Biển bờ lo toan

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/06/2018 08:26

Những ngày giữa tháng Sáu, trời hầm như chảo muối rang. Cái oi nồng, rin rít, ảnh hưởng không khí từ xứ “nắng như rang, gió như phang”, qua Phan Rí, Phan Thiết… càng thao thiết bao nỗi lo trên bờ. Rõ ràng sự bất an vì cơn bạo động quá khích khiến cho việc vãn hồi trật tự còn phải kéo dài nhiều ngày và hầu hết tỉnh thành trong nước đều phải phòng ngừa. Những cuộc đối thoại giữa chính quyền với dân cần phải được mở để tháo ngòi nổ những khúc mắc, ẩn ức, làm sao dân yên thì nước mới ổn.

Có nỗi lo toan khác không mang màu sắc an ninh chính trị nhưng cũng cần phải hết sức chú ý để cho bờ được yên là chuyện nợ tàu thuyền. Khát vọng vươn ra biển đã có nhiều chương trình, chiến lược, chính sách hỗ trợ nhưng vẫn còn dập dềnh vướng mắc. Tàu đóng mới, công suất lớn mà làm ăn vẫn thiếu hiệu quả khiến nợ vay kéo dài. Nhiều con “tàu 67” trên miền duyên hải, trong đó có Quảng Nam, trục trặc từ khâu đóng đến khâu tổ chức ngành nghề khai thác, làm cho ngân hàng muốn “thanh lý” để khỏi phát sinh nợ xấu. Thực ra tình huống ấy có mới mẻ gì đâu. Tôi còn nhớ những năm đầu tái lập tỉnh Quảng Nam đã có khoảng 50 chiếc tàu công suất lớn được đóng mới theo gói hỗ trợ của Trung ương. Nhưng rồi “xa bờ mà gần nợ”, nợ dây chuyền kéo dài đến khi vỡ quỹ hỗ trợ luôn. Thật đáng tiếc là hai chục năm sau, tình cảnh lại có nguy cơ tái diễn. Vấn đề căn cốt nhất không chỉ là con tàu hiện đại mà còn ở nhân lực, năng lực đánh bắt, khả năng bám biển dài ngày, thị trường chế biến và tiêu thụ,… nếu không đáp ứng đầy đủ các yếu tố đó thì khó mà bền vững. Muốn vươn ra khơi xa thì người từ bờ phải có tầm nhìn và quyết sách đúng cùng phương pháp thực thi hiệu quả.

Trong khi nhiều con tàu công suất lớn còn lùng nhùng trong âu thuyền bến bãi thì ngoài khơi xa, Biển Đông vẫn dậy sóng. Những con “tàu lạ” xuất hiện nhiều hơn khi Trung Quốc gia tăng việc xây dựng các hòn đảo họ chiếm đóng trái phép của Việt Nam, hỗ trợ cho tàu đánh cá nước họ xâm nhập vùng lãnh hải thuộc chủ quyền nước ta. Do vậy, một mặt ta càng phải nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để tàu thuyền ngư dân ra khơi, liên kết sản xuất trên biển; mặt khác phải tăng cường hiện đại hóa các lực lượng và phương tiện hỗ trợ ngư dân. Lo toan là làm sao giữ vững được chủ quyền biển đảo trong khi đối mặt với nguy cơ những thế lực bành trướng gia tăng các hoạt động quân sự hóa. Biển có yên thì bờ mới ổn để lo làm ăn, phát triển kinh tế.

Phát triển kinh tế biển, song hành với chính sách về “tam nông”, cần lưu ý một bộ phận ngư dân ven biển đang gặp những thử thách lớn về sắp xếp dân cư, về sinh kế. Bởi du lịch ven biển, các hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển đang khao khát quỹ đất lớn. Do đó, nhiều làng nghề cá có thể bị xóa sổ để nhường đất cho công nghiệp, du lịch; trong khi ngư dân chuyển đổi nghề khó khăn. Nếu tiếp tục bám nghề với tàu thuyền công suất nhỏ thì chỉ quanh quẩn trong vùng cận duyên, vùng lộng, làm cạn kiệt nguồn lợi. Nếu phát triển nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch sẽ gây ô nhiễm và dịch bệnh tràn lan. Nếu đầu tư tàu lớn vươn khơi mà đánh bắt không hiệu quả và hành nghề đơn độc bị “tàu lạ” tấn công thì “mất cả chì lẫn chài”. Những chữ “nếu” đó đều cần phải đặt lên bàn nghị sự của chính quyền các cấp, lo toan cho dân cũng là lo cho biển bờ an yên.

Trời nóng, biển nóng, đất nóng nhưng người cần có “trái tim nóng mà đầu lạnh” để tính toán tổ chức tốt sinh hoạt đời sống, từ chuyện làm ăn đến an ninh trật tự, giữ mặt trận quốc phòng vững mạnh, bình yên.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biển bờ lo toan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO