Như các phủ huyện khác của Quảng Nam, huyện Lễ Dương (Thăng Bình) đã từng có một ngôi văn thánh. Nhưng rồi văn thánh biến mất dưới tác động của chiến tranh, thời gian và con người. Rất may vẫn còn dấu tích từ 9 tấm bia đá.
Đường quê Thăng Bình. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Văn thánh huyện Lễ Dương
Nho giáo du nhập vào nước ta rất sớm đã trở thành hệ tư tưởng chi phối xã hội dưới thời phong kiến. Phục vụ cho hệ tư tưởng Nho giáo, Nho học phát triển để đào tạo đội ngũ quan lại. Cùng với sự phát triển của Nho học, hệ thống các văn thánh, văn miếu, văn từ, văn chỉ được hình thành ở các địa phương. Dưới thời nhà Nguyễn, ở Quảng Nam phần lớn các phủ huyện đều có văn thánh. Đây là nơi thờ Khổng Tử, các học trò “cưng” của ông (tứ phối) và các bậc tiên Nho, các bậc khoa bảng của địa phương. Văn thánh cũng đảm nhận luôn chức năng là trường học để dạy học trò các cấp. Chính vì vậy văn thánh là một công trình quan trọng trong thiết chế nhà nước phong kiến và cũng là biểu tượng văn hóa - tinh thần của nhân dân.
Văn thánh của huyện Lễ Dương đặt tại xã Hà Lam, tổng Phú Mỹ Trung (nay là thị trấn Hà Lam) nơi được xem là trung tâm của huyện.
Theo các tác giả Nguyễn Bằng và Nguyễn Văn Hà trong Bia Văn thánh và một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình (UBND huyện Thăng Bình xuất bản năm 2015) thì sau nhiều dự tính của các bậc thân sĩ không thành, mãi đến đầu năm 1855, cụ Nguyễn Đạo, một người được triều đình đánh giá là có đạo đức - phẩm hạnh, nhiều lần được khen thưởng đã đứng ra vận động quyên góp và nhất là sự hỗ trợ tích cực của Tri phủ Thăng Bình Ngụy Khắc Đản đến năm 1856, Văn thánh huyện Lễ Dương được khánh thành với nhà Chánh điện và hai khu Tả - Hữu vu. Sau này nối tiếp cụ Nguyễn Đạo có cụ Nguyễn Trường (thân phụ Tiểu La Nguyễn Thành), cử nhân Nguyễn Tạo, phó bảng Nguyễn Thuật (con của Nguyễn Đạo), cử nhân Nguyễn Chức (con Nguyễn Thuật) đã xây dựng thêm, trùng tu, tạo nên một khu văn thánh hoàn chỉnh bề thế gồm hồ sen hình bán nguyệt làm thành “tiểu minh đường”, cổng tam quan với đôi câu đối “Nhập môn tự khả hành nhi sở; Ngoại hộ duy tri tỉnh bất do” (Vào phải biết mình là ai. Ra phải biết mình như thế nào), sân trước với nhiều cây mai, cây thông (tượng trưng cho người quân tử), giếng nước, miếu thổ thần… Trước sân có 9 tấm bia đá. Cuối cùng là khu miếu thờ gồm tiền đường, chánh điện, tả hữu vu, đông tây đường (trước đây được dùng làm nhà học)… Phía sau là các dãy nhà dùng để chứa dụng cụ và sinh hoạt nhất là để chuẩn bị cho các kỳ tế lễ hàng năm.
Một tấm bia về Văn thánh huyện Lễ Dương. |
Tháng 12.1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến”, Văn thánh huyện Lễ Dương bị triệt hạ. Năm 1956, hòa bình lập lại, văn thánh được phục dựng bằng tường gạch, mái lợp tôn, bên trong có 3 bệ thờ. Phía trước có 2 dãy nhà tôn che hai hàng bia đá. Khoảng năm 1965-1966 do nhu cầu học tập của con em, chính quyền xã Bình Nguyên đã thương lượng với thân hào trong Văn hội (quản lí Văn thánh) nhượng phần đất thổ canh trong khuôn viên văn thánh để xây trường Tiểu học Hà Lam 1. Từ đó văn thánh tồn tại song hành cùng trường Hà Lam 1.
Sau năm 1975, do nhu cầu mở rộng trường Hà Lam 1 (nay là trường Kim Đồng), văn thánh được nhập vào khuôn viên trường. Các cụ trong chư tộc tiền hiền làng Hà Lam đã chuyển 9 tấm bia của văn thánh về gửi nhờ ở Tiền hiền làng. Văn thánh thực sự bị xóa sổ.
9 tấm bia đá đặc biệt
Ngoài một tấm hoành phi có với 2 đại tự “Đại Thành” được văn thân trong huyện tiến cúng vào năm 1909 và một bàn hương án trước đây đặt tại Tiên đạt từ (nơi thờ các bậc tiên thánh) lưu lạc đến làng Tư Chánh năm 1947 thì hiện nay Văn thánh huyện còn giữ được 9 tấm bia đá ghi danh các nhân vật lịch sử, các vị khoa bảng từ tú tài trở lên, các bà tiết nghĩa của huyện. Những tấm bia này được dựng với mục đích rõ ràng được khắc trong bia số 6, tạm dịch: “Từng biết, xưa nay tên tuổi các bậc khoa hoạn nổi tiếng, các nhân vật nổi danh được hậu thế mọi người xưng tụng, không cần ghi lên bia đá làm gì. Nhưng sự việc đó nếu để lâu năm thì lời truyền tụng theo thời gian sẽ mất đi tính trung thực, khiến hậu thế khi chiêm ngưỡng muốn tận mắt xem thấy công lao của họ, tường tận về ngôi thứ đỗ đạt khoa danh của tiền nhân, chẳng phải than thở vì thiếu căn cớ làm bằng, do vậy các bia đá này dựng lên đâu phải là chuyện vô bổ”.
Sáu tấm bia đầu tiên được khắc dựng vào năm 1896, các tấm bia số 7, 8 được dựng vào khoảng năm 1919 - 1920 (có ghi tên một vị tú tài Tây học). Tấm cuối cùng được dựng năm 1939.
Trong 9 tấm bia hiện còn có 7 tấm khắc tên tuổi, quê quán các bậc khoa bảng của huyện từ năm Gia Long thứ 12 (1814) đến năm Bảo Đại thứ 12 (1936) với 1 tiến sĩ, 3 phó bảng, 36 cử nhân (có 3 hương cống) và 127 tú tài (có 13 sinh đồ, 1 tú tài Tây học), 1 tấm khắc tên 10 bà tiết phụ được thưởng biển “Tiết hạnh khả phong” và “Háo nghĩa khả phong”; 1 tấm bia công thần, khắc ghi công trạng của Nguyễn Văn Trương, một vị tướng tài thời Gia Long được xem là “Gia Định đệ nhất ngũ hổ tướng”, có quê ở làng An Lý, huyện Lễ Dương (xã Bình Phú, huyện Thăng Bình) và Chánh đốc học dinh Quảng Nam tên Trương Công Diêu quê làng Hưng Thạnh Tây (là xã Bình Triều, huyện Thăng Bình).
Điểm đặc sắc của 9 tấm bia ở Văn miếu huyện Lễ Dương so với văn bia ở các nơi khác là có khắc tên cả “văn thần” lẫn “võ tướng”, cả Nho học lẫn Tây học, cả nam lẫn nữ (văn thánh ở nơi khác ít thấy khắc tên phụ nữ).
Những tấm bia ở tiền hiền làng Hà Lam hiện nay là những tư liệu rất quý để tìm hiểu lịch sử, truyền thống hiếu học, khoa bảng, “bộ mặt văn hóa” một thời của vùng đất Thăng Bình, Hiệp Đức.
Năm 2015, UBND huyện Thăng Bình đã cho chụp ảnh, sao chép, phiên âm, dịch nghĩa cả 9 tấm bia này (cùng 4 tấm bia khác ở cầu Hà Kiều, Nghĩa trủng và đình làng Hà Lam) và in lại thành một tập sách với tựa đề: Bia Văn thánh & một số văn bia Hán Nôm tại huyện Thăng Bình. Hai tác giả Nguyễn Bằng và Nguyễn Văn Hà đã có công rất lớn trong việc cho ra đời tập sách này. Ngoài việc chụp ảnh, sao chép, phiên dịch, dịch nghĩa hai tác giả cũng dày công nghiên cứu đưa ra nhiều chú thích quan trọng giúp người đọc hiểu thêm rất nhiều điều nhất là về thuật ngữ và điển cố. Tuy nhiên hiện nay 9 tấm bia vẫn còn “tạm gửi” ở tiền hiền làng Hà Lam, chưa có giải pháp thật phù hợp để bảo quản.
LÊ THÍ