"Hằng năm cứ đến 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình mình “ngự” với Ngọc Hoàng. Cho đến đêm giao thừa, Táo quân mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc trông coi bếp lửa của mình. Tục lệ đó còn có mục đích răn bảo chúng ta hãy sống thuận hòa, yêu thương trong gia đình, tốt với đời. Cái bếp từ ngàn xưa đã trở thành hình tượng nhắc nhở các thành viên trong gia đình sống cho phải đạo, giữ gìn nền nếp, phép tắc, êm ấm trong gia đình. Chính vì vậy mà nhiều người dù đi đâu, làm gì vẫn muốn về nhà để cùng vào bếp, quay quần bên mâm cơm gia đình, để giữ bếp nhà luôn đỏ lửa, để không khí gia đình luôn nồng ấm, hạnh phúc. Cái bếp đã trở thành hình tượng của gia đình, của sự sum họp, đoàn viên.
Trải qua thời gian, câu chuyện về cái bếp cũng đáng để ta suy ngẫm….
Dù được dựng bởi 3 viên đá gạch, cái chân kiềng hay bếp lò thì cái bếp ngày xưa vẫn rất được ông bà, cha mẹ chúng ta trân trọng và chăm chút. Người Việt ta, trong lễ cúng nhà mới không thể thiếu cái bếp đang đỏ lửa. Khi dọn đến nhà mới, gia chủ đặt cái bếp đang đỏ lửa vào giữa nhà, bỏ muối vào tạo thành những tiếng nổ để xua đuổi điều xấu, cầu mong mọi điều an lành, gia đình êm ấm, hạnh phúc và khai bếp nấu nước trà để cúng trời, đất, tổ tiên, ông bà.
Cái bếp càng gắn bó gia đình chúng tôi hơn mỗi khi tết đến. Mẹ thì suốt ngày dọn dẹp, lau từng cái ly cái chén, quét dọn nhà bếp tinh tươm. Cứ đến chiều 22 tháng Chạp, mẹ chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời. Theo lời mẹ, vì rạng sáng ngày 23 ông Táo đã chầu trời nên phải cúng tối 22, nếu để sang 23 mới cáo lễ tiễn thì e rằng ông Táo sẽ không nhận được lễ vật của gia chủ.
Tết đến, nhà nào cũng nấu bánh chưng, bánh tét và cơm cúng. Nếu nồi nhỏ thì dùng bếp lò, chân kiềng; nồi lớn nấu trên bếp lớn được kê bởi 3 viên gạch, rồi các thành viên trong gia đình thay nhau canh lửa đến sáng. Những câu chuyện vui buồn, vài câu chuyện cổ được ông bà, cha mẹ kể bên bếp lửa hồng; rồi bàn dự định cho một năm mới. Chị em chúng tôi xúm xít thổi lửa, nói cười rôm rả. Mẹ còn dặn không được để bếp tắt lửa, nhất là vào tối giao thừa, bếp càng đỏ lửa thì sang năm mới gia đình mới làm ăn phát đạt, tình cảm ông bà, cha mẹ, vợ chồng mới nồng ấm.
Miền ký ức sâu thẳm ấy lại hiện về trong tôi vào mỗi dịp tết. Nhớ lắm những tiếng tí tách của củi khô, nghèn nghẹt mùi khói tỏa… Cái bếp củi đã gắn bó với đời sống người dân Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, song giờ đây chỉ còn hiện hữu ở những vùng nông thôn. Quê tôi cũng như nhiều vùng miền khác, hình ảnh các bếp than, bếp củi, bếp lò đang dần được thay thế bằng bếp gas, bếp điện để thuận tiện hơn trong việc nấu nướng và phù hợp với kiểu nhà đô thị. Không thể phủ nhận sự tiện ích của các loại bếp hiện đại, bởi vừa đảm bảo vệ sinh, tiết kiệm được thời gian và tính thẩm mỹ cao nhưng liệu rồi những giá trị văn hóa chung quanh “cái bếp củi” có phải vì hiện đại hóa mà đang dần mai một(?).
BÍCH UYÊN