông Lâm phân chia cụ thể mỗi người một việc. Có chị lo vận động kinh phí, có chị lo mua thực phẩm và một số chị lo chế biến, nấu nướng, vận chuyển cơm cháo đến bệnh viện. Con đường hơn 5km từ thôn Đông Lâm xã Đại Quang đến Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam dường như được rút ngắn hơn bởi tấm lòng nhân ái của chị em phụ nữ.

Mỗi chiều 22 âm lịch hàng tháng, tại nhà cấp dưỡng Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, chúng tôi lại bắt gặp những nụ cười hiền hậu của thành viên Chi hội phụ nữ thôn Đông Lâm khi trao những hộp thức ăn dành tặng bệnh nhân nghèo. Những bàn tay thoăn thoắt trao từng hộp cơm, múc từng muỗng cháo của các chị kèm theo những lời động viên, ân cần chia sẻ đã mang lại hơi ấm cho mỗi người bệnh để họ vơi bớt đi những nỗi đau bệnh tật, những bộn bề lo toan. Chị Nguyễn Thị Mai - một bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện nói: “Bệnh nhân nghèo như chúng tôi rất biết ơn tấm lòng của các chị phụ nữ thôn Đông Lâm, xã Đại Quang. Hộp cơm không chỉ no bụng mà còn là nguồn động viên tinh thần để chúng tôi cố gắng chiến thắng bệnh tật”.

Nhận xét về việc làm đầy ý nghĩa và thiết thực của Chi hội phụ nữ thôn Đông Lâm, ông Mai Anh Sơn - Bí thư Đảng ủy xã Đại Quang nói: “Chúng tôi luôn ủng hộ mô hình “Bếp ăn tình thương” của chị em phụ nữ thôn Đông Lâm. Đây cũng là việc làm hay, sáng tạo trong thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Không chỉ thực hiện tốt mô hình “Bếp ăn tình thương”, chi hội phụ nữ thôn Đông Lâm cũng là đơn vị luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương. Chi hội đã đứng ra vay vốn tín chấp của Ngân hàng Chính sách xã hội, xây dựng tổ góp vốn quay vòng để giúp đỡ hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Hiện tại Tổ tiết kiệm và vay vốn của Chi hội phụ nữ Đông Lâm đã có dư nợ hơn 1,1 tỷ đồng, hoạt động hiệu quả với 59 thành viên trong tổ. Đã có nhiều gia đình thoát nghèo từ sự quan tâm hỗ trợ của chi hội, cá biệt có hộ vươn lên làm giàu như trường hợp chị Phạm Thị Minh Nhật. Từ một hộ nghèo khó, qua nguồn vốn vay và sự giúp đỡ của chi hội, chị Nhật đã đầu tư chăn nuôi heo và đến nay cơ sở chăn nuôi của chị có hơn 100 heo thịt, 5 heo giống; chị còn nuôi hơn 10 con dê sinh sản…

Có lẽ tấm lòng nhân ái, bao dung, biết sẻ chia, đùm bọc mọi người đã tạo động lực để những người phụ nữ nhỏ bé, lam lũ ở vùng quê nghèo xã Đại Quang, làm được việc hết sức ý nghĩa đó. Hy vọng rằng, ngọn lửa từ “Bếp ăn tình thương” của hội viên phụ nữ thôn Đông Lâm sẽ có sức lan tỏa để có thêm nhiều ngọn lửa mang hơi ấm đến cho bệnh nhân nghèo.

NGUYỄN THỊ TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bếp ăn tình thương của phụ nữ Đông Lâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO