Bếp tết

PHI KHANH 30/01/2016 07:15

Thấy mọi người rục rịch cho hành trình về quê đón tết, lòng tôi rối bời cảm xúc. Những ngày này, phố xá Sài Gòn vắng tênh, một mình tôi với thênh thang ngõ ngách, thì nỗi nhớ lại càng khủng khiếp.

Có nhiều kỷ niệm mà có khi suốt đời chẳng thể quên được. Với tôi, đó chính là gian bếp ngày tết của mẹ. Gian bếp của một thời khốn khó: tứ phía che chắn bằng phên tre, sàn bếp thì trét đất. Gian bếp ấy không chỉ ấm áp, mà đã cho một đứa con gái mới lớn như tôi nhiều trải nghiệm. Tôi thích gọi gian bếp của mẹ, hơn là gian bếp chung của cả nhà, dù bếp là công sức ba làm, và không chỉ mỗi mình mẹ là người vào bếp. Nhưng trong những ngày tết thì mẹ… độc quyền với bếp. Mẹ muốn cha con chúng tôi được ăn ngon. Mẹ muốn các con thoải mái vui chơi ngày tết, nên đã giành vào bếp.

Tầm 20 tháng Chạp trở đi, gian bếp bắt đầu rộn ràng. Cảm giác no đủ vây quanh. Mùi ngọt ngào từ hương bánh mẹ làm tỏa khắp ngóc ngách nhà, hay vị mặn mà của thịt muối, vị ngọt chua của nem trưởi, của dưa hành củ kiệu. Thời chưa có tủ lạnh, ngày tết bếp oằn mình với nấu nướng. Cái gì cũng phải lo nấu lên, hâm lên kẻo thức ăn bị hư thì tiếc. Thời ấy, dù cái ăn cái mặc rất khó khăn, nhưng mỗi khi tết về, ba mẹ tôi bảo nhứt định phải no đủ. Bếp tết vì thế luôn rộn ràng.

Bếp ngày tết ấm áp. Ấm không chỉ vì trời lạnh mà bếp ấm. Cũng không phải vì có nhiều thức ăn nên bếp ấm. Bếp ấm bởi có mẹ thường trực bên bếp. Có mẹ, nhà cửa luôn sạch sẽ, gian bếp dường như lúc nào cũng có thức ăn. Ngày tết, mỗi khi đi chơi về là bụng cồn cào đói. Kỳ thực, mải suốt ngày với bạn bè, có khi chỉ là cắn mớ hạt dưa, hay ăn mấy cái bánh ngọt thôi, vẫn không có cảm giác đói. Vậy mà hễ về tới nhà, chỉ cần thấy bóng dáng mẹ, bụng bỗng xốn xang, cồn cào. Thế là mày mò xuống bếp mở vung. Món ăn ngày tết của gia đình tôi thường là canh khoai môn ăn kèm rau sống ghém, hoặc canh bún tàu. Món xào thường là mì xắt xào với giá, thịt, có khi xào chung với một ít củ kiệu. Ngày tết, tôi không thấy mẹ nấu nồi thịt kho trứng như người Nam, mà mẹ hon thịt. Có lẽ thịt hon để dành được lâu. Thịt hon là thịt ba chỉ còn nguyên khổ, được ướp gia vị rồi cho dầu vào chiên. Đến khi dùng, thịt mới được xắt lát ra. Ngoài ra bánh tét, hay bánh tráng thịt heo lúc nào cũng có, cùng với vườn rau mơn mởn trước nhà. Đặc biệt trong ngày “đưa ông bà”, mẹ luôn có món cá lóc đồng nấu ám. Ba mẹ tôi quan niệm ăn cá lóc đồng đầu năm là mong ước được khỏe mạnh suốt cả năm…

Tết về, tôi hình dung ra gương mặt đỏ ửng của mẹ mỗi khi vào bếp.  Khi ấy trông mẹ đẹp lắm. Cái đẹp từ sức nóng của bếp lan tỏa trên gương mặt người đàn bà ngoài 60 mặn mà, đằm thắm. Đứng gần mẹ được nghe mùi dầu mỡ, mùi nồng nàn của khói bếp, mùi no đủ, mùi yêu thương, mùi tết, lẫn mùi chịu thương chịu khó. Khoảnh khắc ấy thật khó phai nhòa trong ký ức chúng tôi. Để hôm nay, khi không khí tết chộn rộn, trong cái se se lạnh của đất trời phương Nam, tôi nhớ nhà nhớ mẹ, nhớ bếp của mẹ da diết. Nhớ đốm lửa xanh vây qua ông kiềng. Lửa liếm lần lượt từng nồi thức ăn mẹ nấu, lửa làm chín giòn mấy cái bánh tráng gạo, nấu sôi nồi nước bồ kết lá sả, để trước giờ giao thừa, khi mọi việc hoàn tất, mẹ mới tranh thủ “tổng kết” cuối năm.  

Ngày tết bao giờ cũng là ngày vui. Mà mỗi khi mẹ vui là mẹ nấu thức ăn ngon. Loay hoay với mấy lọ gia vị, trông mẹ như một dược sĩ pha chế. Kết quả là mùi thức ăn bao giờ cũng chuẩn, vị thức ăn hợp với cả nhà. Bữa cơm có mẹ luôn ấm áp, ngập tràn yêu thương.

Bây giờ, chỉ mường tượng mùi khói bếp, đã chợt cay xè đôi mắt.

PHI KHANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bếp tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO