(QNO) - “Thành phố vắc xin” của Bỉ chính thức đi vào hoạt động cuối tuần qua tại khuôn viên Đại học Antwerp.
“Thành phố vắc xin” (Vaccinopolis) là một trung tâm công nghệ cao được hoàn thiện sau 14 tháng khởi công.
Mục tiêu của trung tâm là đẩy nhanh quá trình phát triển vắc xin, đánh giá các ứng cử viên vắc xin cũng như nghiên cứu các phương pháp điều trị, tăng cường khả năng sẵn sàng đối mặt với những đại dịch tiếp theo, đẩy nhanh cuộc chiến chống bệnh tật.
Trung tâm bao gồm sự hiện diện của các tập đoàn dược phẩm, nhà nghiên cứu vắc xin và bệnh truyền nhiễm từ năm 1984, thực hiện hơn 500 nghiên cứu vắc xin lâm sàng tại Bỉ và trên thế giới với các loại vắc xin chống lại các mầm bệnh khác nhau, bao gồm vi rút viêm gan B, bại liệt, cúm, sốt xuất huyết dengue, HPV và Covid-19.
Trung tâm có diện tích sàn 6.000m2 với hơn 300 tấm pin năng lượng mặt trời. Công trình bao gồm 30 phòng để cách ly những người tình nguyện tham gia các thử nghiệm lâm sàng đối vắc xin phòng. Qua đó các nhà nghiên cứu có thể theo dõi diễn biến của phản ứng miễn dịch ở mỗi tình nguyện viên hằng ngày và nghiên cứu kỹ về mầm bệnh.
Ngoài ra, trung tâm còn có các khu vực sinh hoạt, giải trí dành chung cho các tình nguyện viên như hồ bơi, bóng bàn...
Trung tâm được xây dựng theo các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt nhất để đảm bảo an toàn cho người tham gia, nhân viên và môi trường. Do đó, các nghiên cứu đều diễn ra trong một môi trường hoàn toàn kín để ngăn chặn vi rút lây lan trong tự nhiên. Tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vắc xin phải ở trong các căn phòng kín hoàn toàn có thể kéo dài 2 - 3 tuần.
Tất cả thiết bị, vật dụng cá nhân… luôn được khử trùng. Thậm chí, nước từ vòi hoa sen và nhà vệ sinh được thu giữ trong các bể lớn và đun nóng ở nhiệt độ cao để loại bỏ các loại vi rút.
“Không một mét khối không khí nào rời khỏi tòa nhà mà không được lọc 3 lần” - Kiến trúc sư trưởng Roy Pype của dự án “thành phố vắc xin” cho biết.
Theo lãnh đạo “thành phố vắc xin”, 15 tình nguyện viên lần đầu tiên được sử dụng vắc xin ứng viên và 15 người khác là giả dược.
Một hoặc 2 tuần sau, tất cả tình nguyện viên đều bị nhiễm mầm bệnh ở dạng giảm độc lực. Sau đó tiếp tục quan sát diễn biến tình trạng sức khỏe của họ và xác định mức độ hiệu quả của vắc xin sau 3 tuần là bao nhiêu.
Giáo sư Pierre Van Damme của Đại học Antwerp, quản lý dự án trên nói: “Mỗi nghiên cứu đều được phê duyệt trước bởi một ủy ban đạo đức độc lập và bởi các cơ quan quản lý (FAMHP). Các nghiên cứu cũng chỉ được thực hiện với các mầm bệnh đã có phương pháp điều trị”.
Hiện nay, Bỉ tự hào là nơi sản xuất phần lớn số lượng vắc xin Pfizer/BioNTech trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19.