"Biến dạng" di sản văn hóa Hội An

QUỐC HẢI 15/12/2015 10:22

Sau 16 năm được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4.12.1999 - 4.12.2015), cùng với những thành tựu đạt được, Đô thị cổ Hội An đang đối diện với nhiều nguy cơ, trong đó, sự thay đổi chức năng của các ngôi nhà cổ đã và đang làm “biến dạng” những giá trị vô giá trong quần thể di tích được cho là “bảo tàng sống” này.

Thay đổi

Nhà thờ tộc Tăng ở số 16 đường Nguyễn Thị Minh Khai, một di tích đặc biệt trong khu phố cổ Hội An từng được UNESCO (khu vực châu Á - Thái Bình Dương) trao giải thưởng danh dự dành cho công tác bảo tồn kiến trúc năm 2009. Nhà thờ hình ống đặc trưng hai gian, ba chái, nằm cách Chùa Cầu chỉ 50m, được xây dựng vào khoảng thế kỷ 19. UNESCO từng đánh giá “là một trong những địa điểm quan trọng ở Hội An, nhà thờ tộc Tăng mới được trùng tu giờ đây nổi lên như là một điểm đến sinh động trong đô thị cổ, không chỉ phục vụ các thành viên trong họ tộc, người dân địa phương mà cả khách tham quan”. Cho biết về việc sử dụng ngôi nhà thờ này hiện nay, ông Võ Hồng Việt - cán bộ Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói: “Trước khi tu bổ thì ngôi nhà này chủ yếu để ở và thờ tự nhưng sau tu bổ thì ngoài việc thờ tự ngôi nhà này còn để kinh doanh hàng hóa”.

Mặt tiền nhà cổ ở Hội An biến thành nơi trưng bày hàng hóa. Ảnh: Q.HẢI
Mặt tiền nhà cổ ở Hội An biến thành nơi trưng bày hàng hóa. Ảnh: Q.HẢI

Không chỉ nhà thời tộc Tăng, khảo sát ngẫu nhiên 45 di tích về tình trạng sử dụng sau tu bổ do Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An thực hiện mới đây cho thấy, 24 di tích chưa đạt yêu cầu về mục đích sử dụng, chiếm 53%. Việc sử dụng không gian bên trong của các di tích, ngôi nhà cổ đã thay đổi hẳn. Hầu hết đều được tận dụng để kinh doanh, buôn bán, không còn là nơi để thờ tự, ở hoặc sinh hoạt gia đình như trước. Có 83 ngôi nhà cổ đã chuyển nhượng, 181 ngôi nhà khác trong khu phố cổ đã cho thuê là những con số đáng lo ngại chỉ sau 10 năm Đô thị cổ Hội An được công nhận di sản văn hóa thế giới. Điều đó đồng nghĩa với việc đã có 264 chủ nhà - chủ di tích, tương đương với 3.000 cư dân phố cổ đã phải rời khỏi nhà của mình vì đã bán hoặc cho người khác thuê chỉ để kinh doanh. Và trong 6 năm tiếp theo, hàng chục ngôi nhà có niên đại hàng trăm năm tuổi cũng đang ở trong tình cảnh tương tự. Chủ tịch UBND thành phố - ông Nguyễn Văn Dũng khẳng định: “Việc mua bán, chuyển nhượng di tích trong một số trường hợp đã biến các ngôi nhà cổ gắn với những giá trị văn hóa gia đình truyền thống nhiều thế hệ ở Hội An trở thành những cơ sở kinh doanh thuần túy”.

Biến dạng

Là người dân phố cổ, sinh sống tại số nhà 101 đường Trần Phú, ông Vương Long Dõng bày tỏ lo ngại sẽ mất đi tình làng nghĩa xóm khi những ngôi nhà xung quanh đều đã cho thuê hoặc bán đi. “Gần đây nhà cửa đã bán đi và cho thuê kinh doanh. Tôi lo cho cuộc sống không còn sự đoàn kết như hồi xưa nữa, không có sự giúp đỡ như hồi xưa nữa mà lại đưa đến sự tan rã. Đêm nằm ngủ tôi lo âu là mọi thứ như thế có còn vĩnh cửu không, hay một ngày gần đây không còn Hội An như xưa nữa” - ông Dõng trăn trở. Có thể nói, nỗi lo của cụ ông gần 80 tuổi này cũng là nỗi lo chung của nhiều cư dân phố cổ. Ai cũng biết, phát triển du lịch đã góp phần tạo công ăn việc làm, thế nhưng, không lo sao được khi một ngày nào đó, đi cả tuyến phố chẳng thấy bóng một người hàng xóm thân quen.

Từ xưa đến nay, hình thức cư trú nguyên gốc của cư dân Hội An trong các ngôi nhà cổ là vừa cư trú vừa buôn bán. Tuy nhiên, hiện có hàng chục ngôi nhà hoạt động kinh doanh nhưng không có người cư trú, điều mà trước đây hoàn toàn không có. Hàng chục ngôi nhà khác cũng đã cho người nước ngoài hoặc người khác địa phương thuê để buôn bán. Thêm vào đó, do nhu cầu mở rộng diện tích kinh doanh, tăng không gian cho trưng bày hàng hóa, nhiều ngôi nhà cổ đã bị tháo dỡ vách ngăn, không gian thờ tự, khiến cho bố cục không gian nhà truyền thống bị thay đổi. “Giá trị nổi bật toàn cầu của Hội An là giá trị văn hóa phi vật thể, hay nói cách khác là “bảo tàng sống”, con người vẫn sống cuộc sống đời thường trong lòng phố cổ. Nhưng với sự thay đổi như hiện nay, tất nhiên nó ảnh hưởng rất lớn. Khi con người thay đổi thì văn hóa phi vật thể bao gồm sinh hoạt, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán, nếp gia phong, tình làng nghĩa xóm cũng bị thay đổi, mất đi nhiều. Chắc chắn, chính quyền và các ngành chuyên môn phải đặt vấn đề này trong tương lai để phát triển bền vững” - ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An nói.

Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới một phần là nhờ những giá trị “không trùng lặp” của nó. Trong từng ngôi nhà cổ, những dấu tích của sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa người Việt, người Hoa, người Nhật, người Pháp... vẫn còn được lưu giữ qua mấy trăm năm. Thế nhưng, sự thay đổi không gian, chức năng của các ngôi nhà cổ đã và đang tác động “biến dạng” những giá trị di sản vô giá trong quần thể di tích được cho là “bảo tàng sống” này. Vì thế, việc kế thừa truyền thống văn hóa đang đứng trước những khó khăn và phố cổ Hội An có nguy cơ mất đi một phần sức hấp dẫn của mình.

QUỐC HẢI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Biến dạng" di sản văn hóa Hội An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO