Bếp Nhỏ có tên tuổi đàng hoàng như bao nhiêu con người khác nhưng vẫn muốn được mọi người gọi bằng cái tên thân mật Bếp Nhỏ. Ấy bởi vì Bếp Nhỏ rất mê anh bạn chuột Remy phiêu lưu từ Hoa Kỳ sang nước Pháp, đánh bạn với anh chàng đầu bếp Linguitini, trốn trong chiếc mũ cao nghệu của Linguitini và học cách nấu nướng được nhiều thức ăn ngon lành. Chuyện trong phim Ratatouille – Chú chuột đầu bếp của Walt Disney. Chú chuột lấy tên là Bếp Nhỏ làm anh bạn của chúng ta khoái tỷ, nhận tên ấy làm tên mình luôn.
Bếp Nhỏ nói chuyện rất ngộ nghĩnh, đôi khi khá buồn cười khiến ông cũng không đoán được kết thúc của câu chuyện ra sao nữa. Trong xóm, con bé Na học chung lớp mẫu giáo với Bếp Nhỏ, thường chạy qua nhà chơi. Một hôm, bé Na bưng chén cơm, vừa đi sang vừa ăn. Bếp Nhỏ hỏi: “Na ăn cơm với cái gì đó?”. Bé Na đáp: “Bữa nay mẹ không đi chợ, chỉ ăn lại cá kho hồi sáng còn”. Bếp Nhỏ khoe: “Mẹ tui nấu cơm và làm đồ ăn ngon lắm”. “Vậy để bữa nào tôi bưng chén qua nhà Bếp Nhỏ ăn chung nhá”. Bếp Nhỏ hoảng hồn: “Không không, Na đừng sang. Nói vậy chớ cơm nhà tui… không ngon đâu”. Ông đang uống trà nghe thằng cháu nội nói, cười lên ha hả, đổ cả nước trà ra bàn.
Một buổi sáng chủ nhật khác, ông đang đọc sách ngoài sân thì bé Na đến tìm Bếp Nhỏ rủ đi chơi. Mới mở cổng, Bếp Nhỏ hỏi ngay: “Ê Na, đánh răng chưa?”. Ông giật mình, nghĩ bụng câu hỏi đầu tiên của cháu nội mình giành cho bạn gái sao mà vô duyên đến vậy. Bé Na thật thà trả lời: “Đánh răng rồi”. “Na đánh răng bằng kem gì?”. “Kem Perlon. Còn Bếp Nhỏ đánh răng bằng kem gì?”. “Tui đánh răng bằng kem Colgate dâu, thơm miệng lắm. Miệng tui đây nè, Na ngửi thử thì biết”. Vậy là con bé Na lầm mưu ác tặc, đưa sát mũi vào ngửi môi và miệng của Bếp Nhỏ, khen rối rít: “Ờ, môi Bếp Nhỏ thơm thiệt!”. Chứng kiến được cái cảnh ấy, ông vỗ đùi, thầm nghĩ: “Trời ơi, cháu nội mình khôn quá. Hóa ra, cái câu rất ngu ở trước là để gài bẫy đối tượng nhằm có được cái kết quả mỹ mãn ở sau. Đúng như nhà nho nói “Đại trí giả ngu”. Ông kết luận Bếp Nhỏ là bậc đại trí hạng nhất trong thiên hạ; tự xếp mình xuống bậc thứ hai!
Bếp Nhỏ học không xuất sắc lắm nhưng cũng không tệ chút nào. Năm lớp 6, cô giáo chủ nhiệm thấy Bếp Nhỏ to con, tốt tướng nên phong Bếp Nhỏ làm Phó lớp trật tự, chuyên… sắp ghế cho các bạn trong lớp ngồi. Bếp Nhỏ về khoe chuyện ấy với ông. Ông nói: “Như vậy, sau này lịch sử sẽ viết về con là “Năm mười một tuổi, ngài từng làm lớp phó, sắp ghế cho bạn ngồi. Ngài rất mẫn cán trong công việc nên được cô giáo ca ngợi, bạn bè nể phục”. Bếp Nhỏ cải chính: “Cô giáo không ca ngợi con đâu, ông à. Cô nói sau này, em xếp nhanh và thẳng hàng hơn nhé. Vậy thôi”.
Có thể coi Bếp Nhỏ là một cái tivi màu màn ảnh rộng sinh động nhất của ông. Mỗi khi Bếp Nhỏ đi học về, bước vào tới cổng nhà là đã nói huyên thuyên. Ông nằm võng xem thời sự trên tivi, giả bộ không biết, thường hỏi: “Ai đó? Ai về mà ồn ào quá vậy ta?”. Bếp Nhỏ trầm giọng xuống, nói kiểu giọng của người già: “Bếp Nhỏ đây ông” rồi đổi giọng lảnh lót: “Thưa ông bà nội, con mới đi học về”.
Bếp Nhỏ có sức ăn khá tốt. Đại để cái gì Bếp Nhỏ ăn cũng được, không hề kén chọn. Món nào Bếp Nhỏ cũng khen ngon; đến nỗi món canh ông nấu chỉ gồm có rau, nước sôi, bột ngọt và muối, nổi tiếng dở ẹc khắp Nam bộ cũng bị Bếp Nhỏ khen là ngon tuyệt vời! Bếp Nhỏ không ăn cá, trừ cá thu chiên dầm nước mắm tỏi ớt cay sè và cá cơm than kho khô. Ấy bởi vì Bếp Nhỏ sợ xương cá; còn ngoài ra các món khác trên đời đều là món ngon, vật lạ. Có khi bàn ăn không còn nhiều thức ăn, Bếp Nhỏ chỉ cần chan nước canh hay nước đồ xào là đã xử được hai chén đầy. Mỗi tháng, ông đón xe lên Sài Gòn vài ba lần, “đi gặt” tiền nhuận bút, tiền tác quyền sau thời gian “cày cuốc” trong phòng máy lạnh. Bếp Nhỏ thường mong ông đi nhiều lần như vậy bởi ông sẽ mua về chà bông, chả lụa, giò thủ, bánh paté chaud, bánh su kem cho Bếp Nhỏ và anh Bin. Bếp Nhỏ hỏi ông: “Hồi ông bằng Bếp Nhỏ, bà cố có mua paté chaud cho ông ăn không?”. “Làm chi có. Bữa nào bà đi chợ về, mua cho cái kẹo ú gói trong lá chuối là may phước lắm rồi”. “Kẹo ú ngon không, ông?”. “Ngon tuyệt vời. Chỉ tiếc là bây giờ ngoài Quảng Nam ít ai làm kẹo ú, ông cũng không biết chỗ nào bán nên không mua về cho Bếp Nhỏ được”.
Bếp Nhỏ là một tay chơi dễ thương, cả mấy chục đứa con nít trong xóm đều quý. Bếp Nhỏ có cả chục bộ quần áo đá bóng mang tên các đội ngoại hạng danh chấn giang hồ nên ăn mặc rất tề chỉnh. Em bé Quỳnh Anh hay ngậm cơm, không chịu ăn, không chịu nuốt. Mỗi buổi chiều, ba hoặc mẹ Quỳnh Anh đẩy xe cho con ra đường ăn để anh Bếp Nhỏ kiểm tra Quỳnh Anh có chịu ăn không. Bếp Nhỏ nói: “Em nuốt cơm đi, anh Bếp Nhỏ thương nhá”. Vậy là Quỳnh Anh mới chịu ăn nhanh. Ông mới lãnh tiền tác quyền nhạc, có nhã ý tặng cho Bếp Nhỏ chiếc xe đạp mới. Bếp Nhỏ đích thân đi mua xe, lựa màu sắc cho đúng ý mình. Chủ cửa hàng nói: “Chiếc này đẹp con nè, giá nó chỉ có bốn triệu ba trăm ngàn đồng”. Bếp Nhỏ không chịu: “Ông nội con làm ít tiền lắm, con không mua xe nhiều tiền đâu. Bán cho con chiếc xe khoảng hai triệu tám trăm ngàn đồng là được rồi”.
Có xe, chiều nào Bếp Nhỏ cũng đạp dạo quanh khu phố; ngày thứ bảy và chủ nhật, Bếp Nhỏ còn chở chị Linh hay bé Na hàng xóm đi ăn sáng. Vào những dịp trung thu hay giáng sinh, Bếp Nhỏ nhận nhiệm vụ đi mời những đứa trẻ hàng xóm tới nhà ăn tiệc. Thường là ông bà ra tiền bao hết trẻ con trong xóm, hàng xóm có ai thơm thảo góp thêm càng tốt. Cả xóm có 32 đứa trẻ, từ một tuổi đến mười lăm tuổi. Bếp Nhỏ lăng xăng bảo bạn này trải báo, bạn kia bưng đùi gà chiên, bạn khác bưng cơm Dương Châu. Chúng ngồi bệt xuống nền nhà, ăn uống cười nói râm ran. Ông khen: “Vui quá! Vui quá!”. Nhờ Bếp Nhỏ có mối quan hệ tốt mà ông cũng được… thơm lây. Trẻ con trong xóm đi qua thấy ông là chào “Thưa ông, con đi học”, “Chào ông, con mới đi học về”.
Bếp Nhỏ không thích học một kỹ năng nào. Anh Bin ở nhà học piano được trên năm trăm giờ; đã có thể chơi các sonate và trích đoạn symphonie, prélude hoặc aria nhạc cổ điển thuần thục nhưng Bếp Nhỏ lại không thích học đàn piano. Nghe anh Bin chơi và nghe ông sửa, Bếp Nhỏ thuộc lòng hầu hết giai điệu các bài nhưng vẫn không mê đàn. Đúng ra, Bếp Nhỏ thích các bài hát tiếng Anh hơn, đặc biệt là ban One Direction và thuộc lời các bài hát đó một cách kỳ lạ. Có nhiều khi ông mệt, nằm trên võng kêu lên: “Phục vụ một bài hát!” thì Bếp Nhỏ vừa hát, vừa múa hip hop. Cái lưng Bếp Nhỏ như tấm thớt, cái mông tròn ủm như thúng gạo ngúng ngoảy rất ngộ. Ông khen “Hay lắm! Cái đít đẹp dễ sợ. Phát huy đi, anh bạn”. Ấy vậy mà Bếp Nhỏ vẫn không mê, chỉ khoái làm lính cứu hỏa. Những bộ lego mua về luôn luôn được Bếp Nhỏ ưu tiên ráp thành xe cứu hỏa. Hôm được đi thăm và ăn trưa với cán bộ chiến sĩ ở trại lính cứu hỏa thành phố về, Bếp Nhỏ sướng như điên, kể cho ông nghe việc cầm vòi phun nước thế nào, việc dùng bình xịt bọt trấn áp ngọn lửa ra sao. Theo Bếp Nhỏ, không có cái nghề nào vinh quang bằng cái nghề này.
Mấy tháng trước, mẹ Bếp Nhỏ ra một xe bán bún bò, mì Quảng bình dân bên vệ đường. Buổi sáng đi học, Bếp Nhỏ bưng rổ rau ra cho mẹ. Những lúc rảnh rỗi, Bếp Nhỏ ra phụ dọn hàng, bưng thức ăn cho khách. Có vẻ như những việc làm này khiến cái tên Bếp Nhỏ đứng vững trong giang hồ hơn là những hoạt động khác. Ông thương Bếp Nhỏ, mua tặng một cái điện thoại mới và cái sim mười số để lận lưng. Nói nghe cho oai vậy thôi chứ kinh phí mua sắm hai món này chỉ trên sáu trăm ngàn đồng; tương đương ba trăm chữ ông viết trên báo. Có những buổi trưa đi học về sớm, Bếp Nhỏ ngồi lại ở cái quán bên đường, gọi ông: “Ông ơi, Bếp Nhỏ ngồi lại phụ mẹ, ông bà ăn cơm trước đi nhá”. “Ừ, Bếp Nhỏ bưng thức ăn cho người ta đàng hoàng nghe, đừng đổ lên mình khách nghe”. Để tập cho kỹ năng phục vụ khách ngày thêm thuần thục, buổi chiều ông thường nằm trên võng la lên: “Phục vụ ly nước màu!”, “Phục vụ ly nước trắng!”. Mỗi lần như vậy, Bếp Nhỏ nhanh nhẩu pha nước trà hay rót nước đun sôi để nguội cho ông, miệng nói: “Có ngay, thưa quý khách” và “Xin mời quý khách dùng trà”. Tinh thần thái độ thì tốt nhưng cử chỉ coi còn rất vụng về.
Trong bốn đứa cháu nội, ông nhận xét Bếp Nhỏ là một đứa bé giàu tình cảm nhất. Ngày chú Út qua đời, Bếp Nhỏ đang đi miền Tây chơi, nhận tin qua điện thoại, bèn khóc òa lên. Chiều ấy, Bếp Nhỏ về tới, bước vào cổng vừa đi vừa khóc. Thấy ông nằm trên ghế trường kỷ bên cạnh quan tài chú Út, Bếp Nhỏ khóc, nói: “Ông ơi, con về đây”, rồi cúi xuống hun ông. Ông không nói câu gì, ôm Bếp Nhỏ vào lòng, cùng khóc theo Bếp Nhỏ. Những ngày buồn như vậy rồi cũng qua đi; Bếp Nhỏ thường làm hề, nhảy hip hop, giả làm sumo, kể chuyện tào lao cho ông vui.
Không sinh ra ở Quảng Nam nhưng Bếp Nhỏ học theo phong cách của ông, nói láo tổ mẹ. Một hôm, Bếp Nhỏ nói với ông: “Ông ơi, kênh truyền hình National Geographic mới có một phim khoa học về khủng long hai đầu hay lắm”. Ông tưởng thiệt, bỏ xem bóng đá, cứ dán mắt vào kênh này chờ xem khủng long hai đầu ra làm sao. Nào đâu thấy khủng long, chỉ có rồng Komodo bên Indonesia vừa đi kiếm ăn vừa nhỏ dãi lòng thòng. Ông bực, cự nự Bếp Nhỏ. Bếp Nhỏ cười: “Có con rắn bên Ấn Độ hai đầu mà con tưởng khủng long!”.
Đêm ngủ, trong phòng có bốn người; ông bà một cái nệm lớn, Bin một nệm riêng, Bếp Nhỏ một nệm riêng. Ông y như cái máy, cứ buộc hai anh em đúng chín giờ rưỡi là đi ngủ, sáng đúng năm giờ rưỡi là thức giấc. Phần ông bà thường thức lúc 4 giờ, uống cà phê và đọc báo. Bếp Nhỏ nằm, hai bên để sẵn hai chiếc gối ôm; đêm nào cũng chỉ nói vài câu là ngủ ngay. Đúng giờ thức, ông lên kêu: “Thằng Ất, thằng Giáp thức dậy đi học đi… êêê”. Anh Bin còn muốn nướng thêm một chút nhưng Bếp Nhỏ ngồi dậy nhanh như cái lò xo, dạ một tiếng rồi đi đánh răng ngay.
Nhiều khi ông “cày cuốc” trong phòng, Bếp Nhỏ thường bưng lên cho ông miếng trái cây hoặc miếng bánh với một ly trà. “Xin mời quý khách ăn bánh, ăn trái cây, dùng trà” – Bếp Nhỏ nói rồi nhìn ông. Ông khen “Khá. Hun ông miếng coi”. Bếp Nhỏ đã lớn, hơi biết xấu hổ, tiến lên vài bước ghé môi hun nhưng mũi chưa chạm đến da ông là đã lùi đầu ra. Ông cười ha ha: “Thiệt là quân hun hít giả mạo”. Và doạ Bếp Nhỏ: “Sau này mà ông thấy Bếp Nhỏ hun hít đứa con gái nào thiệt tình, ông sẽ đi la khắp xóm cho mọi người biết”. Bếp Nhỏ cười, ngúng nguẩy cái mông tròn vài cái theo kiểu hip hop rồi dông tuốt.
VŨ ĐỨC SAO BIỂN