Bếp củi không khói

ĐÔNG DƯƠNG 29/01/2016 09:49

Không chỉ giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường và nguy cơ tai nạn cháy nổ, mô hình “bếp củi không khói” đang giúp các hộ dân ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức) khắc phục được tình trạng khan hiếm chất đốt.

Chị Võ Thị Giang Như - Chủ tịch Hội LHPN xã Quế Lưu cho biết, là địa phương miền núi với hơn 90% dân số thuộc diện hộ nghèo, có đến 70% số hộ dân sử dụng bếp củi. Do vậy, lượng khí thải ra ngoài do bếp củi rất cao, gây ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe con người và nguy cơ cháy nổ. Đó là chưa nói đến việc khai thác củi, gỗ làm nguyên liệu tác động xấu đến môi trường sinh thái. Từ thực tế đó, đầu năm 2015, chị Như đã suy nghĩ và phát minh ra sáng kiến “bếp củi không khói”, giúp người dân địa phương thuận lợi hơn trong việc sử dụng bếp lò thủ công tại chỗ, phục vụ cuộc sống.

Ban đầu, mô hình này được chính quyền địa phương triển khai thí điểm ở 5 hộ dân thuộc các thôn trên địa bàn. Sau đó nhân rộng dần và đến nay có hơn 50 hộ sử dụng, đem lại hiệu quả thiết thực. “Vật liệu xây dựng rất đơn giản, chỉ cần một ít xi măng, vôi cát, gạch vỡ, gạch thừa hoặc đất sét là có thể thực hiện được. Rất tiện lợi cho người dân địa phương miền núi vốn còn nhiều khó khăn như Quế Lưu” - chị Như cho biết thêm.

Mô hình “bếp củi không khói” đang được ứng dụng hiệu quả tại Quế Lưu. Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG
Mô hình “bếp củi không khói” đang được ứng dụng hiệu quả tại Quế Lưu. Ảnh: ĐÔNG DƯƠNG
“Bếp củi không khói” là loại bếp lò có ống dẫn khói ra ngoài, giúp đảm bảo sức khỏe cho người sử dụng. Đây là mô hình kín, vừa tránh tác động của gió, tiết kiệm thời gian đun nấu so với bếp kiềng 30 - 35%, vừa giảm tiêu hao đến 50% nhiên liệu. Ngoài ra, nhờ hệ thống khép kín, cây củi bao bọc trong hệ thống lò, nên tránh được nguy cơ hỏa hoạn.

Không quá rườm rà, tốn kém, mô hình “bếp củi không khói” rất phù hợp và dễ dàng áp dụng cho người dân địa phương miền núi, đảm bảo tính năng hoạt động. Để có một “bếp củi không khói”, mỗi gia đình chỉ cần chọn nơi thích hợp để đặt bếp, sau đó có thể xây một lớp gạch làm bệ, rồi tiến hành xây 2 hoặc 3 buồng đốt chính tùy theo nhu cầu và ngăn tận dụng đảm bảo với kích cỡ nồi, xoong mà gia đình có. Tiếp đến, mỗi bếp đặt 2 thanh ghi, sao cho phù hợp với kiến trúc nhà của mỗi hộ. Ngoài ra, mặt trước của buồng bếp được thiết kế thêm buồng tiếp nhiên liệu ứng với mỗi buồng đốt, hai bên sườn bếp là nơi lấy tro ra và tất cả buồng bếp đều có một đường dẫn khói chung đến một ống để ra ngoài. Bà Đỗ Thị Đào (trú tổ 5, thôn 2, xã Quế Lưu) chia sẻ, kể từ khi mô hình “bếp củi không khói” được triển khai sử dụng, hầu hết xoong nồi không còn bị dính lọ. Trong khi đó, khói bếp đều được đẩy ra ngoài nên không gây đen tường nhà, cộng thêm lửa tập trung mạnh nên đun nấu rất nhanh chín, ít tốn củi.

Bà Nguyễn Phương Hoài Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Hiệp Đức nhận xét: “Mô hình “bếp củi không khói” là một sáng kiến rất hay, giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường, giúp cải thiện tình trạng sức khỏe của người dân, đặt biệt là chị em phụ nữ. Hơn nữa, sáng kiến này góp phần vào việc thực hiện tốt cuộc vận động “5 không 3 có”, tác động tích cực trong việc xây dựng nông thôn mới, cần duy trì nhân rộng và phát huy hơn nữa ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện”. Cùng với việc đảm bảo tính năng hoạt động hiệu quả, mô hình “bếp củi không khói” của Hội LHPN xã Quế Lưu còn góp phần giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân, chung tay bảo vệ môi trường xanh - sạch - đẹp.

ĐÔNG DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bếp củi không khói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO