BHXH tự nguyện vẫn chưa đủ hấp dẫn người tham gia

HOÀNG ĐẠO 25/09/2023 10:32

(QNO) - Nhiều địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập giảm và các chế độ ngắn hạn, quyền lợi hưởng còn ít… khiến người dân không mấy mặn mà tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH huyện Thăng Bình phát tờ rơi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Ảnh: BHXH TB
BHXH huyện Thăng Bình phát tờ rơi tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho người dân. Ảnh: BHXH Thăng Bình

Tính đến hết tháng 7/2023, tổng số người tham gia BHXH tự nguyện trên toàn huyện Thăng Bình là 2.241 người, đạt 73,3% so với kế hoạch. Số lượng còn phải phải phát triển đến cuối năm là 817 người. So với cùng kỳ năm 2022, số người tham gia BHXH tự nguyện giảm 678 người.

Trước thực trạng số người tham gia giảm dần qua các tháng, BHXH Thăng Bình liên tục truyền thông qua sóng truyền thanh của huyện, xã và tổ chức nhiều hội nghị khách hàng, ra quân tuyên tuyền lưu động. Đồng thời, giao chỉ tiêu cho các tổ chức dịch vụ thu trên địa bàn huyện… Nhưng việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi kinh tế chưa phục hồi, người lao động còn nhiều khó khăn.

Đồng thời, trong khi yêu cầu mở rộng mạng lưới người tham gia ngày càng cao song biên chế giảm khiến BHXH Thăng Bình thiếu nhân lực, không đủ lực lượng để làm công tác vận động, tuyên truyền. “Phải đi đến từng khu dân cư để tư vấn, vận động trực tiếp để người dân hiểu, tin tưởng và tham gia. Nhưng với nhân lực hiện tại của đơn vị thì không thể làm nổi vì địa bàn quá rộng” - ông Phạm Quốc Vũ, Phó giám đốc BHXH Thăng Bình nói.

Một nguyên nhân được xác định khiến BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn chính là một số quy định về chính sách, các quyền lợi kèm theo còn “nghèo nàn” so với các loại hình bảo hiểm thương mại khác. Ông Vũ cho biết, nhiều người dân, khách hàng nêu vấn đề: chính sách BHXH chỉ gồm chế độ hưu trí và tử tuất, trong khi thời gian đóng để được hưởng lương hưu quá dài.

“Họ so sánh với chính chính sách BHXH bắt buộc và thấy ít quyền lợi nên dù thấu hiểu ý nghĩa nhân văn của BHXH thì vẫn từ chối tham gia. Ngoài ra, Nhà nước hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp, thiếu linh hoạt. Việc tăng mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn từ 700 ngàn đồng lên 1,5 triệu đồng dẫn đến mức đóng BHXH tự nguyện tăng khá cao và tác động đến việc duy trì người đang đóng cũng như đóng mới” - ông Vũ chia sẻ.

BHXH huyện Phú Ninh linh hoạt tuyên truyền vào ban đêm dưới các thôn, xóm, khu dân cư là cách làm linh hoạt để thu hút đông đảo người tham gia hơn. Ảnh: H.Đ
BHXH huyện Phú Ninh linh hoạt tuyên truyền, tư vấn vào ban đêm đến các thôn, xóm, khu dân cư để tiếp cận nhiều người tham gia hơn. Ảnh: H.Đ

Tương tự, bà Dương Thị Kim Khánh - Phó Giám đốc BHXH Phú Ninh thông tin, đến cuối tháng 8, toàn huyện có 1.252 người tham gia BHXH tự nguyện, giảm 92 người so với cùng kỳ năm ngoái. Và đơn vị này đến cuối năm phải phát triển 340 đối tượng mới đảm bảo kế hoạch được giao.

“Chúng ta vận động đối tượng là lao động tự do, người dân vùng nông thôn nhưng không có chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động thì chưa đủ sức thuyết phục, hấp dẫn được người tham gia. Nhất là đối tượng phụ nữ ở độ tuổi còn trẻ, họ rất chú ý đến các chế độ ngắn hạn này. Và trong thời điểm việc làm không ổn định, thu nhập giảm thì việc vận động họ trích ra một khoản tiền để tham gia BHXH tự nguyện là điều khó” - bà Khánh nói.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện bằng bài chòi là cách làm sáng tạo của BHXH Quảng Nam. Ảnh: H.Đ
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện bằng bài chòi là cách làm sáng tạo của BHXH Quảng Nam. Ảnh: H.Đ

Vừa qua, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chỉ thị số 39-CT/TU về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022 - 2025.

Trong đó, đặt ra yêu cầu mở rộng độ bao phủ số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT và tăng nhanh số người tham gia BHXH tự nguyện, hướng đến mục tiêu BHXH cho mọi người lao động, BHYT toàn dân. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

BHXH Quảng Nam đã lên kế hoạch với các giải pháp cụ thể để triển khai Chỉ thị 39 của Tỉnh ủy. Giai đoạn 2022 - 2025 sẽ đổi mới hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền nhằm đảm bảo mọi người dân đều dễ dàng nắm bắt, tiếp cận đầy đủ thông tin.

Tham mưu, tổ chức thực hiện nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi BHXH, BHTN, BHYT. Tăng cường phối hợp với các sở, ban ngành, đoàn thể có liên quan triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHTN, BHYT.

“Chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với ngành BHXH để nâng cao hiệu quả trong việc phát triển, quản lý người tham gia, hưởng BHXH, BHTN, BHYT và thực hiện các chế độ, chính sách. Đồng thời tham mưu, đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT theo hộ gia đình đối với một số nhóm đối tượng còn khó khăn” - ông Nguyễn Thanh Danh, Giám đốc BHXH Quảng Nam thông tin.

[VIDEO] - Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện bằng bài chòi:

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
BHXH tự nguyện vẫn chưa đủ hấp dẫn người tham gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO