Lang thang trên con ngõ nhỏ nghe mùi hăng nồng của khói vương vương trong sợi nhớ. Cuộc sống giờ đã đổi thay, mọi thứ cũng thay đổi theo. Ở quê tôi giờ đây cũng không còn bếp củi, những chiếc bếp xưa giờ chỉ còn trong ký ức của mỗi người. Những đứa con xa quê mỗi khi đi ngang qua bếp than nướng bắp, lòng lại bùi ngùi nhớ…
Ngày xưa ở quê nhà nào cũng có không gian bếp giống nhau. Nhà ba gian để thờ cúng ông bà, còn nhà ngang sẽ ở, phía sau có chái bếp. Bếp là chiếc ông kiềng ba chân, là chiếc lò trấu, là những viên gạch chất chồng lên nhau hay hai thanh sắt dài.
Bếp nấu củi, rơm, cùi bắp, nang tre, vỏ trấu đỏ lửa ngày ba chở nên buổi chiều ngồi ngắm khói lam chiều vương vít trên ngọn tre đã trở thành thói quen của tôi lúc nhỏ.
Trên chái bếp ông thường làm giàn bếp. Trên ấy chất rất nhiều thứ, dưới cùng là củi để khô và cháy đượm hơn; có vài ống tre tươi nội để chẻ lạt chuẩn bị cho thu gom rạ hay những chiếc rổ con xinh xắn ra đời.
Hai bên được treo soong chảo, rổ ngay ngắn đôi khi bồ hóng bám đầy khi không dùng đến. Trong những chiếc rổ tre là trái bắp khô, đậu quê đã được phơi nắng, những mầm đậu má vừa nhặt để về xào ăn cơm. Cứ mỗi lần chiều đói bụng chúng tôi lại vào bếp lục cơm cháy ăn cùng kho quẹt, mùi vị như còn vương vấn nơi đầu lưỡi.
Trong chái bếp có đủ thứ nồi niêu soong chảo lỉnh kỉnh. Ngoài ra chái bếp còn là nơi chứa công cụ lao động, treo lủng lẳng và có cả những trái bắp, mướp, trái bầu khô để giống.
Tuy nhiều thứ được chất lên nhưng bằng sự khéo léo của bà, của mẹ bếp vẫn luôn gọn gàng ngăn nắp, chỉ cần đến loại nào loáng cái là có ngay. Bà thường bảo bếp là nơi mà người ta nhìn vào sẽ đánh giá người phụ nữ trong nhà có tinh tế, khéo léo, đảm đang hay không? Sau này lớn dần lên tôi càng thấm thía hơn câu nói của bà.
Nhớ nhất những ngày mưa lành lạnh, mẹ và bà đi cấy còn chúng tôi thì khoai sắn, bắp, đậu phụng cứ thế vùi vào, vừa thổi vừa ăn ngon lành dính đầy than đen quanh miệng mà tít mắt cười.
Bếp lại là nơi chứa đựng tuổi thơ gian khó của chị em tôi. Thương nhất là nhìn bàn tay nhăn nheo hơ qua lửa cho ấm của bà và mẹ. Tối quây quần bên bếp lửa vừa sưởi ấm vừa rang bắp ăn thêm trước khi đi ngủ. Câu chuyện rôm rả với nhiều đề tài, chia sẻ những công việc của mỗi người. Bếp lửa như gắn kết mọi người trong gia đình.
Nhớ những đêm giao thừa, ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh tét. Bên bếp lửa bập bùng, ngồi ôn lại những chuyện vui buồn của cả năm. Câu chuyện cứ thế kéo dài mãi đến lúc gà gáy sáng thì nồi bánh cũng vừa chín tới. Chái bếp lại rộn ràng, thơm lừng hương bánh vị xuân với những nụ cười rạng rỡ.
Giờ đây cuộc sống hiện đại người ta sử dụng nhiều loại bếp để thay thế. Còn ai được hít hà khói bếp nồng nồng và mắt cay xè. Chỉ với tiếng cơm sôi réo thơm lừng gạo mới, những món ăn bình dị và nhìn những làn khói bếp từ mái tranh tỏa lên bầu trời vào mỗi buổi chiều tà khiến cho bất cứ người xa xứ nào cũng phải nao lòng. Những câu chuyện cổ tích bà kể bên bếp lửa đêm đông là di sản tôi mang theo suốt cả cuộc đời. Bếp xưa chỉ còn là hoài niệm rất xa trong ký ức mỗi người.