Bí ẩn bia ký Chăm

SONG ANH 17/06/2014 09:43

Một cuốn sách tập hợp bản dịch các văn bia Chăm ở miền Trung sắp ra mắt, ngõ hầu cung cấp những tư liệu có giá trị về nền văn hóa Chămpa cổ đã vùi lòng vào quá khứ.

Ông Phan Văn Cẩm giới thiệu những bức ảnh về Phật viện Đồng Dương được chụp lại từ một bảo tàng của Pháp.Ảnh:L.Q
Ông Phan Văn Cẩm giới thiệu những bức ảnh về Phật viện Đồng Dương được chụp lại từ một bảo tàng của Pháp. Ảnh:L.Q

Những phát hiện tình cờ

Với Quảng Nam, dày đặc các di tích, phế tích Chăm cùng sự tồn tại hơn ngàn năm của các văn bia cổ, luôn gây tò mò cho những người đam mê nghiên cứu nền văn hóa này. Mỗi đền tháp Chăm cổ hiện nay, đều kể lại câu chuyện của ngàn năm ngẫu lục qua những bia ký. Bia ký là một phần giá trị của sử ký văn hóa Chăm cổ. Người Chăm không có truyền thống biên niên sử, nên mọi lễ nghi thần thánh, mọi công đức xây thành quách, đền đài đều được khắc lại trên các văn bia, như một cách nhắc nhớ đời sau. Những nhà nghiên cứu, khảo cổ học khi tìm kiếm được tấm văn bia ở địa danh nào cũng lần ra được vài manh mối về câu chuyện đang ẩn vùi trong lòng đất nọ. Theo các nhà khảo cổ, nghiên cứu về ngành khoa học xã hội này, cái duyên là điều vô cùng quan trọng. Chính những câu chuyện tưởng như vô thưởng vô phạt, nhiều lúc lại trở thành “manh mối” hé mở những bức màn bí ẩn ngàn năm.

Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam, vẫn còn nhớ mãi về “cái duyên kỳ lạ” giữa những tư liệu của Phật viện Đồng Dương với giới nghiên cứu, khảo cổ Quảng Nam. Ấy là những lần tình cờ thu nhặt được hàng loạt tư liệu có giá trị, giải mã phần nào bí ẩn của “kinh đô Phật giáo” này. Những sự tình cờ này cũng bắt nguồn từ những tấm lòng yêu văn hóa cổ, yêu những gì thuộc vốn quý của quá khứ và văn minh nhân loại. Ông Cẩm kể, cách đây vài năm, một khách du lịch từ Pháp đã mang đến tặng trung tâm những file ảnh họ chụp được tại một bảo tàng ở Pháp, về những bức tượng mà các nhà “bác vật” (cách gọi những nhà khoa học của Viện Viễn đông bác cổ khi xưa) tìm kiếm và chụp lại tại Phật viện Đồng Dương. Từ đây, trung tâm đã liên hệ với bảo tàng tại Pháp và được cung cấp những file ảnh gốc - sau này là tài liệu quan trọng để tổ chức Hội thảo khoa học về Bảo tồn và phát huy giá trị Phật viện Đồng Dương (8.2011). Ông Cẩm cho biết, sau hơn 2 năm dịch thuật, trung tâm quản lý di tích và danh thắng Quảng Nam sẽ xuất bản cuốn sách “Bản dịch văn bia Chăm ở Quảng Nam”, dịch từ cuốn Inscriptions of Campã (Kart - Heinz Golzio). Đây cũng là một sự phát hiện tình cờ, “cơ duyên” giữa trung tâm và các văn bia Chăm cổ. Một khách du lịch mang về tặng trung tâm, được chụp lại từ cuốn sách ở một bảo tàng tại Pháp.

Vén tấm màn bí ẩn

Thực ra, công việc dịch thuật bia ký Chăm sang tiếng Việt đã được làm khá lâu, tuy nhiên chỉ tản mát ở một số bia ký tháp cổ và nằm rải rác ở nhiều tập sách khác nhau. Riêng với danh mục các văn bia ở Quảng Nam, phần lớn là bia ký được tìm thấy ở Đồng Dương (chiếm hơn 2/3), Bồ Mưng (Điện Thắng, Điện Bàn), làng Chiêm Sơn, Trà Kiệu (Duy Xuyên)… Tại Đồng Dương, hầu hết là các bia ký ghi lại việc khấn tụng niệm các vị thần, mô tả lại vùng đất cũng như dấu ấn vận mệnh của các vị vua từng trị vì nơi đây. Trên tấm bia ký của Indravarman II ở Đồng Dương được xác định niên đại vào ngày 13 tháng 5 năm 875 qua các tài liệu tham khảo của Louis Finot được dịch lại trong cuốn sách Inscriptions of Campã, nội dung trên văn bia có đoạn mô tả về Đồng Dương thời bấy giờ: “Trước đây vùng đất này rất rộng và đẹp tuyệt vời, và trong một thời gian dài nó được trang trí rất đẹp. Ở đây có nhiều người đàn ông giàu có được sinh ra trong các gia đình có điều kiện tốt, và (không có vua) những người giàu tự cho mình làm vua từ năm này qua năm khác, nhưng ngài, Prthivindravarman là vị vua duy nhất trên thế giới, gần như ngang bằng với Indra”. Hay bia ký của Jayasimhavarman I được xác định niên đại vào cuối thế kỷ thứ 9 khắc trên 4 mặt của một trụ đá tìm được bên ngoài ngôi tháp thờ, có đoạn: “Thành phố này gọi là Chămpa, là thành phố được điểm tô bằng sản vật của Indrapura (nên được gọi là thành phố của Indra - cũng có thể là tên của một thành phố ở Champa), được tôn tạo bởi những bông sen trắng, được xây dựng từ thời xa xưa bởi Bhrigu, là thành phố nguy nga chưa đâu bằng. Thành phố tuyệt vời này được ngài Jaya Simhavarman bảo vệ…”.

những bức ảnh do viện Viễn Đông Bác cổ chụp lại tại một cuộc khai quật vào năm 1901.
Những bức ảnh do viện Viễn Đông Bác cổ chụp lại tại một cuộc khai quật vào năm 1901.

Tại Trà Kiệu - kinh đô Sư tử, các nhà khảo cổ người Pháp tìm thấy bia ký  của vua Prakacadharma đề tặng Valmiki - người được xem là tác giả của sử thi Ramayana. Nội dung tấm văn bia ghi rằng: “Vua Prakacadharma, người đánh bại những kẻ xâm lăng, là người khôn ngoan, quyền lực, kiên trì, may mắn, danh tiếng và kiên quyết, người có khát khao sau khi đánh bại kẻ thù (vào mùa thu), xây dựng nơi dành riêng để ghi nhớ công lao của thi sĩ kiệt xuất, ngài Rsi Valmiki vĩ đại, người mà đức vua chia sẻ sự mất mát với Brahma - Sloka, người mang hình hài của một cụ già (thần Visnu)…”. Hay như tại bia ký Bồ Mưng thời kỳ Indravarman II được tìm thấy tại làng Bồ Mưng (Điện Thắng, Điện Bàn), có 42 dòng chữ viết, 14 dòng đầu viết bằng chữ Sanskrit và những dòng còn lại viết bằng chữ Chăm. Ngoài lời cầu khẩn, phần chữ Sanskrit còn có 7 câu thơ và một đoạn văn xuôi. Ngoài bia ký, các minh văn khắc trên những chén bạc, bình bạc được tìm thấy ở nhiều phế tích Chăm cũng được nhà nhà “bác vật” người Pháp chép lại và dịch thuật.

Rõ ràng nền văn minh Chămpa vẫn còn nhiều bí ẩn đối với hậu thế. Mỗi một cuộc tìm kiếm, phát hiện rồi giải mã sẽ góp cái nhìn về một nền văn hóa đậm sắc huyền thoại.

SONG ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bí ẩn bia ký Chăm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO