Trao đổi với Báo Quảng Nam về tinh thần triển khai Chương trình hành động số 15-CTr/TU (ngày 27.2.2018) của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 19 và Kế hoạch số 139-KH/TU (ngày 28.2.2018) của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy trên địa bàn tỉnh thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh: “Quảng Nam hết sức chú trọng đến tính hiệu quả. Có những việc chúng ta bàn rất kỹ nhưng khi đã quyết rồi thì thực hiện rất nhanh, quyết liệt, giữ vững các nguyên tắc tổ chức, không nóng vội, nhưng cũng không chần chừ”.
Hội Nghị Tỉnh ủy góp ý thông qua các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII).Ảnh: NG.ĐOAN |
Quảng Nam là một trong số địa phương sớm tổ chức quán triệt và ban hành các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Thưa đồng chí, Tỉnh ủy xác định đâu là những khâu đột phá, cần phải thực hiện ngay?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang:
Quảng Nam đã và đang tập trung làm 3 việc. Thứ nhất, yêu cầu tất cả cơ quan, đơn vị, cấp, ngành quán triệt và xây dựng kế hoạch rà soát, đánh giá lại thực trạng công việc và đưa ra các đề án hay kế hoạch thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết số 18 và 19. Tỉnh cũng đã đi trước một bước là thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết trên do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.
Thứ hai, xây dựng kế hoạch thực hiện để triển khai với 12 nhiệm vụ cần phải làm ngay; trong đó có 3 nhiệm vụ được coi là đột phá để triển khai thực hiện Nghị quyết 18 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Việc đầu tiên là tập trung xây dựng đề án vị trí việc làm. Khi thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải rà soát, nếu có trùng lắp về mặt chức năng, nhiệm vụ cần thu gọn đầu mối. Khi thực hiện đề án vị trí việc làm phải gắn với việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo đúng vị trí việc làm đã được xác định. Lần này, chúng ta đặt vấn đề kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, thu gọn đầu mối của các cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ cho các đầu mối của cấp ủy, chính quyền, mặt trận. Đồng thời yêu cầu cấp huyện phải có chương trình, kế hoạch thực hiện cụ thể và được Ban Chỉ đạo giám sát chặt chẽ, chứ không để “đánh trống, thổi kèn” nhưng rồi không làm gì.
Cùng với đó, chúng ta còn chú trọng xây dựng một số đề án trọng tâm để làm điểm, rút kinh nghiệm. Trong đó, lưu ý việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong khối y tế, giáo dục; điều này thuộc thẩm quyền nên tỉnh sẽ lựa chọn, xây dựng đề án và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, để trong năm 2018 có ít nhất một vài sản phẩm. Xây dựng đề án, chỉ đạo triển khai việc nhập thôn, thu gọn số thôn, sau đó đến cấp xã theo tiêu chí đã được Quốc hội thông qua.
Đồng chí đánh giá như thế nào về sự chuyển động của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc triển khai các chương trình, kế hoạch của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 thời gian qua?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang:
Đến nay, các công việc được triển khai khá tốt. Trong chương trình làm việc với cấp ủy các địa phương, ngoài nội dung đánh giá việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội giữa nhiệm kỳ, có báo cáo lại các đề án dự kiến sẽ sắp xếp, tinh gọn, tổ chức lại đối với cơ quan, đơn vị để Thường trực Tỉnh ủy nghe và chỉ đạo trước. Sắp tới có một số đề án sẽ được cơ quan chuyên môn thẩm định, trước khi báo cáo lại cho Ban chỉ đạo. Công việc liên quan đang được triển khai rất gấp rút.
Theo dự kiến, sẽ có một số việc đưa ra xin ý kiến HĐND tỉnh vào giữa nhiệm kỳ, nhưng đến thời điểm này chuẩn bị chưa kịp, đặc biệt là vấn đề liên quan đến chế độ chính sách giải quyết cho những người lao động, cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do việc sắp xếp. Ngoài chính sách của Nhà nước liên quan đến Nghị định 108, Nghị định 26 thì về phía tỉnh, các đối tượng dôi dư do việc sắp xếp cần phải được quan tâm. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đang được giao xây dựng đề án tính toán, đánh giá lại để có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm giải quyết đối với trường hợp dôi dư. Tỉnh đã quyết định lùi nội dung này vào kỳ họp cuối năm của HĐND, trên cơ sở xin ý kiến thống nhất của các bộ ngành Trung ương.
Liên quan đến các đề án vị trí việc làm, đến thời điểm này gần như UBND tỉnh đã hoàn tất phê duyệt. Nhiều đơn vị cũng đã tổ chức sắp xếp giảm được các phòng chuyên môn. Tại HĐND tỉnh sắp tới, dự kiến vào tháng 7 này, chủ yếu xem xét đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2018 - 2021 theo chủ trương của Trung ương; ước tính Quảng Nam sẽ giảm khoảng hơn 11%. HĐND tỉnh sẽ căn cứ vào kiến nghị của UBND tỉnh và cơ sở tính toán, rà soát của các cơ quan, đơn vị để có nghị quyết. Từ đó xây dựng lộ trình cho việc tinh giản biên chế.
Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, xét về mặt lộ trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) về tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo chủ trương chung của Trung ương, tiến độ Quảng Nam triển khai so với các địa phương khác như thế nào?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang:
Quảng Nam triển khai không chậm. Tôi dự họp giao ban của Ban Tổ chức Trung ương, nghe các địa phương báo cáo thì cũng tương đồng tiến độ. Thật ra, các công việc chính của Quảng Nam đã được làm một phần trong năm 2017. Quảng Nam hết sức chú trọng đến tính hiệu quả. Có những việc chúng ta bàn rất kỹ nhưng khi đã quyết rồi thì thực hiện rất nhanh, quyết liệt, giữ vững các nguyên tắc tổ chức, không nóng vội. Với thẩm quyền của mình, Quảng Nam đang tập trung làm thật tốt việc sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập. Còn đối với khối hành chính, nắm chắc tinh thần phải thu gọn đầu mối, những cái gì trùng lắp thì xử lý làm một, không nên để một cơ quan chỉ làm một việc, hoặc làm một việc mà trùng với cơ quan kia; nghĩa là mình phải có nguyên tắc xử lý trong việc tinh gọn tổ chức bộ máy.
Phát biểu tại hội nghị của UBND tỉnh mới đây về phân tích các chỉ số về môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đồng chí đã nhấn mạnh rằng, “phải bỏ tư duy cửa quyền, thái độ khệnh khạng của cán bộ, công chức, mới thực hiện thành công việc chuyển từ nền hành chính quản lý sang nền hành chính phục vụ”. Điều này cho thấy, yêu cầu về sắp xếp tổ chức bộ máy đặt ra rất bức xúc và là yêu cầu tất yếu. Thưa đồng chí, thời gian tới, Quảng Nam cần những giải pháp mạnh mẽ nào để đạt mục tiêu đề ra?
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang:
Thời gian qua, các ngành, địa phương đã có cố gắng, thực hiện hiệu quả công tác cải cách hành chính hướng tới nền hành chính phục vụ, hiện đại, chuyên nghiệp. Tuy nhiên, một số chỉ số như tiếp cận đất đai, chi phí không chính thức... không được tốt lắm. Các nguyên nhân đã được phân tích, nhưng có thể khẳng định rằng, sự cố gắng về mặt rút ngắn thủ tục hành chính đang bị vướng mắc ở cấp cơ sở, đặc biệt là cấp huyện. Những thủ tục đầu vào liên quan đến cấp xã, cấp huyện - có thể nói đây là loại không kiểm soát được. Vì vậy, sắp tới chúng ta sẽ phải có những giải pháp thật sự quyết liệt, làm cho minh bạch, công khai hóa quy trình, thủ tục nhiều hơn nữa, rõ ràng hơn nữa đối với các cấp, cấp xã, cấp huyện. Ví dụ, một công việc A, liên quan đến cấp xã cần được quy định rất rõ khi nào làm xong, xác định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu. Trước đây, phần này giao trực tiếp cho doanh nghiệp, chủ đầu tư tự đi làm, khi nào đủ thủ tục hồ sơ mới nộp lên Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh. Như vậy, trong quá trình thẩm định hồ sơ đã để thời gian “chết” rất nhiều.
Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính ở cấp huyện theo đúng tinh thần Nghị định 61 của Chính phủ về thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính. Đi liền với đó là sắp xếp, để tránh sự chồng chéo, giảm bớt đầu mối mà cũng chính là để rút ngắn thủ tục hành chính. Theo tôi, sắp tới sẽ quy trực tiếp trách nhiệm cho cá nhân theo vị trí việc làm, cấp thẩm quyền chứ không quy trách nhiệm chung chung, cho một cấp chung chung. Một cá nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm công việc được kiểm soát qua hệ thống điều hành phần mềm; phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm đối với các trường hợp công chức, cá nhân bê trễ. Liên quan đến thái độ phục vụ phải được chấn chỉnh, từng bước nhưng cương quyết, tránh để xảy ra “nhờn thuốc”, nói mà không làm...
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
NGUYÊN ĐOAN (thực hiện)