(VHQN) - Đối với người Việt, ông Táo được tôn là “Đệ nhất gia chi chủ” (ông chủ đứng đầu trong tất cả gia thần), phù hộ gia đạo bình an, thịnh vượng...
Bếp xưa và nay
Ngày ấy, nhà tôi cũng như nhiều nhà khác trong xóm đều có cái bếp giàn, sườn làm bằng gỗ hoặc bằng gốc tre già. Hai trụ phía trước, một bên có cái ống tre để đũa bếp và cái cặp nhắc; một bên để ống đũa. Trên mặt bếp là cái ông kiềng/ ông táo, bên góc bếp có cái ống thổi lửa.
Thời kháng chiến chống Pháp hay mấy năm đầu sau giải phóng, nhà nào cũng có hũ gạo nuôi quân, hũ gạo tiết kiệm để ở góc bếp. Khi xúc gạo vào nồi, người ta hốt một nắm bỏ vào trong hũ ấy, tới ngày hội mẹ chị đến thu gom ủng hộ kháng chiến, ủng hộ lực lượng dân quân địa phương.
Bên dưới bếp giàn, người ta thường đóng cái sạp vừa làm cho bếp giàn vững chắc hơn, vừa có chỗ để sóng chén và củi chụm trong mấy ngày. Khi nấu ăn xong, mẹ tôi dùng cái chổi nếp “chuyên dụng” quét dọn mặt bếp sạch sẽ, tém tro gọn gàng vào ông kiềng.
Bên trong lớp tro ấy có ủ lại một ít than hồng để bếp luôn ấm; số than hồng còn lại thì gắp bỏ vào cái hũ gần đó và đậy kín cho than tắt. Số than này, nhà tôi thường dùng để ủi áo quần bằng bàn ủi con gà.
Theo quan niệm lâu đời của người dân quê tôi, bếp có ấm thì bữa tiếp theo mới có cái ăn. Nhà nào bếp còn ấm là nhà đó không phải bị đói. Bếp ấm cũng là cách nhắc khéo ông Táo nhớ phù hộ cho gia đình đỏ lửa trong bữa ăn tới.
Bây giờ về quê, nhiều nhà không còn sử dụng bếp củi, thay vào đó là bếp gas, bếp điện. Thế nhưng, nhà nào cũng có trang thờ ông Táo và 23 tháng Chạp hằng năm đều cúng đưa ông Táo về trời.
Ông Táo trong đời sống tâm linh
Theo “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant (Phạm Vĩnh Cư dịch, NXB Đà Nẵng): “Như là mặt trời, bếp làm cho mọi người gần nhau bởi hơi ấm và ánh sáng của nó - đó cũng là nơi đun nấu thức ăn - vì vậy bếp là trung tâm của cuộc sống, cuộc sống được ban cho và sinh sôi. Bởi vậy, bếp được tôn kính trong tất cả các xã hội”.
Ông Táo trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo (Trung Quốc). Học giả E.T.C. Werner dịch “Táo Quân” ra tiếng Anh là “The God of the Stove”, “The God of Hearth”, “The Kitchen-god”; Léon Wieger dịch ra tiếng Pháp là “Génie de l’âtre”, “Génie du fourneau alchimique”.
Táo quân là phát minh của Lão giáo (Taoism), đến nay hầu hết gia đình người Hoa đều thờ phượng. Theo tín ngưỡng của họ, có những vị thần bảo hộ cho dân chúng, trong đó những vị quan trọng nhất là: thần Xã Tắc (trông coi về đất đai, mùa màng), thần Nông (trông coi về nông nghiệp), thần Hậu Thổ (Nữ Thần Đất), Thành Hoàng (thần bảo hộ dân làng), Thổ Địa (thần đất địa phương), Táo Quân (thần bếp), Thiên Hậu (nữ thần phù hộ dân đi biển)...
Nhưng “nguồn gốc” ông thần bếp khi đến Việt Nam thì được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” - vị thần đất, vị thần nhà, vị thần bếp núc và đã hình thành nên câu ca dao khá thú vị: “Thế gian một vợ một chồng/ Không như vua bếp hai ông một bà”.
Bếp là bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất. Ông Táo trong đời sống tâm linh của người dân quê tôi rất quan trọng. Từ việc vợ đẻ, con đau cho đến làm ăn, buôn bán, đi xa, thi cử… đều khấn cầu ông Táo.
Vua Bếp, đệ nhất gia chi chủ
Tại sao không khấn cầu tổ tiên, ông bà, những người cùng huyết mạch với mình mà lại khấn cầu ông Táo? Câu hỏi này, tôi từng đặt ra với người lớn tuổi trong nhà, trong họ, trong làng xóm của tôi, thì cơ bản nhận được câu trả lời rằng những người khuất mặt trong gia đình, dòng họ đang ở cõi âm, những ngày giỗ, ngày tết mới rước về nên không thể giúp được gì cho hậu thế, dù muốn cũng không được bởi âm dương cách trở.
Do vậy, trước bàn thờ ông bà luôn được thả tấm sáo (rèm che bàn thờ được làm bằng tre). Đến ngày giỗ, gia đình mới cuốn tấm sáo lên. Sau khi hạ nhang đèn thì thả tấm sáo xuống. Lễ rước ông bà (thường chiều 30 Tết), được không ít bà con quê tôi gọi là lễ cuốn sáo. Lễ đưa ông bà (thường mùng 3 Tết), gọi là lễ thả sáo.
Do đó, ông Táo là gần gũi nhất, lo cho các thành viên trong gia đình, từ chỗ ở, miếng ăn đến việc buôn may bán đắt. Như vậy, khi thành viên trong gia đình có việc ngoài sức của con người, không khấn cầu ông Táo thì biết khấn cầu ai? Với người dân quê tôi, ông Táo là vị thần bảo hộ của mỗi gia đình, bởi gia đình nào cũng có ông Táo và thờ Ông Táo. Ông Táo được tôn là “Đệ nhất gia chi chủ” (Ông chủ đứng đầu trong tất cả gia thần).
Hằng năm, ngày 23 tháng Chạp, nhà nhà đều tiễn ông Táo về trời và rước ông Táo về lại với gia đình với ước mong “Minh niên khai thái, trú dạ cát tường. Thời thời giữ được bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng”.