Năm 2013, Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng cho tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” cho Trần Mai Hạnh - cựu phóng viên TTXVN.
Để ra mắt được cuốn tiểu thuyết gần 600 trang, ngồn ngộn về tư liệu lịch sử này, nhà báo Trần Mai Hạnh đã phải “tiêu hóa” khối lượng tài liệu khổng lồ của cả hai phía, đặc biệt là những tài liệu mật của chế độ Việt Nam Cộng hòa và của phía Mỹ.
Nhà báo Trần Mai Hạnh có may mắn được phân công theo sát đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30.4.1975, chứng kiến toàn bộ nội các của Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng quân Giải phóng và vị Tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng hòa đọc lời đầu hàng trên Đài phát thanh Sài Gòn.
Ông Hạnh còn được Ủy ban Quân quản Sài Gòn - Gia Định bấy giờ cấp cho một giấy giới thiệu đặc biệt để có điều kiện thâm nhập bất cứ kho tư liệu nào liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Đã có “thực đơn chiến tranh” và “nguyên liệu” rồi nhưng phải mất gần 40 năm sau, nhà báo Trần Mai Hạnh mới “dọn cỗ” được những gì mà ông chuẩn bị gần 4 thập kỷ trước đó.
Ngay tựa đề cuốn sách, tác giả đã muốn gửi một thông điệp: sự chân thật khách quan khi phản ảnh cuộc chiến. Nó là “biên bản” ghi lại, mà đã là “biên bản” thì trên nguyên tắc, không được phép bóp méo.
Từ khi mở màn chiến dịch giải phóng miền Nam tháng 1.1975 mở đầu cho trận đánh Phước Long, đến tháng 4.1975, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, cuốn sách như một biên niên sử, ghi chép lại những diễn biến chính 4 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh.
Khác với nhiều cuốn sách trước đó viết về chiến tranh Việt Nam, Trần Mai Hạnh không bình phẩm hay nhận xét gì đối với chân dung những nhân vật phía bên kia. Ông chỉ kể lại câu chuyện một cách chân xác nhất, còn việc đánh giá, ông nhường cho người đọc.
Chẳng hạn như viết về tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Khoa Nam, Tư lệnh Quân đoàn 4 ở Đồng bằng sông Cửu Long, ông Hạnh không vẽ lên sự “gian ác, khát máu” hoặc “cuồng tín” như một số người khi viết về các “chân dung tướng ngụy Sài Gòn” đã viết trước đó.
Tướng Nam hiện lên trên trang sách như những gì ông ấy có: trí thức, hành xử có văn hóa, sống có lý tưởng theo cách của ông ấy. Hay tin ông Dương Văn Minh đầu hàng, tướng Nam khuyên thuộc cấp của mình là vất súng đi, về đoàn tụ với gia đình.
Ông cũng ra lệnh cho thuộc cấp là không được phá hủy bất cứ cây cầu nào trước khi quân Giải phóng đến. Sắp xếp xong mọi việc, ông Nam ngồi vào chiếc ghế làm việc quen thuộc của mình hàng ngày và bắn vào đầu để tự sát.
Dẫn ra một vài chi tiết về cuốn sách để thấy “biên bản” mà nhà báo Trần Mai Hạnh “ghi lại” những ngày tháng cuối cùng của chế độ Sài Gòn ở một mức độ xác tín cao. Thể loại tiểu thuyết nhưng sự “hư cấu” của nhà văn không nhiều, tác giả chỉ dày công sắp xếp lại những tư liệu, kể lại một cách bài bản và trung thực. Cuốn sách đã tái bản nhiều lần là chính nhờ vào sự hấp dẫn và chân thực này.
Cuộc hành quân thần tốc của quân Giải phóng tiến vào Sài Gòn trưa 30.4.1975 đã làm cho không ít nhà báo, nhà văn và các đạo diễn phim tài liệu phải chạy theo “toát mồ hôi” mới có mặt tại Dinh Độc Lập sớm nhất. Sự lỡ nhịp trước cuộc tiến quân thần tốc ấy đã gây cảnh “khóc cười” cho không ít văn nghệ sĩ.
Chẳng hạn như cảnh xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập là do một phóng viên người Pháp ghi lại - xe 390. Nhưng khi phải “đóng lại” để ghi hình vì các nhà làm phim Việt Nam không trực tiếp ghi được cảnh ấy thì là xe 843. Là “đóng lại” nhưng xe 843 “lộng giả thành chân”, còn chiếc xe 390 đã rơi vào lãng quên 20 năm sau đó, mãi đến khi có sự “đính chính” của phóng viên người Pháp, nó mới được trả lại đúng vị trí lịch sử.
Có những “biên bản” ghi trực tiếp buổi trưa lịch sử ấy nhưng cũng có những “biên bản” phải đợi độ lùi của thời gian nhiều thập kỷ mới có thể phản ảnh trung thực nhất. Tiểu thuyết “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của Trần Mai Hạnh thuộc số đó.