Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đối thoại với công nhân, người lao động các khu công nghiệp

NHÓM PHÓNG VIÊN ONLINE 31/07/2022 08:13

(QNO) - Sáng nay 31.7, tại hội trường UBND tỉnh diễn ra cuộc đối thoại giữa đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh với công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp.

Tham dự buổi đối thoại có Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cùng gần 200 công nhân lao động (CNLĐ) thuộc doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn TP.Tam Kỳ và huyện Núi Thành.

 
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chủ trì buổi đối thoại. Ảnh: P.V

11h30:

Kết thúc cuộc đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải có cam kết thời gian, lộ trình thực hiện các nội dung liên quan mà tỉnh đã chỉ đạo liên quan đến quyền lợi của CNLĐ. Cá nhân, đơn vị nào không thực hiện sẽ xử lý trách nhiệm.

Công đoàn ở các DN phải có tiếng nói, DN bắt buộc phải thực hiện đúng quy định pháp luật LĐ, nếu không làm đúng, thậm chí vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi người LĐ thì phải thanh tra, kiểm tra, xử lý để răn đe, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu kết luận buổi đối thoại. Ảnh: P.V

Đề nghị Hiệp hội DN tỉnh nhắc nhở DN thực hiện đúng quy định của pháp luật về đối thoại với người LĐ, đảm bảo quyền lợi cho người LĐ. Đối với các ngành, thường xuyên động viên, khen thưởng CNLĐ có những sáng kiến, làm lợi cho DN trong sản xuất kinh doanh.

Các địa phương Tam Kỳ, Núi Thành thường xuyên phối hợp với các sở, ngành đôn đốc, thúc đẩy các dự án nhà ở dành cho CNLĐ. Giảm áp lực giao thông, có thể chia múi giờ tan ca cho phù hợp để giảm nguy hiểm giờ tan ca. Các phương tiện phục vụ thi công công trình tại Núi Thành phải linh hoạt giờ giấc, giờ cao điểm không được chạy gây nguy hiểm cho người dân, CNLĐ tham gia lưu thông.

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đã tặng 40 suất quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng, nhằm động viên, chia sẻ khó khăn với người lao động.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng quà CNLĐ khó khăn. Ảnh: P.V

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng yêu cầu các ngành thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, vướng mắc của CNLĐ để tháo gỡ chứ không chờ đến đối thoại mới nêu ra. DN cần chăm lo, động viên để CNLĐ tạo ra giá trị cho DN, cho xã hội, phải chăm lo cho đời sống CNLĐ vì đây là vốn quý, là giai cấp tạo nên giá trị của cải vật chất cho xã hội.

CNLĐ cần nâng cao cảnh giác, đặc biệt đối với tình trạng tín dụng đen, lừa đảo trên không gian mạng. Những vấn đề bức xúc của CNLĐ, bất cứ lúc nào cũng có thể phản ảnh đến lãnh đạo tỉnh bằng nhiều cách, lãnh đạo tỉnh sẽ luôn dành sự quan tâm, bảo vệ CNLĐ.

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường tặng 40 suất quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn (1 triệu đồng/suất), động viên CNLĐ tiếp tục vươn lên, nỗ lực thi đua sản xuất.

 

11h15:

Kết thúc phần đặt câu hỏi của CNLĐ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị CNLĐ phát huy vai trò, nỗ lực đổi mới sáng tạo, thích ứng nhanh với xã hội đang phát triển. CNLĐ cũng cần liên tục có những kiến nghị, đề xuất đối với DN và chính quyền tỉnh.

Theo đó, CNLĐ có thể vào ứng dụng Smart Quang Nam để hỏi và sẽ nhận được câu trả lời 24/7. Tổng đài 1022 sẵn sàng tiếp nhận, chuyển đến cơ quan chức năng trả lời và giải đáp cụ thể kiến nghị của CNLĐ.

10h50:

- Ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai: Khu công nghiệp Chu Lai là khu công nghiệp lớn nhưng hệ thống phòng cháy chữa cháy công cộng hiện nay chưa có, rất nguy hiểm và mất an toàn nếu xảy ra sự cố.

Cần có chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với CNLĐ vì họ không đủ điều kiện mua đất mua nhà. Cần bố trí quỹ đất dành làm nhà cho CNLĐ. Nếu có đất, DN sẵn sàng làm nhà ở cho CNLĐ thuê lâu dài. Quy hoạch khu nhà ở CNLĐ phải gắn liền với chợ, nhà trẻ, trường học...

Hiện nay dọc theo các khu công nghiệp ở Chu Lai hình thành nhiều quán cóc ven đường, điều này khiến giao thông bị cản trở, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Ông Phan Ngọc Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai.
Ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào Chu Lai. Ảnh: P.V

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Các khu công nghiệp đông người nên giao thông quá tải giờ cao điểm. Đường vào khu công nghiệp thì tỉnh sẽ tính toán lộ trình, nguồn lực làm rộng hơn, nhưng ban quản lý các khu công nghiệp và DN cần tính toán giờ tan ca nhằm giảm tải áp lực.

Nhà ở hiện nay làm theo kiểu nhà cao tầng, block thì CNLĐ không ở, mà chỉ thích ở nhà kiểu như nhà riêng của gia đình. Muốn làm các dự án nhà ở, thủ tục rất phức tạp. Tỉnh tiếp thu ý kiến CNLĐ, theo tinh thần làm lớn chứ không làm nhỏ. Những vướng mắc mà tỉnh chưa giải quyết được do vướng cơ chế, quy định thì sẽ xin ý kiến của Trung ương.

[VIDEO] - Chị Nguyễn Thị Hoài Sương biết ơn Đảng, Nhà nước quan tâm đến người LĐ trong thời điểm dịch bệnh khó khăn (video thực hiện tháng 11.2021):

Chị Hoàng Trần Đoan Phượng – Công ty Hồng Đào Chu Lai (Núi Thành).
Bà Hoàng Trần Đoan Phượng - Công ty CP Hồng Đào Chu Lai. Ảnh: P.V

- Bà Hoàng Trần Đoan Phượng - Công ty CP Hồng Đào Chu Lai (Khu công nghiệp Tam Hiệp, Núi Thành): Hiện nay, nữ CNLĐ nghỉ sinh, trong thời gian nghỉ thai sản được xét là thời gian tham gia BHXH, BHYT nhưng lại không được xét thời gian tham gia BHTN. LĐ nữ chăm con nhỏ rất túng thiếu, chi phí nhiều nên BHTN cũng nên xét để CNLĐ được hưởng quyền lợi về BHTN trong thời gian nghỉ thai sản 6 tháng (hiện nay chế độ này không được tính).

Đối với trường hợp người LĐ nghỉ thai sản do điều kiện kinh tế, cá nhân và công việc xin đi làm sớm thì thời gian đi làm sớm theo quy định tại Thông tư 59/2015 của Bộ LĐ-TB&XH, người LĐ phải đóng BHXH, BHTN, BHYT, BHTN và bệnh nghề nghiệp trong thời gian đi làm sớm. Đề nghị lãnh đạo tỉnh quan tâm cho người LĐ không đóng những khoản trên trong giai đoạn đi làm sớm hơn thời gian nghỉ thai sản.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam: Căn cứ Nghị định số 28/2015/NĐ-CP, ngày 12.3.2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Việc làm về BHTN quy định: Trường hợp người LĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản hoặc ốm đau từ 14 ngày làm việc trở lên không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị mà hưởng trợ cấp BHXH, người LĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã giao kết theo quy định của pháp luật thì người LĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN trong thời gian này.

Tại Quyết định số 595/QĐ-BHXH, ngày 14.4.2017 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định: Người LĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì đơn vị và người LĐ không phải đóng BHXH, BHTN, bảo hiểm TNLĐ - bệnh nghề nghiệp, thời gian này được tính là thời gian đóng BHXH, không được tính là thời gian đóng BHTN và được cơ quan BHXH đóng BHYT cho người LĐ.

Theo đó, trong thời gian người LĐ nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sinh con (6 tháng) thì người LĐ không thuộc đối tượng tham gia BHTN và không được tính là thời gian đóng BHTN. Nội dung kiến nghị của người LĐ, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan ghi nhận để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền trong quá trình sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật.

[VIDEO] - Quảng Nam tạo điều kiện để người LĐ tiêm vắc xin và sớm nhận các khoản hỗ trợ (video thực hiện tháng 1.2022):

10h20:

- Đại diện người LĐ tại Công ty TNHH Amann Việt Nam (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ): Liên quan đến vấn đề đảm bảo môi trường trong Khu công nghiệp Tam Thăng, hiện nay ở một số DN sản xuất dệt, nhuộm có tình trạng xả thải chưa được xử lý triệt để đã gây ô nhiễm môi trường và lâu dài trở thành nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân. Đề nghị lãnh đạo cho biết tỉnh đã có những giải pháp gì để chủ động ngăn chặn tình trạng này?

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu trả lời câu hỏi của công nhân lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu trả lời câu hỏi của CNLĐ. Ảnh: P.V

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu: Tỉnh đã tổ chức đoàn trực tiếp đi thực địa, Công ty Panko Tam Thăng xử lý trong nội bộ, luân hoàn nước thải sử dụng trong khu công nghiệp. Khi thực hiện có phát sinh mùi, màu thì UBND tỉnh đã chỉ đạo Công ty Panko Tam Thăng xử lý. Công ty cam kết xử lý và đến nay theo dõi thấy đã ổn. Cố gắng trong năm nay, Công ty Panko Tam Thăng sẽ sử dụng khoảnh đất để làm hồ sinh thái, nuôi cá từ nguồn nước thải đã qua xử lý đưa ra, để người LĐ yên tâm về môi trường. Tỉnh vào cuộc và giám sát mạnh mẽ vấn đề này.

[VIDEO] - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu trả lời phản ánh của NLĐ về ô nhiễm môi trường ở KCN Tam Thăng

 

10h00:

[VIDEO] - Chị Mai Thị Thu Hà - Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam đặt câu hỏi với lãnh đạo tỉnh:

- Chị Mai Thị Thu Hà - Công ty TNHH Hyosung Quảng Nam (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ): Việc hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho CNLĐ, công ty đã nộp hồ sơ 130 người LĐ cho Phòng LĐ-TB&XH huyện Thăng Bình, nhưng CNLĐ chưa nhận được hỗ trợ? Bao giờ chúng tôi có thể nhận được?

Hiện nay tín dụng đen đang khiến CNLĐ lo lắng, do thường xuyên nhận được tin nhắn đe dọa khi người LĐ của công ty có đi vay bên ngoài? Có giải pháp gì để hỗ trợ CNLĐ, răn đe các đối tượng tín dụng đen?

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Thực hiện Quyết định 08 về hỗ trợ tiền thuê trọ cho CNLĐ, theo quy định sau khi có đầy đủ hồ sơ thì cơ quan thẩm quyền phê duyệt, ra quyết định. Sở LĐ-TB&XH đã liên hệ huyện Thăng Bình, trong ngày mai 1.8 sẽ có quyết định phê duyệt đối với CNLĐ của Công ty Hyosung. Đề nghị các DN có vướng mắc liên hệ với Sở LĐ-TB&XH để hỗ trợ giải quyết.

Thượng tá Phan Phước Viên - Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Quảng Nam: Tín dụng đen là vấn đề nhức nhối hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo thường xuyên, liên tục đối với vấn đề này. Tín dụng đen rất phức tạp và gây nhiều phiền toái cho người liên quan. Xử lý khó do thỏa thuận miệng, việc thu thập dữ liệu, chứng cứ khó. Nhưng Công an tỉnh đã rất nỗ lực xử lý vấn đề này, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay. CNLĐ cũng cần hết sức cảnh giác, cần tiếp cận các kênh tín dụng chính thức, không nên tiếp cận tín dụng đen.

Thượng tá Phan Phước Viên.
Thượng tá Phan Phước Viên - Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Quảng Nam. Ảnh: P.V
Chị Nguyễn Thị Hà Na - Cty TNHH MTV PanKo Tam Thăng.
Chị Nguyễn Thị Hà Na - Công ty PanKo Tam Thăng.

- Chị Nguyễn Thị Hà Na - Công ty TNHH Panko Tam Thăng (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ): Ngay tại ngã tư gần cổng Khu công nghiệp Tam Thăng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, do đó đề xuất ngành liên quan cho lắp đặt hệ thống đèn giao thông khu vực này.

Trục đường chính nối từ quốc lộ 1 vào Khu công nghiệp Tam Thăng đã đưa vào vận hành từ lâu, lưu lượng giao thông tại đây rất lớn, đặc biệt là số lượng xe tải, xe container. Thế nhưng trục đường này lại không có hệ thống đèn chiếu sáng, rất nguy hiểm cho CNLĐ đi làm về ban đêm. Chúng tôi đề xuất các cấp quan tâm xây dựng hệ thống đèn chiếu sáng để tránh những tại nạn đáng tiếc, đặc biệt là vào mưa bão sắp đến.

Thượng tá Phan Phước Viên - Phó Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an Quảng Nam: An toàn giao thông tại Khu công nghiệp Tam Thăng, đặt tín hiệu, biển báo thuộc chức năng của các đơn vị quản lý hạ tầng giao thông đường bộ. Do đó, kiến nghị tỉnh có chỉ đạo các đơn vị chủ trì thực hiện lắp đặt. Lực lượng công an sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát khu vực này, nhất là xử lý nồng độ cồn, xe quá khổ quá tải.

[VIDEO] - Thượng tá Phan Phước Viên trả lời câu hỏi của NLĐ về vấn đề tín dụng đen:

9h40:

Anh Lê Thanh Sơn - Công ty Fashion Garment.
Anh Lê Thanh Sơn - Công ty TNHH Fashion Garments. Ảnh: P.V

Anh Lê Thanh Sơn - Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ): Đảng viên là người LĐ của công ty, nhưng công ty không có tổ chức đảng nên sinh hoạt tại địa phương. Song thời gian không phù hợp nên phải vắng sinh hoạt Đảng ở địa phương. Có giải pháp nào để người LĐ vừa có thể sinh hoạt Đảng tại địa phương, vừa đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tại DN?

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Hiện nay theo quy định của Điều lệ Đảng thì việc sinh hoạt chi bộ định kỳ là bắt buộc. Tỉnh sẽ tiếp thu, và nghiên cứu trong quy định, văn bản.

[VIDEO] - Chị Lê Thị Thanh Thúy - công nhân Công ty TNHH Fashion Garments chia sẻ niềm vui khi nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ (video thực hiện tháng 10.2021):

9h20:

- Bà Trương Thị Hoàng Linh - Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ):Với tình hình nhiều DN đang thiếu hụt LĐ, tôi đề xuất có chính sách hỗ trợ LĐ miền núi, nông thôn, kết nối LĐ đến làm việc tại các DN.

Chị Trương Thị Hoàng Linh.
Bà Trương Thị Hoàng Linh - Công ty TNHH Fashion Garments. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH: Trong thời gian qua, cùng với các chính sách thu hút đầu tư, Quảng Nam đã thực hiện tốt Đề án đào tạo nghề cho LĐ nông thôn và cơ chế hỗ trợ đào tạo LĐ cho các chương trình, dự án trọng điểm và các DN trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020.

Với cơ chế này, bên cạnh các chính sách do Trung ương quy định, tỉnh cũng đã mạnh dạn đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội riêng của tỉnh, với mục tiêu là đào tạo LĐ (ưu tiên LĐ là người dân tộc thiểu số) để vào làm việc tại các DN trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn LĐ của DN trong các khu, cụm công nghiệp.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH giải đáp thắc mắc của người LĐ:

Giai đoạn 2016 - 2020 đã có 26.110 LĐ được hỗ trợ học nghề ở trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng. Sau đào tạo, có hơn 70% người học nghề có việc làm thông qua các hình thức như: tìm được việc làm tại DN, tự tạo được việc làm, được DN bao tiêu sản phẩm, tận dụng thời gian nông nhàn để làm thêm các công việc khác tăng thu nhập...

Trong đó, số LĐ hoàn thành khóa học theo cơ chế của tỉnh là 5.479 người; sau học nghề đã vào làm việc tại các DN là 5.245 người, chiếm tỷ lệ hơn 95% (trong đó, 2.262 người là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 43,2%). Một số DN tiếp nhận nhiều LĐ như: Công ty TNHH MTV Panko Tam Thăng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton, Công ty TNHH MTV Moonchang Vina... Hầu hết LĐ sau khi đào tạo được tiếp nhận vào làm việc ổn định tại DN với mức thu nhập khá.

Công nhân THACO thiết kế mẫu ghế ô tô.
Công nhân THACO thiết kế mẫu ghế ô tô. Ảnh: P.V

Ông Quý cũng đề nghị các DN có nhu cầu tuyển dụng cần có thông báo gửi Sở LĐ-TB&XH, cụ thể thông tin để sở hỗ trợ DN khớp nối tuyển dụng LĐ. Các DN cũng cần thay đổi phương thức tuyển dụng LĐ, cần đi trực tiếp đến cơ sở để tuyển dụng LĐ ở tận xã, thôn trong các phiên giao dịch việc làm ở cơ sở đang được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh thực hiện mạnh.

Các công ty cũng cần có chế độ đãi ngộ tốt để thu hút, giúp người LĐ gắn bó với công ty. Các DN cần sử dụng các cộng tác viên trong tuyển dụng LĐ, có chế độ bồi dưỡng cộng tác viên giúp công ty tuyển dụng LĐ, vì họ gần gũi với người LĐ hơn nên sẽ biết được nguồn lực ở cơ sở sát hơn.

[VIDEO] - Ông Ngô Văn Hùng - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam trả lời câu hỏi của công nhân về chính sách hỗ trợ nhà ở:

 
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi với công nhân về tầm quan trọng của BHXH, BHYT và việc rút BHXH một lần.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường trao đổi với CNLĐ về tầm quan trọng của BHXH, BHYT và việc rút BHXH một lần. Ảnh: P.V

8h45:

- Ông Trần Văn Minh - Công ty CP May Núi Thành: Ngành may mặc là ngành nặng nhọc độc hại, phần lớn CNLĐ nghỉ trước tuổi vì mức lương thấp, chỉ từ 1,8 - 3 triệu đồng/tháng, phần lớn rút BHXH một lần. Do đó, đề nghị cần điều chỉnh Luật BHXH nhằm tạo điều kiện cho người LĐ tiếp nhận chế độ hưu trí, với mức lương đảm bảo đời sống tối thiểu.

Ông Trần Văn Minh – Công ty May Núi Thành.
Ông Trần Văn Minh - Công ty CP May Núi Thành. Ảnh: P.V

Tại Núi Thành, CNLĐ đông nhưng không có nhiều thiết chế cho CNLĐ như nhà ở giá rẻ, nhà trẻ, khu vui chơi... Có chính sách gì hỗ trợ CNLĐ có điều kiện tiếp cận với các thiết chế?

Hội nghị đối thoại với người LĐ nay được tổ chức theo hình thức toàn thể, nhưng nhiều DN không tổ chức đối thoại với người LĐ, nên đề nghị UBND tỉnh tăng cường kiểm tra để yêu cầu DN thực hiện theo đúng quy định, để CNLĐ được phát biểu nguyện vọng, đề đạt ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam: Nghề là công việc nặng nhọc độc hại đều được quy định cụ thể, các chính sách dành riêng cho LĐ làm việc này cũng quy định rõ ràng.

Tuổi hưu được trừ 5 năm theo quy định, không phải giám định. Hiện nay gia tăng tình trạng nghỉ việc hưởng chế độ một lần để giải quyết khó khăn trước mắt. Chúng tôi đã kiến nghị đề nghị giảm tuổi đóng BHXH của người LĐ còn 15 năm, thậm chí 10 năm được nghỉ để hưởng lương hưu, với mức lương hưu bằng với mức lương cơ sở, được cấp thẻ BHYT. Thậm chí đề nghị mở theo hướng giải quyết phần người LĐ đã đóng BHXH, phần nợ của DN đóng sẽ trừ ra, để người LĐ vẫn được hưởng chế độ mà không bị vướng khi DN nợ BHXH.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Quí Quý.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Quí Quý. Ảnh: P.V

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Quí Quý: Theo quy định, chủ sử dụng LĐ phải đối thoại với người LĐ nhằm tạo cầu nối, thậm chí trong DN không có tổ chức công đoàn thì DN cũng bắt buộc phải đối thoại với người LĐ. Nếu DN không thực hiện đúng thì là vi phạm, bắt buộc xử lý vi phạm hành chính từ 5 - 10 triệu đồng khi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền quản lý cấp huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm.

Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng dịch bệnh nên đã hạn chế thấp nhất việc thanh tra, kiểm tra DN. Từ năm 2023 trở đi sẽ thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra đảm bảo quyền lợi cho người LĐ.

[VIDEO] - Chị Trần Thị Định - công nhân Công ty May Thái Liên (Đại Lộc) chia sẻ niềm vui khi nhận hỗ trợ theo Nghị quyết 116 của Chính phủ (video thực hiện tháng 11.2021):

- Bà Huỳnh Thị Nhật Bản - Công ty TNHH Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ): Hiện nay một số DN đóng tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không đóng BHXH, ảnh hưởng đến việc thực hiện chế độ chính sách và quyền lợi của người LĐ. Đề nghị các đồng chí lãnh đạo cho biết những chủ trương của tỉnh để khắc phục tồn tại này?

Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam trả lời câu hỏi của CNLĐ. Ảnh: P.V

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam: Theo quy định của Luật BHXH, người LĐ là công dân Việt Nam làm việc theo hợp đồng LĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc bao gồm: người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng theo mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng; người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng. Nếu đơn vị, DN nào không đóng cho người LĐ thì người LĐ có quyền khởi kiện ra tòa án các cấp.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh việc tham gia BHXH bắt buộc của DN trong các khu, cụm công nghiệp thực hiện tương đối tốt. Tuy nhiên, một số DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh ngoài các khu, cụm công nghiệp, việc tham gia BHXH bắt buộc cho người LĐ vẫn còn chưa đầy đủ, đây là hành vi vi phạm pháp luật về BHXH.

UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH, BHXH tỉnh, các cơ quan liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH trong DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh để kịp thời xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý những hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Văn Hùng – Phó Giám đốc BHXH Quảng Nam:

8h30:

 
Công nhân Huỳnh Thị Dư - Công ty TNHH Panko Tam Thăng đặt câu hỏi mở đầu cuộc đối thoại. Ảnh: P.V

- Mở đầu buổi đối thoại, chị Huỳnh Thị Dư - Công ty TNHH Panko Tam Thăng (Khu công nghiệp Tam Thăng, Tam Kỳ) hỏi: Chính phủ ban hành Nghị định 105/2020/NĐ-CP quy định chính sách phát triển giáo dục mầm non, trong đó có chính sách đối với trẻ em là con CNLĐ làm việc tại khu công nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1.11.2020. Theo quy định thì con em chúng tôi sẽ được hỗ trợ, vậy tôi muốn biết khi nào người LĐ mới được nhận khoản hỗ trợ này?

Hai năm đã trôi qua, con em người LĐ đã lên lớp 1, thì họ có được nhận khoản hỗ trợ này theo kiểu truy lĩnh hay không?

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ: Ngày 19.4.2021 HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn Quảng Nam, có hiệu lực thi hành từ ngày 5.5.2021 và UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1321/QĐ-UBND, ngày 17.5.2021 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 22.

Ông Nguyễn Hồng Lai – Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ trả lời câu hỏi của bà Huỳnh Thị Dư.
Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP. Tam Kỳ trả lời câu hỏi. Ảnh: P.V

Nghị quyết này quy định chính sách hỗ trợ đối với trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép thành lập và hoạt động theo đúng quy định, có cha hoặc mẹ hoặc người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em là công nhân, người LĐ đang làm việc tại các khu công nghiệp được doanh nghiệp ký hợp đồng lao động theo quy định. Mức hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng, tính theo số tháng học thực tế, không quá 9 tháng/năm học.

Thực hiện chính sách hỗ trợ này, UBND TP.Tam Kỳ đã ban hành Quyết định số 8323/QĐ-UBND, ngày 15.12.2021 về việc phê duyệt danh sách trẻ hưởng chính sách hỗ trợ; theo đó, có 795 trẻ em được hưởng chính sách hỗ trợ với số tiền hơn 1,19 tỷ đồng. UBND thành phố đã giao Phòng GD-ĐT triển khai. Hiện nay TP.Tam Kỳ đang tiếp tục rà soát danh sách để thực hiện chi trả theo đúng quy định.

8h20:

Tiếp sau phát biểu khai mạc của đồng chí Phan Việt Cường, đồng chí Huỳnh Thị Thùy Dung - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy báo cáo tổng hợp kiến nghị của CNLĐ trên địa bàn tỉnh.

 
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung báo cáo tổng hợp kiến nghị của CNLĐ. Ảnh: P.V

Theo đó, hiện CNLĐ đã gửi đề xuất, kiến nghị 22 nội dung tập trung vào các vấn đề có liên quan về chế độ chính sách, an sinh xã hội, an toàn LĐ, công tác tuyên truyền - giáo dục pháp luật cho người LĐ, đào tạo nghề, thủ tục hành chính và một số vấn đề khác có liên quan.

Bên cạnh những kiến nghị, đề xuất, nhiều doanh nghiệp, CNLĐ cũng đã bày tỏ cảm kích, tri ân, thể hiện niềm tin sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý, điều hành và vào cuộc quyết liệt của chính quyền, sự đồng hành của Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhất là trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua. Bằng nghĩa cử, hành động hết sức thiết thực, tỉnh đã kịp thời chia sẻ những khó khăn, hỗ trợ các DN, CNLĐ bằng những cơ chế, chính sách, phần quà đầy nghĩa và mang tính nhân văn sâu sắc.

Nhóm vấn đề liên quan đến chế độ chính sách gồm 9 nội dung, đây cũng là nhóm vấn đề được đoàn viên, CNLĐ quan tâm nhiều nhất. Ngoài ra còn có nhóm vấn đề liên quan đến an sinh xã hội như thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, công tác đào tạo nghề, môi trường, an toàn giao thông trong các khu công nghiệp, cấp phép lao động cho LĐ nước ngoài...

 
 Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: P.V

8h10:

Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường khẳng định, hội nghị gặp gỡ, đối thoại với CNLĐ lần này nhằm lắng nghe ý kiến đề xuất, kiến nghị cũng như tâm tư, nguyện vọng của anh chị em CNLĐ về việc triển khai các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ trương, chính sách của tỉnh về hỗ trợ, chăm lo người LĐ. Qua đó, nhằm chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của anh chị em CNLĐ.

[VIDEO] - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường phát biểu khai mạc buổi đối thoại:

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nhấn mạnh, từ năm 2020 đến nay, tình hình dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến hết sức phức tạp, đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, CNLĐ là đối tượng bị tác động và ảnh hưởng trực tiếp nhất. Nhiều công ty, xí nghiệp, cơ sở dịch vụ, du lịch ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; người LĐ không có việc làm, không có thu nhập, đời sống rất khó khăn.

Bên cạnh đó, việc thực thi pháp luật lao động như bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) ở một số doanh nghiệp (DN) còn hạn chế; các vấn đề như nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi cho con của CNLĐ… chưa được đầu tư đúng mức; chất lượng bữa ăn giữa ca, thỏa ước lao động tập thể ở một số nơi chưa đảm bảo theo quy định. Sự phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong việc chỉ đạo, quản lý DN; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại một số DN chưa được thực hiện đầy đủ.

Gần 200 công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp của tỉnh tham dự buổi đối thoại.
Gần 200 CNLĐ tại các khu công nghiệp tham dự buổi đối thoại. Ảnh: P.V

Thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra thực hiện pháp luật lao động ở các DN, tham gia chia sẻ, hỗ trợ một phần khó khăn cho CNLĐ. Các DN cũng đã chủ động sắp xếp, bố trí các phương án lao động phù hợp với công tác phòng chống dịch và đảm bảo việc làm cho người LĐ; cho nghỉ luân phiên để đảm bảo việc làm, thu nhập của CNLĐ.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đề nghị CNLĐ cần phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực đặt câu hỏi, đề xuất, kiến nghị, phản biện tại hội nghị. Đây chính là cơ hội để anh chị em CNLĐ trao đổi, chia sẻ những suy nghĩ, nhận thức, cũng như những trăn trở đối với vấn đề mà mình quan tâm, tâm huyết, nhất là về thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương, của tỉnh, việc thực thi pháp luật LĐ đối với CNLĐ ở các danh nghiệp. Qua đó, lãnh đạo tỉnh có thêm thông tin lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị tốt hơn trong thời gian tới.

Quang cảnh buổi đối thoại
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: P.V

Đồng chí Phan Việt Cường cũng yêu cầu các ngành, đơn vị có trách nhiệm lắng nghe và tiếp thu ý kiến, đề xuất, kiến nghị của CNLĐ trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc; giải trình làm rõ, trả lời những câu hỏi, đề xuất, vướng mắc của DN, của CNLĐ đảm bảo đúng pháp luật, đúng thẩm quyền.

Đồng thời phải theo dõi diễn biến, cập nhật, tổng hợp đầy đủ, trung thực thông tin tại hội nghị để phối hợp tham mưu giải quyết, đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ; theo dõi việc giải quyết của các cấp có thẩm quyền sau hội nghị. Đối với những vấn đề không thuộc thẩm quyền thì tiếp thu, tổng hợp kiến nghị Trung ương nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đối thoại với công nhân, người lao động các khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO