(QNO) - Theo Công an huyện Tiên Phước, trên địa bàn vừa xảy ra vụ giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo chiếm đoạt của nạn nhân hơn 600 triệu đồng.
Thời gian gần đây, xuất hiện một thủ đoạn lừa đảo mới đó là giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo. Loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram… đưa ra các thông tin đánh vào sự thiếu hiểu biết và tâm lý muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của nạn nhân mà đa số là lần đầu tiếp cận hoặc chưa từng biết đến chứng khoán.
Vào ngày 1/10/2022, anh L. (trú huyện Tiên Phước) nhận được tin nhắn từ một tài khoản Zalo tên Tống Thủy Tiên với nội dung giới thiệu tham gia vào nhóm Financial Community để đầu tư sàn giao dịch chứng khoán kiếm lãi hằng ngày.
Tài khoản Tống Thủy Tiên giới thiệu với anh L. rằng nếu vốn đầu tư ban đầu là 1 triệu đồng thì tiền lãi mỗi ngày 100 - 150 nghìn đồng và giải thích cách thức tham gia. Sau đó, tài khoản này gửi cho anh L. một đường link rồi yêu cầu đăng nhập để đăng ký tài khoản. Anh L. đã đăng ký và nộp vào tài khoản 1 triệu đồng để giao dịch.
Đến ngày 12/10, anh L. nhắn tin đến tài khoản Zalo trên hỏi tiền lãi được bao nhiêu thì được trả lời đã bị thua lỗ do chọn không đúng lệnh. Tài khoản này giới thiệu cho anh L. tham gia một gói đầu tư khác bằng cách ủy thác cho người khác đầu tư giúp với trị giá 120 triệu đồng và đảm bảo sẽ thắng. Anh L. đồng ý và nộp tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp, sau đó được giới thiệu kết bạn với một tài khoản Zalo tên Louis Cường để trao đổi nội dung giao dịch.
Ngày 15/10, tài khoản Louis Cường nhắn tin thông báo đánh thắng số tiền 85.556 USD (khoảng hơn 2 tỷ đồng) và yêu cầu anh L. đóng 20% tiền bảo hiểm (hơn 415 triệu đồng) để nhận được số tiền thắng cược nói trên.
Do không có tiền nên anh L. đã vay mượn để chuyển hơn 415 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau đó, tài khoản Louis Cường thông báo việc chuyển tiền ghi không đúng nội dung nên không thể nhận được và yêu cầu anh L. chuyển lại số tiền trên, ghi rõ nội dung theo hướng dẫn để được nhận tiền thắng cược.
Sáng 18/10, anh L. tiếp tục chuyển 100 triệu đồng đến số tài khoản của đối tượng rồi đợi nhận tiền nhưng không được. Biết đã bị lừa nên anh đến cơ quan công an trình báo sự việc. Tổng số tiền anh L. bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 636 triệu đồng.
Theo nhận định của Công an huyện Tiên Phước, để dụ dỗ người bị hại, ban đầu đối tượng lừa đảo sẽ cho người bị hại được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản để tạo sự tin tưởng rồi tiếp tục dụ dỗ đầu tư thêm tiền.
Sau đó, các đối tượng thông báo là bị thua lỗ nên cần đầu tư thêm để gỡ lại, hoặc thông báo thắng cược lớn nhưng phải đóng phí mới được nhận. Vì muốn lấy lại số tiền đã đầu tư hoặc nhận số tiền đã thắng cược nên nạn nhân tiếp tục chuyển tiền cho các đối tượng, cho đến khi không còn khả năng nữa mới phát hiện bị lừa đảo.
Công an huyện Tiên Phước đề nghị người dân nâng cao cảnh giác trước những lời mời gọi hấp dẫn, tham gia “kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng”, tuyệt đối không chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng lạ vì phần lớn thông tin như trên đều là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.