Ra khơi bám biển, những ngư dân không chỉ lo “bão tố phong ba” mà còn cảnh giác với những tàu nước ngoài đâm va. Thế nhưng, họ không chùn bước bởi trong mỗi chuyến ra khơi luôn có sự động viên từ phía hậu phương...
Tiếng máy nổ giòn giã đã đưa hai chiếc tàu lưới vây đánh bắt xa bờ của anh Huỳnh Ngọc Tuấn (xã Tam Quang, huyện Núi Thành) từ từ rời bến ra cửa An Hòa để lại đằng sau đuôi tàu những vòng nước trắng xóa... Chị Trần Thị Thu Thanh - vợ chủ tàu Huỳnh Ngọc Tuấn đứng trầm ngâm ở bến dõi mắt nhìn theo cho đến khi hình dáng hai con tàu mờ dần về phía đông. Thế là, mấy ngày “nghỉ trăng” đã đi qua, đội tàu của chồng chị lại vươn khơi bám biển. Năm nay, đã qua 3 chuyến biển khai thác tại vùng biển Hoàng Sa, đội tàu lưới vây của anh Tuấn đạt hơn 50 tấn hải sản. Dù giá cả bấp bênh nhưng gia đình chị Thanh và anh em “bạn biển” cũng có đồng ra đồng vào.
Đội tàu xa bờ của huyện Núi Thành. |
Được Nhà nước hỗ trợ vốn vay cộng với số tiền dành dụm của mình, vợ chồng anh Tuấn đã đầu tư hơn 7 tỷ đồng đóng mới 2 chiếc tàu lưới vây đánh bắt xa bờ, giải quyết việc làm cho 15 lao động. Những năm qua, anh Tuấn cùng anh em “bạn” bám biển, bám ngư trường khai thác, chị Thanh ở lại “hậu phương” làm thêm nghề bán bảo hiểm và lo nuôi dạy con cái học hành. Cuộc sống của gia đình chị cũng như bao chị em vợ chủ tàu đánh bắt xa bờ khác cứ êm ả trôi qua, hàng ngày chị vẫn dõi mắt về phía biển khơi mong chờ tin vui từ những con tàu xa bờ - nơi chồng chị và các “bạn biển” đang ngày đêm bám theo từng đàn cá để khai thác. Thế nhưng thời gian gần đây, khi được tin tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Núi Thành hoạt động ở những ngư trường truyền thống của Việt Nam đã bị tàu nước ngoài xua đuổi, đập phá, chị không khỏi lo lắng, bồn chồn. “Tôi lo lắm chứ. Đó là tâm lý thường tình của những phụ nữ như chúng tôi, thế nhưng tôi vẫn động viên ảnh và các “bạn biển” yên tâm ra khơi đánh bắt” - chị Thanh chia sẻ.
Giữa buổi trưa mùa hè trời nóng hừng hực, tiếp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Phượng (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang) bộc bạch: “Tôi là vợ của chủ tàu Đỗ Công. Tàu của tôi hành nghề lưới vây ở vùng biển Hoàng Sa, từ đầu năm đến nay đã bị tàu nước ngoài rượt đuổi bốn năm lần, nhưng chúng tôi không sợ. Chồng tôi và anh em “bạn biển” vẫn bám ngư trường, tôi cũng động viên ảnh ra khơi đánh bắt, biển của mình chẳng việc chi phải sợ!”. Sự lo lắng, chia sẻ và động viên của những người vợ ở “hậu phương” giúp những ngư dân bám biển có thêm niềm tin và sức mạnh để ngày đêm khai thác hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Không chỉ có những người vợ, người thân động viên mà phía sau ngư dân là cả cộng đồng toàn xã hội, thể hiện ở sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, các đoàn thể. Trao đổi với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Văn Mỹ - Hải đội trưởng Hải đội 2 (Biên phòng Quảng Nam) bày tỏ: “Đơn vị chúng tôi làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và thực hiện công tác cứu hộ cứu nạn trên biển. Chúng tôi luôn bố trí lực lượng sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ ngư dân khi gặp sự cố, tai nạn, đồng thời hướng dẫn bà con đánh bắt trên biển theo tổ nhóm để sẵn sàng tương trợ lẫn nhau khi có sự cố trên biển, đặc biệt là tàu nước ngoài tấn công”. Tâm sự với chúng tôi, lão ngư Huỳnh Ngọc Anh (thôn Đông Xuân, xã Tam Giang) nói: “Đã từ bao đời nay, ngư dân xã Tam Giang luôn bám biển, bám ngư trường khai thác. Tôi đã kinh qua cái thời ăn sóng nói gió. Mới đây, con trai tôi là Huỳnh Ngọc Huệ đóng và hạ thủy con tàu vỏ thép hành nghề lưới vây ra khơi bám biển. Tôi động viên con giữ vững tinh thần, quyết tâm bám biển dù cho đôi lúc gặp khó khăn sóng cả, hay gặp phải sự càn quấy của tàu nước ngoài. Nghề của mình thì mình phải giữ, không ai thay được, người chủ tàu phải chịu sóng lớn, dìu dắt anh em vượt qua…”.
Vào vụ mùa năm nay, chiếc tàu vỏ thép của anh Huệ cùng với hơn 1.000 tàu cá của ngư dân huyện Núi Thành đã vươn khơi đánh bắt, không ngại hiểm nguy để ngày đêm khai thác hải sản và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và bên cạnh họ là sự động viên, chia sẻ của những thân, gia đình, của các cấp các ngành - những “hậu phương” luôn đồng hành...
VĂN PHIN