Biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng

V.THU (Theo nhandan.vn) 27/06/2023 21:50

(QNO) - Có hai biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh tay chân miệng có thể trở nặng chỉ sau vài giờ

Trong 6 tháng đầu năm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận gần 500 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Trong số đó, có 20%-30% trường hợp là nhiễm chủng virus EV71.

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, tay chân miệng là bệnh thường gặp, có thể điều trị tại nhà nếu bệnh nhẹ. Tuy nhiên bệnh cũng rất dễ gây biến chứng nguy hiểm khi trở nặng, cha mẹ tuyệt đối không được chủ quan.

Có hai biến chứng thường gặp của bệnh này là biến chứng thần kinh và biến chứng suy hô hấp, suy tuần hoàn.

Biến chứng của tay chân miệng gây ảnh hưởng đến não bộ: viêm màng não, viêm não và viêm não tủy. Bên cạnh đó, trẻ sẽ có một số biểu hiện bất thường như hay bị giật mình, đi không vững, nhãn cầu rung/giật, mắt nhìn ngược,…

Virus bệnh còn gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp, tim mạch: viêm cơ tim, tăng huyết áp, suy tim, trụy mạch,…; xuất hiện bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập tại các nốt mụn trên da.

Bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi mắc tay chân miệng nằm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Năm nay, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh hơn, trong đó điển hình nhất là viêm não.

Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều, nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ; ngoài ra còn có biểu hiện là run chi, đi lại loạng choạng,…

Theo bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Thành phố Hồ Chí Minh, chủng EV71 gây ra những biến chứng nặng nề hơn. Đây là những chủng virus sống trong đường tiêu hóa và truyền nhiễm từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, chất dịch từ các bọng nước, chất nôn, giọt bắn khi ho hoặc hắt hơi của người bệnh.

Bệnh tay chân miệng đặc biệt hơn các bệnh lý khác do biến chứng của bệnh có thể trở nặng chỉ sau vài giờ. Vì vậy, bố mẹ không nên chủ quan, phải biết phát hiện các triệu chứng kèm theo các dấu hiệu ngoài da và niêm mạc để đưa bé đi khám ngay tại các cơ sở y tế.

Khi bé bị bệnh tay chân miệng có biểu hiện sốt cao khó hạ, hay sốt trên 48 giờ, triệu chứng về thần kinh (giật mình chới với, hốt hoảng, run hoặc yếu chi, đi đứng loạng choạng, đảo mắt bất thường,…) là có khả năng bệnh có biến chứng và cần phải được thăm khám ngay.

"Riêng các triệu chứng về tim mạch, hô hấp thì người thân sẽ khó nhận biết, đặc biệt các triệu chứng như thở nhanh, nhịp tim nhanh, cao huyết áp chỉ có thể phát hiện được khi bé được bác sĩ thăm khám. Khi bé có biểu hiện sắc da biến đổi, da nổi bông, thở mệt thì bé đã nặng, nguy cơ diễn tiến xấu", bác sĩ Thoa cho hay.

Cẩn trọng khi dùng kháng sinh

Đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường sẽ có khả năng tự phục hồi trong vòng 7-10 ngày, ngoại trừ những trường hợp có kèm biến chứng nặng.

Đối với trẻ mắc tay chân miệng thể nhẹ có thể được điều trị và chăm sóc tại nhà theo chỉ định của bác sĩ, tuy nhiên cần đi tái khám theo hẹn để kịp thời phát hiện biến chứng. Hiện nay, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì thế, việc chăm sóc trẻ đúng cách sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất, giảm thiểu tối đa nguy cơ gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng ở trẻ em vẫn chưa có thuốc đặc trị. Các phương pháp điều trị hiện có đều dựa trên nguyên tắc tập trung điều trị triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và ngăn chặn bệnh gây ra các biến chứng nguy hiểm.

Tay chân miệng là bệnh do virus gây ra nên thuốc kháng sinh sẽ không được sử dụng trong điều trị bệnh này (trừ các trường hợp trẻ có biến chứng bội nhiễm khuẩn). Các loại thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước,…được sử dụng trong điều trị tay chân miệng cần được thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.

"Không được tùy tiện cho trẻ dùng các loại thuốc nếu chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Một sai lầm rất hay thường gặp đối với các bậc phụ huynh khi chăm sóc trẻ bị tay chân miệng là tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị cho trẻ. Trong khi nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng là virus, và thuốc kháng sinh không có tác dụng diệt được virus, chỉ có tác dụng diệt vi khuẩn. Trên thực tế, dùng thuốc kháng sinh không mang lại tác dụng trong trường hợp này. Trong trường hợp trẻ bị sốt cao, chỉ nên dùng thuốc paracetamol để hạ sốt hoặc các thuốc khác theo đơn của bác sĩ", bác sĩ khuyến cáo.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO