Biển cả khôn cùng...

THÀNH CÔNG 23/10/2023 07:32

Ngày 20/10, họ đã được đưa về nhà. Tay trắng. Nhưng cũng đã là niềm may mắn quá lớn đối với 78 ngư dân trong cơn hiểm nạn. Hai tàu cá bị chìm, không tìm thấy tung tích cùng số phận hẩm hiu của 13 ngư dân giữa thăm thẳm lòng biển. Biển xa vẫn đầy bất trắc.

Thuyền trưởng Lương Văn Viên (giữa) òa khóc trong vòng tay người thân. Ảnh: T.C
Thuyền trưởng Lương Văn Viên (giữa) òa khóc trong vòng tay người thân. Ảnh: T.C

Ngày về

Chiếc tàu 467 của Quân chủng Hải quân cập cảng Tam Giang (Núi Thành) vào lúc 14 giờ ngày 20/10. Rất nhiều nước mắt của những ngư dân lẫn người thân của họ sau nhiều ngày ngóng vọng theo hải trình sóng gió. Ám ảnh kinh hoàng còn đọng trên gương mặt thất thần của nhiều người may mắn sống sót.

Lực lượng cứu nạn kết thúc tìm kiếm tàu cá và các ngư dân

Sau 6 ngày nỗ lực với 5 tàu công suất lớn và nhiều tàu ngư dân quần thảo mở rộng phạm vi tìm kiếm, đến ngày 22/10 công tác tìm kiếm vẫn chưa có kết quả, các nạn nhân vẫn đang mất tích. Đại tá Trần Tiến Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, những ngày qua lực lượng chức năng đã cố gắng mở rộng phạm vi tìm kiếm theo nguyện vọng của người thân các nạn nhân, tuy nhiên không tìm thêm được ngư dân nào. Công tác tìm kiếm kết thúc. Tuy nhiên, lực lượng chức năng sẽ thông báo đến các tàu hàng, tàu cá hoạt động gần đó quan sát, theo dõi. Nếu phát hiện các nạn nhân sẽ vớt và báo với lực lượng chức năng.

Anh Lương Văn Trọng, thuyền viên tàu cá QNa-90129TS nói đang ở trên tàu thì bất ngờ con tàu chao đảo rồi lật nghiêng. Điện phụt tắt, tàu chìm. Mọi thứ diễn ra trong chưa đầy 5 phút.

“Uống no nước, tôi mới trồi lên được. May mắn trong số 48 cái thúng trên tàu thì có 3 cái nổi. Ai còn bơi được thì bám thúng, ai yếu thì anh em đưa lên thúng ngồi. Sau một hồi tìm kiếm, gom vớt anh em, đếm lại có tất cả 40 người trong 3 cái thúng” - anh Trọng nói.

Nỗ lực tìm kiếm của các ngư dân chỉ giúp tìm thấy thêm được hai thuyền viên nữa, nhưng họ đã chết sau đó. Sự dạn dày của nhiều năm đi biển cũng không thể giúp được gì nhiều, họ nói, sống được là nhờ may mắn.

Ngư dân Huỳnh Văn Khởi nói, bơi trên biển suốt nửa giờ đồng hồ, lúc tưởng chừng đã sắp đuối sức vì uống phải quá nhiều dầu máy, ông may mắn bám được vào một thùng xốp từ đâu trôi đến.

Thoát chết thần kỳ, mừng vì được sống, nhưng cũng như nhiều ngư dân khác, nỗi đau mất tàu, bạn biển mất tích ám ảnh trong tâm trí.

Thuyền trưởng Lương Văn Viên bưng mặt khóc. Ông không thể đi nổi nữa, được người thân dìu đến ở một chiếc ghế đá, khóc òa. “Bây giờ biết làm sao đây, biết làm sao đây”. Vị thuyền trưởng của con tàu xấu số chưa bao giờ gặp phải một tình huống tương tự trong hơn nửa đời người làm nghề biển của mình.

“Nếu là ban ngày, có khi còn kịp nhìn thấy mà tránh. Lúc đó là đêm, lốc tới quá nhanh, cũng không biết làm cách gì để xoay xở nữa. Bây giờ thì mất hết rồi. Mất tàu, mất người, chẳng còn cái chi nữa” - ông Viên rụt vai, chừng như không còn đủ mạnh.

Ông Lương Văn Hiền (thôn Đông An, xã Tam Giang) dường như lọt thỏm giữa dòng người đến rất đông ở cảng Tam Giang chiều 20/10. Tay run run khi ký giấy xác nhận đưa thi thể con trai về an táng. Hai người con của ông Hiền đi trên tàu là Lương Hùng Vương và Lương Ngọc Anh gặp nạn.

Vương được vớt lên tàu, nhưng đã chết, thi thể được đưa về trong một chiếc tủ cấp đông. Ngọc Anh vẫn còn mất tích. Qua ô cửa sổ xe cấp cứu, hình ảnh người cha già khóc nghẹn bên chiếc tủ đựng thi thể con mình trở thành khoảnh khắc đau buồn nhất của ngày đoàn tụ. Ngày về, nhưng có quá nhiều nỗi đau và nước mắt...

Dìu ngư dân qua nỗi đau

Tại buổi bàn giao các ngư dân gặp nạn, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhiều lần gửi lời chia buồn với các gia đình ngư dân, đặc biệt là các trường hợp có người thân tử vong, mất tích sau chuyến biển.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh hỗ trợ các ngư dân gặp nạn trở về bờ. Ảnh: T.C
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh hỗ trợ các ngư dân gặp nạn trở về bờ. Ảnh: T.C

“Tôi mong muốn bà con sẽ nén đau thương, vượt qua khó khăn, đùm bọc thương yêu nhau khi bám biển. Đồng thời mong bà con chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi bám biển, chia sẻ, hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố.

Trên biển, suốt quá trình hoạt động của bà con luôn có sự hỗ trợ của Nhà nước, các lực lượng chức năng. Mong rằng bà con sẽ sớm vượt qua nỗi đau, tiếp tục đoàn kết, trách nhiệm, tương thân tương ái trong suốt quá trình bám biển làm ăn” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cũng gửi lời biết ơn sâu sắc đến các lực lượng đã tham gia cứu nạn cứu hộ và các tàu cá của ngư dân đã rất trách nhiệm, đoàn kết, kịp thời ứng cứu và tìm kiếm ngư dân trong những ngày qua.

Ngay trong chiều 20/10, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ban ngành, doanh nghiệp và Quân chủng Hải quân đã hỗ trợ ban đầu cho gia đình các ngư dân với số tiền gần 500 triệu đồng.

Những hoạt động hỗ trợ vẫn đang được tiếp tục, cùng các giải pháp trước mắt và lâu dài để ổn định tâm lý, kịp thời san sẻ khó khăn, mất mát của các ngư dân. Nỗi đau còn đó, nhưng đi qua khoảnh khắc kinh hoàng của cuộc đời, nhiều người vẫn trả lời sẽ cố gắng bình tâm và sớm trở lại bám biển.

Ông Nguyễn Hữu Đối (thôn Xuân Trung, xã Tam Quang) gãy chân sau vụ chìm tàu, được cõng ra xe để về nhà, vẫn quả quyết: “Mai này lành lại, rồi cũng sẽ làm biển chớ. Dân biển, không làm biển thì biết sống bằng cái chi!”.

Ngư dân không thể sống cuộc đời của mình, khi không đi biển. Rồi sẽ có nhiều điều được nhìn lại, nhiều kinh nghiệm cho ngư dân lẫn các cấp ngành, lực lượng trong việc đồng hành, hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển.

Nhưng trước mắt, những bàn tay sẻ chia, tấm lòng tương thân tương ái vẫn đang tìm đến với ngư dân, để kịp dìu họ bước qua khổ nạn. Để xoa dịu nỗi đau, để họ bớt đi những khó khăn chật vật sau chuyến biển đầy mất mát. Và để bao người con của biển vững vàng, trở lại với những chuyến vươn khơi...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biển cả khôn cùng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO