Anh nhớ bài thơ đầu tiên - bài thơ anh viết về tình yêu của cha mẹ anh, câu chữ còn ngây ngô nhưng tình yêu thì thật đẹp! Một cuộc tình mà biển cả ôm ấp cái duyên kỳ ngộ của chàng trai thành phố cùng nàng tiên cá hiền thục bị xô giạt, chịu sự chi phối ngẫu nhiên của số phận, mượn xác gửi hồn cho một người đàn ông xa xứ. “Tiếng sóng ru êm… ru êm/ Bãi cát sóng vỗ nghiêng theo chiều nắng/Biển một màu xanh thầm lặng muôn đời/ …Ô kìa/ Tình yêu/ Vỗ cánh trùng khơi”. Biển của cha, của mẹ đẹp quá đã trở thành dấu ấn đậm nét trong tâm hồn anh. Anh mơ ước có một tình yêu như thế để rồi ở bên bờ biển có “ngôi nhà và những đứa trẻ”. Sinh đứa con trai anh sẽ đặt tên là Trùng Dương, sinh đứa con gái anh sẽ đặt tên là Biển.
Thế nhưng ao ước chỉ là huyễn mộng mà anh tự đặt cho mình. Được phân công giảng dạy tại ngôi trường miền biển, chỉ có mấy tháng là anh nhớ phố không chịu được! Cố gắng lắm anh mới trụ lại một năm rồi chạy vạy, xin xỏ về thành phố. Sinh đứa con trai đầu lòng, anh quên mất thế giới biển cả của cha mẹ anh. Cái tên Trùng Dương không còn đọng trong trí nhớ khi anh lâm râm khấn vái Mụ Bà trong ngày đầy tháng cho con. Sực tỉnh, ở lần sinh đứa con gái, anh lẩm nhẩm Biển… Biển... Lại có lời bàn ra tán vào. Ôi trời, đến thế kỷ này mà còn có người như anh? Thế sao không đặt tên cho thằng con trai là Vọi cho hợp luôn thể. Anh muốn đặt tên theo Khái Hưng trong truyện Trống Mái thì nói? Biển cũng đẹp chứ sao? Đẹp gì mà đẹp, quê một cục! Sau này con gái anh lớn lên, cô tiểu thư thành phố lại mang cái tên cù mì cục mịch như thế, nó không đổi khai sinh thì mới lạ. Ừ…thì không đặt tên Biển cũng được. Cái tên là để gọi. Tên hay ho càng dễ gọi, càng dễ chiếm cảm tình. Thế thôi.
Thằng con trai anh học rất khá. Nó vừa tốt nghiệp đại học, chưa kiếm được việc làm. Rảnh rỗi nó đâm ra nghiện điện thoại di động. Nó cứ bấm liên tục, suốt ngày. Chiếc điện thoại cũ không cập nhật được phần mềm nào đó, nó lại đòi anh mua cho loại mới, dòng máy thông minh, hiện đại nhất. Hiện đại nhất thì có smartphone. Nhưng smartphone đắt tiền lắm con à! Gia đình mình chưa đủ khả năng để con xài smartphone. Đắt tiền thì mình xài hàng nhái, hàng nhái cũng cập nhật đầy đủ có sao đâu? Tại sao mình phải lệ thuộc vào hàng chính hãng? Cả tỷ người trên thế giới này xài smartphone, chẳng lẽ họ bị lệ thuộc hết? Không hẳn như vậy, nhất là giới trẻ, mà đặc biệt là những người chưa tạo được cuộc sống riêng, chưa đứng vững trên đôi chân của mình. Cả ngày smartphone. Ăn smartphone. Ngủ smartphone… còn thì giờ đâu mà nghĩ đến chuyện khác? Nhưng hàng nhái chẳng phải là smartphone, cho nên mình chẳng lệ thuộc nó. Đó là điều viển vông.
Đứa con gái của anh có năng khiếu về nghệ thuật, nó đọc Ráp nhanh như gió. Bạn bè nó tán dương, còn anh nghe không lọt lỗ tai, mà muốn lọt lỗ tai cũng đâu có được. Cái miệng không tròn vành rõ chữ cứ nhấp nha nhấp nhảnh một mớ lời thì đố ai mà nghe cho được, đừng nói chi đến âm thanh đó, nó có thể thấm tận vào hồn người. Ba lỗi thời, không dở đâu vì đó là dòng nhạc hiện đại mà ba? Ba không chê là dở mà chê nó không phù hợp với mình. Trào lưu cả thế giới, tại mình không bắt kịp, à, tụi bạn con khen, nếu con học trường lớp bài bản thì có thể trở thành ca sĩ chứ đâu phải là nghiệp dư như bây giờ? Ca sĩ gì, vớ vẩn! Ca sĩ là người phải hiểu thật rõ bản chất của dòng nhạc mình muốn biểu diễn mà trước hết là phải biết nó có gắn liền với yếu tố văn hóa và bản sắc dân tộc không đã. Hồn vía dân tộc không thể là cái lẩu thập cẩm, ưng chi thì cho vào nấy! Phải chọn lọc, dứt khoát là phải chọn lọc - anh khẳng định một cách quyết liệt, và ao ước phải chi nó là Biển cù mì cục mịch, chắc nó sẽ hiểu được những âm thanh của đất trời, biển cả quê hương như những con sóng có lúc dịu êm như khúc tình ca, có lúc ào ạt dữ dội như khúc hùng ca… nhưng lúc nào âm thanh cũng không vượt ra khỏi những cung bậc tình cảm của con người.
Nghĩ ngợi về những cuộc tranh luận với hai con rồi anh ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Một đoàn người ăn vận kiểu xưa có, kiểu nay có, đi ngang qua. Họ lẳng lặng đi về hướng đông mà không thèm để ý đến anh. Anh cũng quên mình đang đứng ở đâu so với đoàn người. Tưởng vài chục người không ngờ nhiều quá. Anh bắt đầu đếm thử. Một, hai, ba…. Một trăm…hai trăm… rồi một ngàn… hai ngàn… Anh bỗng ngừng đếm vì có ai như cha mẹ anh. Đúng là cha anh nhưng sao đôi mắt ông đỏ ngầu thế kia? Anh không dám gọi. Còn mẹ, xa cách mấy chục năm, chẳng lẽ mẹ không mừng khi gặp mặt anh? Bộ mẹ quên mất anh rồi sao? Anh nhớ cha mẹ lắm! Lại nhớ đến những câu chuyện êm đềm của song thân. Anh nghe tim nhói đau. Anh giật mình. Cơn mê ngủ không còn. Anh thức dậy vừa lúc trên ti vi phát bản tin buổi sáng: “Sau hơn hai tháng kể từ khi Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam, tàu Trung Quốc đã có những hành vi khiêu khích, đâm va, xịt vòi rồng ngăn cản lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Ngày 3. 7. 2014, Trung Quốc tiếp tục gây thêm hành vi vô nhân đạo, ngang ngược bắt giữ trái phép 6 ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá tại ngư trường Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam”.
Anh bần thần với bản tin vừa phát trên ti vi. Trung Quốc còn muốn làm gì nữa đây? Ngang ngược bắt người, cố tình đâm chìm tàu cá của ngư dân là hành vi phi nhân tính, là tội ác, trời đất không dung tha, huống chi là... Anh cảm thấy thương những người dân chài quê mình vô kể. Để mưu sinh họ phải gánh chịu biết bao thảm nạn. Anh còn nhớ cơn bão Chanchu gieo biết bao tang tóc... mẹ mất con, vợ mất chồng, con mất cha… đau thương đã trùm lên cả một vùng quê nghèo tưởng chừng như khó gượng dậy nổi. Nay cuộc sống đã được hồi sinh thì kẻ láng giềng hung bạo, tham tàn lại cướp biển, bắt người. Cuộc mưu sinh lại rơi vào khổ nạn, lao đao. Tại sao chúng ta không được yên ổn làm ăn, sinh sống trong vùng biển, vùng trời mà ông cha đã gìn giữ từ bao đời nay để giao lại cho cháu con? Tại vì “ông bạn láng giềng” tham lam, muốn độc chiếm biển Đông thành cái ao nhà.
Anh miên man suy nghĩ. Vừa lúc đó, có tiếng gọi của con gái:
- Mời ba ăn cơm!
Anh ngạc nhiên:
- Ủa, sáng hung rồi hả, con?
Anh vùng dậy. Khi anh đánh răng rửa mặt xong, bữa cơm sáng đã được dọn sẵn và cả nhà đang chờ anh. Nhìn đĩa cá trước mặt trông thật tươi ngon khiến anh nhớ lại giấc mơ, nhớ lại bản tin buổi sáng phát trên ti vi. Để có được những con cá biển tươi ngon phục vụ bữa ăn cho hàng vạn gia đình, bà con ngư dân đã phải đối mặt với bao hiểm nguy khi biển trời của ta bị ngoại bang xâm phạm.
- Sao ba không ăn cơm?
- Ba thấy mệt trong người.
Hai đứa con anh ăn xong, lần lượt đứng dậy. Chúng thay quần áo đi đâu đấy. Sự uể oải trên gương mặt anh bỗng biến mất khi hai đứa con anh mặc chiếc áo thun đỏ có in dòng chữ: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”. Thấy anh ngạc nhiên, đứa con trai giải thích: “Cái áo này, tụi con chung tiền lại in. Hôm nay, chúng con mặc để đi dự mít tinh phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Nhìn hai đứa con hớn hở ra đi, anh mỉm cười. Và anh lại nhớ bài thơ Thần của Lý Thường Kiệt: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư”(*).
NGUYỄN NGỌC CHƯƠNG
(*) Dịch thơ:
Sông núi nước Nam, Nam đế ở
Rành rành phân định tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.